Đời thường của một Anh hùng Họ Dương
- 28/12/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 1529
Chuyện kể về chị Dương Thị Lệ rất nhiều. Tôi làm một chuyến “tư hành” về quê chị ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành.
Gương mặt chị bầu, màu da sạm nắng, dáng người thấp đậm, nhưng đôi mắt lại toát lên vẻ cương nghị khác thường. Chị kể về mình dung dị, bình thường như chuyện chẳng có gì đáng chuyện. Phải là người đang háo hức muốn nghe để so sánh với những gì đã từng được biết về chị mới thấy trong câu chuyện của chị quả có nhiều điều phi thường, hấp dẫn; mới biết người ta đã không hề thêu dệt, thậm chí kể còn sót, còn thiếu rất nhiều về chị.
Nuôi vịt chạy đồng lắm đỗi cơ cực, đêm cũng như ngày, nắng cũng như mưa, giông to hay bão lớn đều phải “phơi” thân giữa cánh đồng mông quạnh. Lắm bữa mưa dầm không nấu được cơm ăn. Nhiều lúc đêm mưa phải trùm nilon ngồi ngủ. Chị Dương Thị Lệ đã bắt đầu “sự nghiệp làm ăn” của mình bằng một cái “nghề” như vậy – nuôi vịt chạy đồng. Nghe chị kể, khâm phục chị đã đành, lại còn mủi lòng, thương cho cuộc đời của chị sao lắm gian nan.
Chị Dương Thị Lệ (bên phải) và Trung tá Nguyễn Thị Ánh Thu.
– Có thiệt chị đã từng nhịn ăn hồi còn nuôi vịt chạy đồng? – tôi hỏi. Chị cười và đỏ bừng khuôn mặt: “Anh em, đồng đội lâu ngày gặp nhau hỏi, mình cũng thiệt tình có sao nói vậy, chớ có phải kể khổ gì đâu mà thấy ai xuống cũng hỏi thiệt không? Mưa quá, không nấu ăn được thì phải nhịn chớ biết làm sao bây giờ”.
– Thế chẳng lẽ không mua tạm được mấy ổ bánh mì? Chị lại cười, nụ cười độ lượng: “Chú ở thành phố có khác. Giữa Đồng Tháp Mười ba bề, bốn bên nước mênh mông, trắng xóa, tìm được một gò đất đứng chân đã khó, lấy đâu ra bánh mì. Sẵn tôi nói thêm để chú biết, không lại hỏi có thiệt trùm nilon ngủ đứng, ngủ ngồi hay không?”.
Quả là tôi định hỏi câu đó thiệt. Bởi trước đây nghe người khác kể, tôi đâu có hình dung ra, nhưng giờ đây trước cuộc đời chị đang dàn trải thì những chuyện đó trở nên “chuyện nhỏ”, “ba cái vụ lẻ tẻ” ấy mà thấm tháp nỗi gì như câu, chữ chị dùng.
“Cũng tại mình không có đất, vốn ít nên mới phải bươn chải kiếm sống, chớ cùng cực lắm chú ơi! Hơn chục năm trời chẳng mấy khi về nhà. Hết đồng gần đến đồng xa, vợ chồng tôi bao năm cùng con cái lênh đênh, trôi nổi khắp vùng Đồng Tháp Mười. Có khi hết đồng hoặc chậm chân, đồng người ta đã bán cho người khác, vợ chồng tôi đành phải “lội” sang các tỉnh Long Xuyên, An Giang; thậm chí có thời gian xuống tận tỉnh Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu… để nuôi vịt chạy đồng” – chị tâm sự.
Chị kể, còn tôi cố hình dung cảnh vợ chồng, con cái chị chia nhau mỗi người bám theo một bầy vịt. Mo cơm trưa đeo lủng lẳng bên mình, cái sào dài buộc túm mấy tàu lá chuối khô huơ qua huơ lại, đôi chân trần bì bõm dưới nước, trên đầu nhiều khi mưa rơi tầm tã, lắm khi nắng đốt như thiêu… Sực nhớ tới 2 câu thơ của anh Lê Phúc: “Phèn đóng đỏ chân – Nắng nâu da mặt”, như thể viết để dành riêng cho cuộc đời của chị vậy.
