Điền dã tìm hiểu về Họ Dương Đường Lâm thị xã Sơn Tây và thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội
- 06/11/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 1823
Thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì là hai địa phương (trong số nhiều địa phương) có đông người Họ Dương sinh sống từ xa xưa thuộc tỉnh Sơn Tây cũ (nay là Hà Nội), liên quan đến lịch sử di cư và định cư của người Họ Dương. Đáng chú ý là xã Đường Lâm là Đất hai vua, hiện có đền thờ Bố Cái Đại Vương – Phùng Hưng, lăng và đền thờ Tiền Ngô Vương – Ngô Quyền.
Theo yêu cầu của Ban Biên soạn Lịch sử Họ Dương Việt Nam, ngày 28 tháng 10 năm 2020, Ban nghiên cứu Lịch sử Hội đồng Họ Dương Việt Nam (HĐHDVN) kết hợp với Ban Biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” tổ chức điền dã ở hai địa điểm trên. Đoàn điền dã do ông Dương Văn Đảm – Phó Chủ tịch HĐHDVN, Trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử làm trưởng đoàn cùng các thành viên: Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm – Trưởng Ban biên soạn bộ sách Lịch sử Họ Dương Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm – Thành viên Ban biên soạn; Thạc sĩ Dương Đức Quảng – Phó Ban Nghiên cứu Lịch sử HĐHDVN và ông Dương Việt Hòa – Nhân viên Văn phòng HĐHDVN.
Tại xã Đường Lâm vào buổi sáng, đón tiếp và làm việc với đoàn điền dã tại đình Phùng Hưng, về phía địa phương gồm có: Hội đồng Họ Dương liên huyện Ba Vì – Sơn Tây có ông Dương Thế Thịnh – nguyên Phó Chủ tịch HĐHD thành phố Hà Nội, ông Dương Hữu Ánh – Phó Chủ tịch HĐHD liên huyện Ba Vì – Sơn Tây cùng các cụ cao niên của làng Cam Lâm: Cụ Kiều Văn Lương – thủ từ đình Phùng Hưng, Tạ Văn Luân, Giang Văn Lượt và cụ Dương Hữu Thu đại diện Họ Dương làng Cam Lâm. Đoàn điền dã đã làm lễ dâng hương tại Đình thờ Bố Cái Đại Vương – Phùng Hưng, sau đó đoàn tìm hiểu về Họ Dương Cam Lâm, được các cụ và các thành viên HĐHD liên huyện Ba Vì – Sơn Tây cho biết: Họ Dương Cam Lâm đã có ở đây từ lâu đời; Thủy Tổ vốn ở Dị Sử – Lương Tài – Kinh Bắc đến nay đã 20 đời; năm 1768 cụ Dương Thế Vinh từ Lương Tài – Kinh Bắc lên Cam Lâm lập ra Họ Dương Cam Lâm đến nay là 15 đời. Làng Cam Lâm, xã Đường Lâm hiện nay có tỉ lệ người Họ Dương sinh sống là 70%; thôn Yên Mỹ xã Thanh Mỹ tỉ lệ người Họ Dương là 60%; thôn Cam Đà xã Cam Thượng huyện Ba Vì – 50%; thôn Phú Xuyên xã Phúc Châu huyện Ba Vì – 30%; thôn Quang Ngọc xã Vạn Thắng huyện Ba Vì – 30%; thôn Thái Bạt xã Tòng Bạt huyện Ba Vì – 45%; xã Ba Vì huyện Ba Vì Họ Dương dân tộc Dao tỉ lệ người Họ Dương 70% có chữ viết riêng, có gia phả Họ Dương.
