Độc đáo Nhà thờ Họ Dương
- 06/10/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 2446
Giữa phố xá sôi động nơi thủ phủ đất Chín Rồng, có một ngôi nhà cổ độc đáo đã tồn tại gần 150 năm, qua bao thăng trầm của lịch sử và khói lửa chiến tranh. Đó là Nhà thờ Họ Dương, còn gọi là Nhà cổ Vườn Lan, nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ…
Hôm chúng tôi đến, có rất nhiều khách tham quan, trong đó có cả các đoàn khách nước ngoài đang có mặt tại ngôi nhà cổ nổi tiếng này. Họ lắng nghe thuyết minh, trầm trồ, thích thú trước từng cổ vật trưng bày tại đây. Anh Dương Đăng Khoa, cháu đời thứ 4 của cụ Dương Chấn Kỷ – chủ nhân khởi thủy ngôi nhà này, nhỏ nhẹ giải thích, cung cấp thông tin theo yêu cầu của khách. Theo anh Khoa, cụ Kỷ là một thương gia trí thức giàu có và là điền chủ có óc mỹ thuật, thích tìm tòi cái mới, cái lạ của trào lưu Tây phương vào cuối thế kỷ 19, trong đó có kiến trúc. Công trình này là sự kết hợp, giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây theo kiểu “nội ứng ngoại hợp” (bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây và quang cảnh thiên nhiên).
Thấy chúng tôi thắc mắc về tên gọi “Nhà cổ Vườn Lan”, anh Khoa kể rằng, ông nội của anh là ông Dương Văn Ngôn, có thú chơi hoa kiểng, nhất là hoa lan. Vào thập niên 60 của thế kỷ 20, ông đã sưu tầm nhiều giống lan quý rồi tổ chức các hội chơi lan tại ngôi nhà để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa. Sau này, nhiều người quen gọi là “Nhà cổ Vườn Lan” hay “Vườn Lan Bình Thủy”.
Nhà thờ Họ Dương được xây dựng và hoàn thiện từ năm 1870 đến 1911, tọa lạc trên thửa đất rộng khoảng 6.000m2, theo hướng Đông-Tây. Trước mặt là đường giao thông và sông rạch để đón khí hậu trong lành và thuận tiện trong việc di chuyển. Xung quanh nhà là vườn cây ăn trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt.
Qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp là chiếc cổng phụ theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, hệ thống rui, mè, xà ngang bằng gỗ, mái lợp ngói ống, gờ bó mái che bằng men xanh lục. Mặt trước cổng có gắn bảng: “Phước An Hiệu”.
Sân phủ thờ khá rộng, trồng nhiều loại hoa kiểng: Cau, tùng, phát tài, sứ Thái Lan, trong đó có cây vú bò là một loại dược liệu quý, có cả cây xương rồng Mexico cao khoảng 10m. Nhà chính có 4 cầu thang đi lên 2 gian ngoài và hình cánh cung dẫn vào gian giữa. Cửa gỗ, vòm hình vòng cung, cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn, dây lá nho, con sắt bằng xi măng.
Có nhiều cửa dẫn vào nội thất, không gian nơi đây rộng 352m2, chia làm 3 phần: Nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Nhà trước 5 gian dùng làm nơi tiếp khách với những nghi lễ quan trọng. Ở vị trí trang trọng có treo bức ảnh tráng men chân dung cụ Dương Chấn Kỷ. Nhà giữa gồm 5 gian, trong đó có 3 gian thờ tự được bài trí thuần Việt với hương án, khánh thờ, liễn đối bằng gỗ khảm xà cừ. Nhà sau được dùng để tiếp khách nữ với một vách gỗ chạy dài, gồm nhiều ô hộc, con tiện, tranh gốm sứ.
Kiến trúc sư Phạm Thành An khi xem công trình đặc sắc này, tâm đắc cho rằng, đây là sự giao thoa kiến trúc Đông – Tây nhưng có chọn lọc, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân. “Công trình có nhiều cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách dân tộc, thể hiện qua không gian, cách bài trí thờ tự, trong sử dụng hoa văn, họa tiết, trang trí… Nó tạo ra một phong cách riêng sang trọng nhưng vẫn bình dị, không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê yên ả khi ấy” – kiến trúc sư Phạm Thành An chia sẻ.
Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều công trình xung quanh bị bom đạn tàn phá nhưng Nhà thờ Họ Dương may mắn vẫn còn nguyên vẹn và được các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ, bảo vệ. Trong nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành một địa điểm văn hóa – du lịch, đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Nhà cổ còn là nơi được chọn làm cảnh quay của nhiều bộ phim, như: “Chân trời nơi ấy”, “Cây tre trăm đốt”, “Con nhà nghèo” và bộ phim Pháp nổi tiếng “Người tình” của đạo diễn J.J.Annaud… Tháng 1/2009, Nhà thờ Họ Dương được xếp hạng Di tích Quốc gia.
Theo Trần Hoàng, Báo Quân đội nhân dân