Dương Đình Lộc người đưa nghệ thuật hát chầu văn đến gần cuộc sống
- 17/05/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 1582
Dương Đình Lộc, hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh đến với nghiệp viết một lẽ tự nhiên, những câu văn tuôn trào đọng lại cảm xúc riêng biệt, khó lẫn. Trước khi đến với văn chương, anh theo đuổi tìm hiểu khám phá nghệ thuật hát chầu văn. Hai niềm đam mê hòa quyện thôi thúc anh sớm cho “ra lò” ấn phẩm “Những bài hát văn chọn lọc” do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành trong năm 2013. Đến nay, tác phẩm vẫn có hiệu ứng tích cực tới nhiều độc giả.
Tác giả Dương Đình Lộc trao đổi nội dung cuốn sách “Những bài hát văn chọn lọc” với độc giả yêu thích môn nghệ thuật hát chầu văn.
Gần 40 bài hát chầu văn được sắp xếp trong ba phần: Phần 1: “Tiếng trống Nam Binh”, phần 2: “Liễu Chương Đài”, phần 3: “Thần Long Nữ”. Tác phẩm được gói gọn trong cuốn sách nhỏ xinh với cách trình bày khá ấn tượng. Được biết nghệ thuật hát chầu văn là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của dân tộc, xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và gắn liền với tục thờ Mẫu trong tín ngưỡng Tứ phủ. Trải qua bao thăng trầm, nghệ thuật hát chầu văn có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân và có sức sống mãnh liệt. Từ trong đời sống tâm linh, hát chầu văn đã “chuyển mình” vượt ra khỏi không gian thờ tự để bước lên sân khấu, đến với đời sống. Theo dòng chảy văn hóa đặc sắc đó, Dương Đình Lộc đã biết chắt lọc, vận dụng kiến thức hiểu biết lịch sử, xã hội để sáng tác thêm nhiều bài chầu văn với ca từ mới mẻ, hấp dẫn.
Nếu như trước đây, hát chầu văn được biết đến với lời hán nôm như: “Ngoại man di úy ung uy phụng trung hoa đồng mộ đức tôn nhân” (Trích đoạn Văn hát về Đức thánh thần triều). Với mong muốn đưa nghệ thuật hát chầu văn đến gần hơn với cuộc sống, đặc biệt là để lớp trẻ thời nay hiểu thêm về giá trị văn hóa đích thực, Dương Đình Lộc đi thực tế sưu tầm, đúc rút kiến thức để sáng tác nhiều bài hát mới. Đó là những tác phẩm có ca từ dễ hiểu, sử dụng làn điệu quen thuộc, tạo hiệu ứng tích cực cho người yêu thích và muốn tìm hiểu môn nghệ thuật này.
Mở đầu tác phẩm tác giả có bài: “Liễu hạnh công chúa văn” với ca từ thuần việt. Bài viết có độ súc tích cao, chỉ trong gần 40 câu thơ, tác giả đã kể lại cụ thể nguồn gốc, công đức của chúa Liễu Hạnh:
“… Tay công chúa nâng ly cung chúc
Bỗng giật mình sơ ý đánh rơi
Chén vàng chót vót đầy vơi
Vua cha nghe nói phong lôi nổi đình…
Bèn nổi giận gia ban sắc chỉ
Giáng lệnh truyền cho xuống trần gian”.
Không chỉ ca từ giản dị, Dương Đình Lộc còn khéo léo lồng ghép giai điệu dân ca quen thuộc tạo ấn tượng với người nghe. Trong bài viết về “Đức ông Trần Triều Văn”, tác giả sử dụng giai điệu Dạ cổ hoài lang, dân ca Nam Bộ để thể hiện: “Bậc là bậc danh tướng, thống chế quốc công đại tài/Mà nghe chiến công lẫy lừng, tài thao lược võ nghệ vang lừng/Ôi đất thiêng Nam Thành, sinh tướng thần cứu lấy muôn dân”.
Phỏng theo giai điệu “Đi cấy” của dân ca Thanh Hóa, bài “Văn cậu bé Hoàng” với ca từ, làn điệu rất phù hợp, cho thấy sự sáng tạo của tác giả:
“Kim Đồng dù đẹp như tranh
Làm sao sánh với cậu Hoàng của tôi
Vốn là tráng sỹ nhà trời
Giáng sinh hạ thế cứu người trần gian…”
Đọc “Những bài hát văn chọn lọc”, nhiều trích đoạn đã giúp độc giả hiểu hơn về nhân vật và sự kiện lịch sử. Khi viết về Trần Hưng Đạo, mở đầu bài văn tác giả giới thiệu ngắn gọn:
“Ba lần nếm mật nằm gai
Ra tay trấn giữ đất trời Việt Nam
Tài danh văn võ song toàn
Binh thư yếu lược vang lừng núi sông
Xem từ Hịch Tướng Sĩ văn
Mới hay là đấng thánh nhân đại tài…”
Tiếp theo là lời ca, ca ngợi công lao của Hưng Đạo Vương ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông. Cách diễn đạt bằng thơ, lời lẽ tự nhiên, những sự kiện lịch sử được chuyển tải linh hoạt giúp người đọc dễ nhớ, dễ thuộc:
“Cửa Hàm Tử bắt sống trăm tên
Mừng chiến thắng Bạch Đằng giang lừng lẫy…”
Để có tư liệu cho bài viết, Dương Đình Lộc phải đi đến nhiều đền như Đền Hoàng Mười ở Nghệ An, Đền Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh ở Ninh Giang (Hải Dương), Đền mẫu Đông Cuông ở Yên Bái… Mỗi nơi anh đặt chân đến đều thể hiện tấm lòng thành và tâm nguyện của mình nên được nhiều người giúp đỡ hoàn thành tác phẩm. Tác giả chia sẻ, văn học thơ ca của môn nghệ thuật hầu bóng này cũng là một trong những vẻ đẹp thẩm mỹ mang tính độc đáo của tâm hồn Việt. Tác phẩm “Những bài hát văn chọn lọc” đã góp phần đưa chầu văn đến gần hơn với cuộc sống, khẳng định giá trị văn hóa đích thực của loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Bài, ảnh: Giang Lam – Tuyên Quang