Tiếp theo đoàn điền dã dâng hương tại Đền và Lăng Ngô Quyền – Di tích lịch sử quốc gia tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
Hiện nay tại làng cổ Đường Lâm – Đường Lâm cổ ấp còn nhiều dấu tích như: Cầu Gỗ “Thượng Gia hạ Kiều” 9 gian; họng Rồng; mắt Rồng; đồi Cấm…
Hiện tượng có đông người Họ Dương sinh sống ở thôn Cam Lâm xã Đường Lâm và các địa phương lân cận bước đầu được giả thiết đó là sự định cư lâu đời của các chi Họ Dương từ các nơi khác đến, trong đó có các chi Họ Dương thuộc dòng dõi là hậu duệ họ ngoại (Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha…) của Ngô Vương Quyền…
Buổi chiều cùng ngày Đoàn điền dã đến thị trấn Tây Đằng huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội tìm hiểu về mối quan hệ giữa Đường Khê – Nguyễn Thế Chương, Tráng Nghĩa – Nguyễn Cẩm Miên từ vùng xuôi lên Đông Đằng – Bắc Sơn – Lạng Sơn lánh nạn đổi thành Dương Thì Rử, Dương Thì Cử – Thủy Tổ của Họ Dương xã Bắc Sơn, dần dần lập ra các chi Họ Dương Thì, Dương Thần và là người Tày ở Đông Đằng – Bắc Sơn, có quan hệ gì với họ Nguyễn Văn ở Tây Đằng?
Đón tiếp và làm việc với đoàn tại thị trấn Tây Đằng – Ba Vì, có ông Nguyễn Văn Tùng – Bí thư Đảng ủy thị trấn Tây Đằng, trưởng họ Nguyễn Văn, ông Nguyễn Văn Phương công chức Tài nguyên – Môi trường thị trấn và cụ Nguyễn Văn Hỹ 93 tuổi – cao niên nhất Họ Nguyễn Văn ở thị trấn Tây Đằng hiện nay.
Cụ Nguyễn Văn Hỹ cho biết: Họ Nguyễn ở thị trấn Tây Đằng có 4 nhánh: Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, Nguyễn Hữu và Nguyễn Viết trong đó họ Nguyễn Văn có ở Tây Đằng sớm nhất (cách đây 500 – 600 năm) và đông nhất. Đình Tây Đằng thờ Tản Viên Sơn Thánh và hai vị Tả Hữu Tướng quân của Tản Viên Sơn Thánh là Cao Sơn và Quý Minh. Ngoài ra đình còn thờ Thần Nông để cầu mong mùa màng tươi tốt. Lăng Quế Hoa nương công chúa được xây dựng ở đầu thôn Đông – Tây Đằng (xưa Tây Đằng có 4 thôn: Đông, Nam, Đoài, Bắc) có phong thủy tuyệt đẹp. Vấn đề đặt ra là “Quế Hoa nương công chúa” đích thực là ai? Dòng dõi nhà vua nào? có quan hệ thế nào với Họ Dương Thì ở làng Đông Đằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn – Lạng Sơn? Bởi vì theo gia phả Họ Dương Thì ở Bắc Sơn – Lạng Sơn thì Thủy Tổ Họ Dương ở đây gốc là Họ Nguyễn từ dưới xuôi lên cách đây 500 – 600 năm nhập vào dân tộc Tày, đổi sang Họ Dương, dần dần lập ra các chi Họ Dương: Dương Thời, Dương Thần, Dương Văn, Dương Hữu như hiện nay. Truyền ngôn còn cho biết, khi chia tay đi lánh nạn, anh em trong dòng họ còn dặn nhau khắc ghi, nhánh sang phía Tây dừng lại ở đâu thì đặt nơi ở ấy là Tây Đằng, còn nhánh sang phía Đông thì đặt là Đông Đằng để sau này con cháu dễ nhận ra nhau. Tây Đằng – Xứ Đoài – Đông Đằng Bắc Sơn hiện nay có phải là kết quả của sự khắc ghi khi xưa?
Đây là những câu hỏi khó, cần tìm hiểu câu trả lời đích thực, khoa học góp phần từng bước làm sáng tỏ những vấn đề cội nguồn Họ Dương các địa phương nói riêng, Họ Dương Việt Nam và những vấn đề liên quan đến Lịch sử Họ Dương Việt Nam nói chung.
Tạm biệt Đường Lâm – Tây Đằng xứ Đoài, Đoàn điền dã xin chân thành cảm ơn các cụ cao niên của Đường Lâm, Tây Đằng cùng các ông/bà lãnh đạo Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể của địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt thành, chu đáo của ông Dương Thế Thịnh – nguyên Phó Chủ tịch HĐHD thành phố Hà Nội và HĐHD liên huyện Ba Vì – Sơn Tây đã cộng đồng trách nhiệm giúp đỡ đoàn.
Bài viết: Dương Đức Quảng
Ảnh: Dương Việt Hòa