Dương Đình Văn sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đồng tác giả bài báo công bố quốc tế về phương trình tiến hóa truyền sóng
- 07/06/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 107
Mang theo niềm say mê với những con số, chàng trai Dương Đình Văn – K65 Khoa Toán – Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng thầy giáo và đàn anh đồng môn đã gặt hái được “quả ngọt” đầu tiên khi trở thành một trong những tác giả của bài báo công bố quốc tế về phương trình tiến hóa truyền sóng.
Đào Tuấn Anh (áo đỏ) và sinh viên Dương Đình Văn
Dưới sự hướng dẫn của TS. Đào Tuấn Anh – Giảng viên Khoa Toán – Tin, Dương Đình Văn và người anh cùng ngành là Nguyễn Đức Anh – CSV K62, học viên cao học khóa 2022B hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ Toán Tin trong thời gian 1 năm, bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ tháng 1/2024, đã thực hiện đề tài “On asymptotic properties of solutions to σ-evolution equations with general double damping” (Tạm dịch: Nghiên cứu tính chất tiệm cận cho nghiệm của các phương trình $\sigma$-tiến hóa nửa tuyến tính với cơ chế giảm kép).
Mục đích của báo cáo là nghiên cứu tính chất tiệm cận cho nghiệm của các phương trình tuyến tính tương ứng và mô tả dáng điệu ở thời gian đủ lớn cho các nghiệm toàn cục thu được của các phương trình bán tuyến tính. Ngoài ra, điểm nổi bật của báo cáo nằm còn nằm ở việc tìm ra sự tương tác mạnh của “các mô hình giống parabol”.
Tháng 2 vừa qua, bài báo khoa học trên đã được đăng tải trên tạp chí Journal of Mathematical Analysis and Applications (Nhà xuất bản: Elsevier) – tạp chí xếp hạng Q1 trong danh mục ISI.
Hai thầy trò TS. Đào Tuấn Anh và sinh viên Dương Đình Văn trao đổi về đề tài nghiên cứu Vượt qua “phép thử” của thầy giáo Bách khoa Hà Nội
Dương Đình Văn từng có một nỗi “ám ảnh” thời học sinh mang tên Toán học. “Hồi cấp 1, tôi ăn trứng ngỗng như cơm bữa. Khi ấy, bố tôi là giáo viên dạy Toán mà cũng phải bất lực với việc kèm cặp tôi. Mọi người thường nói đùa, chắc do đặt tên tôi là Văn nên ông trời không cho học giỏi Toán!” – Dương Đình Văn hóm hỉnh kể lại.
Bố của Dương Đình Văn chính là người thầy đầu tiên, cũng là người giúp Văn nhen nhóm đam mê với Toán. Mỗi tối, hai bố con dành thời gian cùng nhau ngồi giải lại những bài Toán khó mà Văn chưa làm được trên lớp. Bố nhắc nhở Văn những lỗi sai thường mắc phải, bố kể những câu chuyện dí dỏm về Toán học khiến Văn không cảm thấy áp lực học tập mà cũng nhớ bài thật lâu.
Với sự kiên trì, sát sao của bố, Dương Đình Văn đã “lội ngược dòng” từ những năm THCS, biến nỗi ám ảnh với con số trở thành niềm yêu thích. Năm cấp 2, cấp 3, chàng trai Hải Dương liên tục giành nhiều thành tích nổi bật cấp huyện, cấp tỉnh. Những giải thưởng này cũng chính là động lực để Đình Văn ấp ủ ước mơ trở thành nhà Toán học trong tương lai. Để hiện thực hóa mơ ước của mình, Văn đặt nguyện vọng 1 vào Khoa Toán – Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trở thành sinh viên Bách khoa đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho Dương Đình Văn khi được thỏa sức theo đuổi đam mê, tiếp cận những kiến thức sâu rộng nhất của Toán học, được học hỏi từ các thầy cô là “cây đa, cây đề” trong ngành. Đặc biệt, Dương Đình Văn có cơ duyên được TS. Đào Tuấn Anh giảng dạy học phần Phương trình đạo hàm riêng. TS. Đào Tuấn Anh hiện theo đuổi các hướng nghiên cứu về: Phương trình đạo hàm riêng tuyến tính, nửa tuyến tính và ứng dụng; Xác suất thống kê; Toán sinh thái, thầy còn là thành viên của Hội nghị quốc tế về Giải tích, Tính toán khoa học và Ứng dụng (ISAAC).
Mỗi buổi giảng bài của các thầy cô, đặc biệt là thầy Tuấn Anh, Đình Văn đều ghi chép rất chi tiết, tổng hợp lại những vấn đề chưa hiểu để trao đổi riêng với thầy vào cuối buổi. Tinh thần ham học hỏi và cầu thị của chàng sinh viên đã được thầy Tuấn Anh chú ý. Sau đó môn học đó, TS. Tuấn Anh nhận lời hướng dẫn Đình Văn hoàn thành Đồ án 1. Đây cũng là “phép thử” để thầy giáo kiểm tra Văn, chuẩn bị cho một nhiệm vụ “khó nhằn” hơn.
Nhóm nghiên cứu tập trung thảo luận, đề ra các ý tưởng
Ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, nhóm nghiên cứu tập trung được là cùng nhau say sưa thảo luận, đề ra các ý tưởng mới hái “quả ngọt” từ lần “gieo mầm” đầu tiên
Báo cáo nghiên cứu đầu tiên của Đình Văn khởi nguồn từ một ý tưởng mà TS. Tuấn Anh từng định triển khai khi còn là nghiên cứu sinh nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Thầy giao cho Văn thời gian 1 tháng tìm hiểu và đặt ra những câu hỏi khó để cậu thử sức nghiên cứu, sau đó mới quyết định có bắt đầu thực hiện hay không. Và không nằm ngoài kỳ vọng của thầy, Đình Văn đã trả lời được hết những vấn đề thầy đặt ra.