Ráng chiều, lại bươn bả lùa vịt về quây tròn trong mấy tấm mành, tấm lưới. Giữa bốn bề mênh mông đồng nước trên một gò đất, vợ chồng, con cái chị quần tụ bên bếp lửa bập bùng. Bữa cơm tối chỉ có bông súng chấm hột vịt luộc dầm nước mắm. Mái lều che tạm không đủ ấm trong những đêm mưa dầm. Tiếng côn trùng nỉ non, tiếng ếch nhái kêu ì ộp, tiếng chim ăn đêm giật mình, tiếng con cá quẫy chìm dần vào giấc ngủ sâu sau một ngày bươn bả lội đồng.
“Cực khổ mấy tôi cũng chịu đựng được, có thấm tháp gì so với thời chiến tranh ác liệt. Có điều, có những lúc xảy ra những chuyện tưởng chừng không vượt qua nổi. Đó là những lúc buộc phải chuyển vịt từ vùng này qua vùng khác. Thời tiết, khí hậu thay đổi, vịt lạ nước bệnh nằm rã ra trắng cả một vùng. Tiếng khóc càng nén bao nhiêu, nước mắt càng tuôn ra bấy nhiêu. Không chỉ có vị mặn, mà tôi có cảm tưởng như nước mắt mình còn đỏ nữa. Có phải nó lẫn cả máu không hả chú?” – chị bộc bạch.
Và chị đã gượng đứng lên, lại gầy dựng, chắt chiu, vượt qua mọi khó khăn bằng ý chí, nghị lực của một Anh hùng.
Vất vả, cực nhọc chị có thể chịu đựng được, nhưng chị không thể sống rày đây, mai đó mãi được, vì chị còn có trách nhiệm, bổn phận lo cho tương lai của các con sau này. Chị bàn với chồng trở về quê. Hơn chục năm trời lặn lội theo bầy vịt, vợ chồng chị dành dụm được ít tiền mua được 6 công đất rẫy. Đứng trên bờ kinh Năng, chị không sao cầm được lòng mình.
Quá khứ chợt hiện về. Một thời chiến tranh đạn bom tàn khốc nhưng vô cùng hào hùng, oanh liệt như những thước phim chầm chậm diễn ra. Cái bót Long Điền ở hướng kia, mấy thằng lính thường hay ghẹo gái, phá phách đủ điều. Sáng nào chúng cũng kéo nhau đi. Chiều về, mặt thằng nào thằng nấy đỏ gay, khiêng, mang khệ nệ đủ thứ đồ của bà con, cô bác làm ra từ mồ hôi, nước mắt. Năn nỉ riết muốn gãy cái lưỡi, anh Ba Chúp – Xã đội trưởng, anh Tám Nang – Bí thư Chi bộ mới đồng ý cho đánh. Trận đầu tiên, đánh một mình, trái tim cô gái 18 tuổi xuân đập liên hồi như buổi đầu hò hẹn.
Cầm hai mối dây điện phục chờ mà mồ hôi tuôn ướt đầm như tắm. Không nghe tiếng nổ. Chỉ thấy một quầng lửa xanh lét phụt ra và một đụn khói lớn bao trùm. 3 thằng lính chết tại chỗ, 6 thằng lính khác bị thương. Cô gái sung sướng, cảm thấy vững vàng hơn sau trận đánh. Còn phía bên này là bót Lộ Me. Trận Lộ Me đã đi vào huyền thoại. Địch nống ra phát quang địa hình. Cô gái năm nào giờ đã là Xã đội phó cùng 11 tay súng đã kiên cường cầm cự với cả 1 tiểu đoàn địch suốt trọn 1 tuần, buộc địch phải co cụm về không dám nống ra. Nơi này, nơi kia nỗi buồn, niềm vui, kỷ niệm một thời tràn ngập, ùa về. Hai dòng nước mắt chị lặng lẽ lăn dài trên gương mặt sạm màu nắng mưa, sương gió. Chính trên mảnh đất kinh Năng này, máu của chị, của chồng chị và biết bao đồng đội đã thấm sâu vào lòng đất.
