Đi tìm mộ Tổ Dương Đình Nghệ
- 17/08/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 16391
Ngôi mộ của Tiết Độ Sứ Dương Đình Nghệ đến nay vẫn là một ẩn số. Các Nhà sử học, Hội đồng Họ Dương Việt Nam, hậu duệ của cụ Dương Đình Nghệ đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu, tìm kiếm nhưng vẫn chưa xác định được chính xác ngôi mộ nằm ở đâu.
Đền thờ Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ có từ xa xưa ở làng Giàng (làng Dương Xá), nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa, với truyền ngôn “Thượng sàng hạ mộ”, nghĩa là: Trên là giường thờ, dưới là mộ; chưa biết có thật thế hay không! Tuy nhiên, liên tưởng đến Đền Chương Dương thờ Bình Vương Dương Tam Kha ở huyện Thường Tín, Hà Nội cũng có truyền ngôn tương tự. Nhưng thực tế, lăng mộ của Tổ Dương Tam Kha lại ở làng Thành Đạt (Thanh Hóa) đang được xây dựng lại to đẹp, sắp khánh thành.
Vì thế khi nhận được tin: Ở Đường Lâm (Sơn Tây) có ngôi “mộ giấu” của cụ Dương Đình Nghệ, nghĩa là: Mộ cải trang không cho ai thấy, Ban nghiên cứu lịch sử Hội đồng Họ Dương Việt Nam rất quan tâm tìm hiểu vấn đề này.
Chuyện rằng:
Cụ Dương Đình Nghệ sau chiến thắng quân Nam Hán, giữ yên bờ cõi đất nước, đã tự xưng là Tiết Độ Sứ và mở ra triều đại Dương Đình Nghệ (931-937).
Tháng 3 năm Đinh Dậu (937), Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn (là con nuôi đồng thời là một bộ tướng của cụ) giết, âm mưu cướp ngôi Tiết Độ Sứ. Sau đó Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền (con rể cụ) và Dương Tam Kha (con trai cụ) trừng trị.
Cuối năm 2015, từ nhiều nguồn tin, đặc biệt là nguồn tin từ chi họ Dương ở Cam Lâm, Đường Lâm, Sơn Tây báo về, có liên quan đến mộ cụ Dương Đình Nghệ, Hội đồng Họ Dương Việt Nam cấp tốc cử một đoàn do ông Dương Văn Đảm, Phó Chủ tịch HĐHDVN làm trưởng đoàn về nghiên cứu sự kiện trên.
Đầu tiên, đoàn về đình Ngô Quyền (con rể của cụ Dương Đình Nghệ). Ở đây, đoàn làm việc với cụ Dương Đức Thọ – Cụ từ trông coi ngôi đình; ông Dương Hữu Phương – Trưởng thôn Cam Lâm; Dương Hữu Ánh, Dương Thế Thịnh, Dương Thế Ngọc (trưởng chi Họ), Dương Hữu Lâm (trưởng Họ Dương Cam Lâm) – Đại diện cho Họ Dương làng Cam Lâm; ông Dương Hữu Thu – Đại diện Hội Người cao tuổi Cam Lâm.
Sau khi nghe chuyện của cụ từ, đoàn nghiên cứu biết thêm, đối diện với đình và lăng Ngô Quyền qua hồ nước là khu “Cấm Sơn” (Núi Cấm) mà nhân dân vẫn gọi là “Đồi Cấm”. Tên “Đồi Cấm” có từ rất lâu, không ai biết có từ khi nào. Nghĩa của “Đồi Cấm” là cấm canh tác, cấm chặt phá, cấm đào bới, cấm xây dựng, cấm đặt mồ mả, cấm tập trận …
Ở Đường Lâm còn có đình thờ cụ Phùng Hưng “Bố Cái Đại Vương”. Trong đình có một tấm bia đá cổ nói về việc thờ cúng ở đây. Cụ từ Kiều Văn Lương đã hé lộ một điều mà từ bao lâu nay, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu, Hội đồng HDVN, hậu duệ cụ Dương Đình Nghệ đang tìm kiếm. Cụ từ Kiều Văn Lương nói: Ông nội tôi là Chánh Tổng đã kể với các quan về làng rằng, từ xa xưa trong làng đã lưu truyền câu chuyện, khi cụ Dương Đình Nghệ bị sát hại, con rể cụ là Ngô Quyền đã bí mật chuyển nhạc phụ về quê mình chôn cất, lập nên ngôi “mộ giấu” để tránh sự phá hoại, trả thù của giặc Hán. Mộ được táng ở “ Rốn Hổ” trong vùng “Cấm Sơn” có thế đất hình con hổ. Vì mộ Tổ an táng ở “Rốn Ông Hổ”, nên Họ Dương Cam Lâm nhiều đinh (đàn ông) và dân số chiếm quá nửa số dân của làng.
Thông tin này, cụ thủ từ đình Phùng Hưng cũng đã nói với các Nhà sử học Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc từ mấy năm trước đây, đồng thời cũng giới thiệu để nhiều đoàn khách biết. Cụ Kiều Văn Lương cũng đã có nhiều năm làm thủ từ đình Ngô Quyền.
Tuy là một thông tin chưa được xác định chính xác, nhưng đây cũng là một thông tin đáng tham khảo, để làm hé lộ dần cho hướng nghiên cứu mới về mộ của cụ Dương Đình Nghệ./.
Một số hình ảnh trong chuyến đi tìm mộ cụ Dương Đình Nghệ:
Nhà giáo, nhà báo Dương Sơn Thạc