Tháng 6/2023, dự án chính thức được khởi động. Văn chia sẻ, khoảng thời gian đầu khi tham gia dự án, chàng sinh viên năm cuối cũng gặp không ít khó khăn. Văn vừa phải tập trung vào việc nghiên cứu, vừa phải cân bằng với việc học trên lớp. Thêm vào đó, cậu còn tranh thủ thời gian rảnh trong ngày trau dồi thêm tiếng Anh để tìm hiểu nhiều kiến thức hơn từ các nguồn tài liệu nước ngoài.
Dành hết tâm huyết cho việc nghiên cứu, Văn thường xuyên thức thâu đêm đọc tài liệu, thảo luận cùng team và tham vấn ý kiến từ giảng viên hướng dẫn. Có hôm mặt trời ló rạng, Văn vẫn trằn trọc nghĩ đến số liệu mà không thể vào giấc. Đêm nào thức khuya mà có lịch học đầu sáng hôm sau, chàng sinh viên “nạp” thêm lon cà phê, rồi lại lên giảng đường “sạc” kiến thức.
2 tháng cuối cùng của quá trình thực hiện nghiên cứu là khoảng thời gian căng thẳng nhất. Nhóm Zalo chung của 3 thầy trò lúc nào cũng vang tiếng “ting ting”. Chỉ cần nảy ra ý tưởng gì mới, hay rà soát được lỗi nào sai, mọi người sẽ ngay lập tức cùng nhau thảo luận. Bởi vậy mà nhiều phương trình viết ra phải chỉnh sửa đến cả trăm lần, từng câu từ trong bài cũng được thầy trò trau chuốt kỹ càng. Đúng dịp lễ Giáng sinh 2023, bản báo cáo cuối cùng đã được hoàn chỉnh và gửi vào hòm thư của Tạp chí Journal of Mathematical Analysis and Applications.
Bằng tất cả sự nỗ lực của cả tập thể, nhóm nghiên cứu của 3 thầy trò Đình Văn đã làm được điều mà chính bản thân họ cũng không ngờ tới. 6 tháng nghiên cứu, hàng trăm tài liệu được đọc, vô số đêm thức trắng đã được đáp lại bằng một kết quả vô cùng xứng đáng. Ngày mồng 1 Tết Nguyên đán 2024, tin vui đã đến với thầy trò Bách khoa Hà Nội. Bài viết của chàng sinh viên mới dấn thân nghiên cứu khoa học và đồng đội đã nhận được sự chấp thuận ngay từ lần gửi đầu tiên từ tạp chí mà không có thêm yêu cầu điều chỉnh nào, kể cả về lỗi chính tả. Một cú “mở hàng” đầu năm không thể tuyệt hơn!
Để có được công bố quốc tế đăng trên tạp chí Q1 không phải là điều dễ dàng với bất kỳ sinh viên nào làm nghiên cứu, kể cả đối với những người có nhiều kinh nghiệm. Bởi lẽ, đó là một quá trình bài bản, nghiêm túc, và đôi khi phải đối mặt với nhiều ý kiến phản biện hóc búa từ hội đồng chuyên gia. Việc được chấp thuận một cách rất “mượt” từ một hội đồng uy tín đến từ tạp chí khoa học danh tiếng là minh chứng rõ nét cho sự thành công của dự án đầu tiên chàng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội – Dương Đình Văn tham gia.
Viết tiếp ước mơ chinh phục những con số
Chàng sinh viên năm cuối từng say mê Toán với mục tiêu chinh phục các cuộc thi, nhưng càng tìm hiểu sâu về bộ môn này, Văn càng nhận ra những vẻ đẹp tiềm ẩn mà gần gũi của Toán.
“Toán học giúp tôi biết thêm một thế giới hết sức kỳ diệu, như việc giai điệu được tạo nên từ tập hợp các âm thanh có tỉ số các tần số là tỉ số của hai số nguyên tối giản; hay việc dụng cụ hỗ trợ phối cảnh trong hội họa cũng được vận hành dựa trên khái niệm toán học về đại số tuyến tính…” – Đình Văn say sưa chia sẻ.
Nếu như bố là người truyền lửa đam mê với Toán học cho Đình Văn, thì các thầy cô Khoa Toán – Tin của Đại học Bách khoa Hà Nội là những người thổi bùng lên ngọn lửa chinh phục các thử thách trong thế giới diệu kỳ của Toán. Trong quá trình học tập, nghiên cứu của mình, Văn luôn có sự đồng hành của những người thầy tận tụy và tâm huyết, luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của sinh viên. Có sự hỗ trợ sát sao của các thầy cô, Văn càng tự tin thử sức mình. Sau “quả ngọt” đầu tiên, hiện cậu đang tiếp tục thực hiện 3 dự án tiếp theo với sự hướng dẫn của thầy Tuấn Anh, triển khai từ ý tưởng bài báo đã công bố về phương trình sóng tiến hóa nửa tuyến tính với cơ chế giảm kép.
“Tôi nghĩ mình không phải là người có tài năng thiên bẩm, nhưng tôi có một tình yêu mạnh mẽ với những con số. Và tôi tin rằng thành công sẽ luôn đến nếu như chúng ta không từ bỏ. Hành trình nghiên cứu khoa học của tôi chỉ mới bắt đầu, tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được những kết quả tốt hơn nữa, không phụ sự kỳ vọng của thầy cô và sự ủng hộ của gia đình.” Dương Đình Văn khẳng định quyết tâm.
Dương Thị Linh