Nhát cuốc đầu tiên bổ xuống, tiếng đất rạn vỡ như nỗi trăn trở trong lòng chị. Quê hương bao năm rồi sao vẫn còn nghèo. Phải làm gì đây để góp sức làm “thay da, đổi thịt” quê hương. Chị bàn bạc cùng chồng đề ra nhiều phương án, chẳng khác gì ngày xưa chị và chồng chuẩn bị bước vào một trận đánh. Chị cân nhắc, đắn đo, dè sẻn từng đồng vốn như đã từng dè sẻn, tiết kiệm từng viên đạn trong chiến tranh. Cân nhắc, tính toán kỹ, chị quyết định trồng hoa huệ. Nói đúng hơn, chị chuyên canh hoa huệ. Chị cười: “Cũng hồi hộp, lo âu lắm, nhưng chẳng còn con đường nào khác.
huyên canh để có kế hoạch đầu tư cho đúng mức, hợp lý; để thuận tiện, dễ dàng trong việc áp dụng những tiến bộ của khoa học – kỹ thuật. Phương án, kế hoạch đã lên xong, vợ chồng, con cái chị bước vào “trận đánh” mới. Với chị, giờ đây ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí. Lại những tháng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, một nắng hai sương cày sâu, cuốc bẫm. Bốn, năm giờ sáng cả nhà chị thức dậy ra đồng, đến tối mịt mới về. Bữa cơm trưa lúc ăn đầu bờ, bữa ăn cuối ruộng.
Khuôn mặt chị chợt hồng lên, bừng sáng: “Rẫy huệ của tôi nhờ được chăm sóc, vun xới kỹ và phân, thuốc đầy đủ nên tốt bời bời, bông đâm tua tủa. Nói thiệt, liệng cái nón két xuống không lọt, cứ nằm khơi khơi trên đọt bông. Vào vụ, giật bông huệ, sướng ơi là sướng, mặc dù đêm về muốn rã cánh tay, gãy sống lưng. Mệt nhưng không thấy nhọc, cực nhưng không còn khổ nữa. Cũng giống như hồi đánh giặc, hăng đến nổi không còn biết sợ chết là gì”.
Thông thường, những sản phẩm ở rẫy nông dân làm ra, thương lái vào thu mua có khi giá chỉ bằng phân nửa giá thị trường. Chị không chịu, tìm cách móc mối, tự thuê xe chở lên thành phố bán. Chị nói: “Chú thử tính coi, có lúc bông huệ lên giá 4.000 – 5.000 đồng/bông, rẫy huệ của tôi mỗi đợt giật trên 10 ngàn bông, tính ra phải đến 40 – 50 triệu đồng, nếu bán cho thương lái thì mất đứt gần phân nửa, xót lắm chứ!”.
Khi chị kể đến đây, anh Năm Non – chồng chị, cũng là thương binh, ngồi im nãy giờ, mới lên tiếng: “Tánh bả xưa nay vậy đó, đã quyết làm việc gì là làm cho bằng được!”.
Từ cây huệ, chị xây được nhà, mua xe máy, sắm sửa nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, cuộc sống của gia đình chị ngày càng khởi sắc. Các con của chị giờ đã lớn, 2 cháu đầu đã có gia đình riêng. Chị bàn với chồng chia rẫy huệ, để lại căn nhà cho các con. Hiện vợ chồng chị mướn 5 công đất rẫy, cất tạm căn chòi để tiếp tục cuộc “chiến đấu” mới. Chị đang chuyên canh rau má. Trước mắt tôi, những liếp rau má phẳng lì, trải dài, xanh ngút mắt như minh chứng cho ý chí vươn lên của một Anh hùng.
Chuyện kể về chị rất nhiều, đến nỗi trong một lần về họp mặt các Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chiến sĩ thi đua ở Quân khu, Đại tá – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Quang Công đã phải thốt lên: “Lệ ơi! Tao xin bái phục mày. Mày xứng đáng được phong Anh hùng lần nữa!”.
Dương Ngọc Bích sưu tầm Báo ấp bắc