Dương Đình Nghệ với việc giải phóng thành Đại La năm 931
- 18/08/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 5185
Tháng 10 năm 930, sau khi bắt được Khúc Thừa Mỹ, chiếm được Giao Châu, chúa Nam Hán cử Lý Tiến sang làm Thứ sử, cùng Lương Khắc Trinh (còn gọi là Lý Khắc Chính) giữ thành Tống Bình. Sau đời Cao Biền thống trị, thường gọi là thành Đại La, tức vùng đất Hà Nội ngày nay.
Trước sự đe dọa của ách thống trị Nam Hán, xóa bỏ mọi thành quả mới thu được trong mấy chục năm phát triển tự do, những Hào trưởng địa phương đã cùng với nhân dân đứng dậy đấu tranh chống quân Nam Hán xâm lược, giành lại quyền tự chủ dân tộc. Một tướng cũ của họ Khúc là Dương Đình Nghệ, người quê ở Châu Cổ Pháp (Bắc Ninh) di cư vào làng Giàng, Thiệu Hóa, Thanh Hóa – gọi là Ái Châu, đã nuôi 3.000 giả tử (con nuôi) trong nhà chuẩn bị tiến đánh thành Đại La, giải phóng Giao Châu.
Dương Đình Nghệ (có sách ghi là Dương Diên Nghệ), là thân phụ của Dương Tam Kha, người chém chết tướng giặc Hoằng Thao, trong trận Bạch Đằng năm 938. Ông di cư đến làng Dương Xá (tên Nôm là làng Giềng), Dương Đình Nghệ và con là Dương Tam Kha. Hai phần ba nhân dân Dương Xá có họ Dương. Họ Dương chia thành 8 chi nhỏ. Theo truyền thuyết và sử cũ, Dương Đình Nghệ nuôi 3.000 con nuôi ở trong nhà và đều ban cho họ là Dương, nên nhân dân làng ấy mới có nhiều họ Dương như vậy.
Chính vì thấy lực lượng của nhân dân và giai cấp phong kiến người Việt đã rất mạnh, triều đình cát cứ Nam Hán nhỏ bé không có đủ sức đặt ách thống trị ở đó, nên chúa Nam Hán là Lưu Yểm từng nói với tả hữu rằng “Dân Giao Châu chỉ có thể ràng buộc lỏng lẻo mà thôi”. Cùng vì vậy, nên Lưu Yểm cũng trao tước mệnh cho Dương Đình Nghệ coi giữ Ái Châu. Lý Tiến cũng biết Dương Đình Nghệ nuôi 3.000 “con nuôi” trong nhà mưu lấy lại Giao Châu, nhưng vì bất lực và do bản chất tham lam, Lý Tiến nhận của cải do Dương Đình Nghệ hối lộ, không tâu việc đó cho chúa Nam Hán biết.
Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Thì Sĩ chép: “Mùa đông, tháng 12 năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ đem quân đánh Giao Châu. Thứ sử là Lý Tiến bỏ thành chạy trốn”. Chúa Nam Hán Lưu Yểm hay tin, liền sai Thừa chỉ là Trình Bảo (hoặc Trần Bảo) đem quân sang tiếp viện cho bọn Lý Tiến. Nhưng Trình Bảo chưa đến nơi thì Dương Đình Nghệ đã đánh chiếm được thành Đại La. Dương Đình Nghệ tập hợp lực lượng, đem quân ra ngoài thành chiến đấu. Quân ta với quân giặc Nam Hán giao chiến quyết liệt. Tướng giặc Nam Hán Trình Bảo chết tại trận địa.
Chính quyền đô hộ của nhà Nam Hán thiết lập ở Giao Châu chưa đầy một năm đã bị nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Dương Đình Nghệ lật đổ. Sau cha con họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ), Dương Đình Nghệ là một anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, thúc đẩy cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta tiến triển thêm một bước nữa. Sử gia Lê Tung trong “Việt giám thông khảo luận” ca ngợi công lao sự nghiệp của họ Dương như sau: “Dương Chính Công (tức Dương Đình Nghệ) nghĩ đất đai của nước Việt ta bị Nam Hán thôn tính bấy lâu, thu dùng hào kiệt, cả dấy nghĩa quân, hai lần đánh bại tướng giặc, thu lại dư đồ …”. Dương Đình Nghệ lên cầm quyền cũng chỉ xưng là Tiết độ sứ. Ông phân phong cho các tướng lĩnh trấn trị các châu trong miền Tĩnh Hải: Đinh Công Trứ (Cha Đinh Bộ Lĩnh) được quyền giữ chức Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An); Ngô Quyền được coi giữ Ái Châu và được Dương Đình Nghệ gả con gái là Dương Thị Như Ngọc làm vợ.
Dương Đình Nghệ là Tiết độ sứ được 7 năm (931-937). Tháng 3 năm Thiên Phú thứ 2 đời Hậu Tấn, Dương Đình Nghệ, bị tên Hào trưởng phản phúc đất Phong Châu, tướng của Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn giết chết, đoạt cờ tiết. Lo sợ trước sự trừng phạt của nhân dân ta, kẻ phản phúc ấy đã trở thành tên bán nước: Hắn đầu hàng Nam Hán, đem của báu sang dâng cho chúa Nam Hán, rồi xin quân cứu viện. Chỉ đợi có thế, chúa Nam Hán phong ngay cho con là Hoằng Thao làm Giao vương (vua xứ Giao Châu), kéo thủy quân từ Quảng Châu hướng về phía sông Bạch Đằng tiến phát.
Tháng 10 năm 938, vị tướng tài đức và con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đã cùng Dương Tam Kha (em vợ) đem quân từ Ái Châu kéo ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn trả thù cho cha. Và ngay sau đó ít lâu, Ngô Quyền đã phá tan quân Nam Hán do Lưu Hoằng Thao chỉ huy trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Và nghìn thu sóng nước Bạch Đằng còn vang dội chiến công trận thủy chiến Bạch Đằng của Ngô Quyền, dường như là để nhắc nhở hậu thế mãi mãi nhớ đến công lao to lớn của vị tướng tài ba, quả cảm, con rể Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ thuở nào.
Chiến thắng trận Bạch Đằng cũng là kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc, Ngô Quyền lên ngôi Vua, mở ra kỳ của độc lập dân tộc lâu dài ở nước ta mà ảnh hưởng của Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền còn lâu dài trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
PGS.TS. Nguyễn Minh Tường
Theo kỷ yếu “Hội thảo khoa học vai trò của các anh hùng dân tộc Khúc – Dương – Ngô ở thế kỷ thứ X”