Dương Đức Hiền – Nhà hoạt động Cách mạng người con ưu tú của dòng họ và quê hương
- 27/07/2015
- Ban Thông tin truyền thông
- 1502
Dương Đức Hiền – Nhà hoạt động Cách mạng người con ưu tú của dòng họ và quê hương
Theo sách Sổ tay kiến thức lịch sử (trang 102). NXB giáo dục phát hành tháng 9/2002, đã viết: Dương Đức Hiền – Nhà hoạt động cách mạng. Sinh ngày 16/09/1916, mất ngày 19/02/1963 tại Hà Nội. Nhà nước đã tổ chức an táng Ông tại nghĩa trang Mai Dịch. Quê gốc của ông là một làng ở Bắc Ninh xưa, nay thuộc thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Sau đỗ Tú Tài ông vào học ở trường Đại học Đông Dương và đi làm Giáo sư ở trường tư thục để hoạt động Cách mạng. Năm 1940 ông tốt nghiệp Khoa Luật của trường Đại học này.
Dương Đức Hiền |
|
Chức vụ |
|
Bộ trưởng Bộ Thanh niên |
|
Nhiệm kỳ |
2 tháng 9, 1945 – 2 tháng 3,1946 |
Tiền nhiệm |
không có |
Kế nhiệm |
không có |
Khu vực |
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Thông tin chung |
|
Đảng phái |
Đảng Dân chủ Việt Nam |
Sinh |
1916 Gia Lâm, Bắc Ninh |
Mất |
1963 |
Alma mater |
Trường Bưởi Viện Đại học Đông Dương |
Dân tộc |
Kinh |
Khi ở trường Đại học Đông Dương mặc dù bị bọn đế quốc thực dân kiểm soát rất gắt gao, nhưng ông đã vận động được một số bạn sinh viên nhóm lên được phong trào sinh viên yêu nước, và từ đó ông đã cùng các bạn và Tổng hội sinh viên châm ngòi và nuôi được ngọn lửa sinh viên và thanh niên yêu nước khắp trong cả nước.
Ông đã cùng với Tổng hội sinh viên tổ chức cho tuổi trẻ và sinh viên trong trường về thăm các di tích lịch sử đấu tranh giữ nước, dựng nước của tổ tiên, như Đền Hùng, Sông Bạch Đằng, Cổ Loa, đền Lý Bát Đế, Kiếp Bạc; Chi Lăng, Côn Sơn, Làng Phù Đổng …
Ba năm liền ông cùng với Tổng hội sinh viên giỗ tổ Hùng Vương kín tại một căn buồng Việt Nam Học Xá, và đến tháng 4/1945 với nội dung sâu sắc đã tổ chức giỗ tổ công khai trong khu Học Xá, từ đó ông cùng Tổng hội sinh viên tổ chức kỉ niệm Hai Bà Trưng cho gần 50 nghìn bà con nội ngoại thành và các tỉnh lân cận đến viếng tại Việt Nam Học Xá, kính cẩn tưởng niệm hai vị nữ anh hùng dân tộc.
Ông đã đề xướng cho Tổng hội sinh viên mở nhiều cuộc nói chuyện về văn hóa và lịch sử của đất nước như:
– Huỳnh Văn Tiểng – Nói về “Mục đích của Tổng hội sinh viên”
– Nguyễn Ngọc Minh – Nói về “trận chiến Bạch Đằng”
– Vũ Đình Liên – Nói về “Ngoảnh nhìn Lại Giang Sơn”
– Nguyễn Đình Thi – Nói về “Tính dân tộc trong ca dao Việt Nam”
– Xuân Diệu – Nói về “Sinh viên với Tiếng Việt”…
Các câu chuyện được nói ở giảng đường Đại học hoặc ở rạp hát ở Hà Nội hoặc ở Nhà hát lớn Sài Gòn.
Cũng trong thời gian đó các bài hát yêu nước của các bạn sinh viên cũng ra đời như: “Sinh viên hành khúc”, “Đi hội Đền Hùng”, “Bạch Đằng Giang” … của Lưu Hữu Phước, Hoàng Gia Lịch, Nguyễn Thành Nguyên … đều do ông vận động sáng tác.
Với lòng yêu nước nồng nàn, yêu dân chủ cháy bỏng và với con người thông minh sáng tạo của người trí thức Việt Nam. Mặc dù kẻ thù hết sức quỷ quyệt, nhưng ông vẫn vượt qua và đã tạo nên một khuynh hướng yêu nước trong giới sinh viên và thanh niên Việt Nam thời đó.
Như Tổng Bí thư Trường Chinh, trong bản tham luận Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa ở Việt Nam trình bày tại Đại hội Văn hóa toàn quốc tháng 7/1948 đã nói: “Dù phát xít Pháp và Nhật hết sức quỷ quyệt, khuynh hướng yêu nước cũng đã nảy nở ngay trong phong trào hợp pháp của thanh niên và sinh viên. Đó là khuynh hướng Dương Đức Hiền …
Đánh giá về Dương Đức Hiền báo Thanh Nghị của nhóm trí thức tiến bộ thời đó đã nêu: “Ở trường anh Hiền chỉ là một người bạn, một người bạn ít tuổi hơn nhiều anh em khác. Ở đây anh là một người cầm đầu: Có uy quyền, có trách nhiệm, mệnh lệnh của anh được anh em thận trọng tuân theo” …
Trong giai đoạn này ông Dương Đức Hiền và các bạn sinh viên đã có những lần gặp gỡ với Tổng Bí thư Trường Chinh, và đã có những quan hệ chặt chẽ từng bước với sự nghiệp Cách mạng do Đảng Cộng Sản lãnh đạo; và ngày chủ nhật 30/06/1944 Đảng Dân chủ (bí mật) được thành lập tại nơi giáp danh giữa Hà Nội và Hà Đông. Ông Dương Đức Hiền được bầu là Tổng thư ký đầu tiên của Đảng Dân chủ. Mục tiêu phấn đấu của Đảng Dân chủ cũng là mục tiêu của Đảng Cộng Sản Đông Dương: Phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân cướp nước, giành độc lập tự do cho quê nhà.
Kẻ thù đánh hơi thấy, và vào cuối năm 1944 lính mật thám đã đến bắt ông ở 70 phố Jac Quin nay là phố Ngô Thị Nhậm, Hà Nội. Tên chánh mật thám đã hỏi han đe dọa khéo ông nhiều điều và rồi cuối cùng đưa ra 3 điều kiện để ông suy nghĩ.
1. Ông thôi không làm Chính trị nữa, không theo Việt Minh nữa.
2. Ông thôi không làm hội trưởng hội sinh viên nữa, không làm gì trong phong trào sinh viên nữa.
3. Ông đi làm tri huyện nó sẽ dành cho ông một huyện thật tốt.
– Thấy cần phải thoát li để hoạt động bí mật và ông đã ra đi ngay trước ngày họp Đại hội đồng của Tổng hội sinh viên; làm cho kẻ thù bất ngờ không kịp trở tay. Sau đó ông đã có truyền đơn luồn qua báo chí, xem như lời chào của Tổng Hội trưởng tới toàn thể sinh viên là ông đã lên đường ra đi cứu nước.
– Thời kỳ này đối với Việt Nam, nhu cầu giải phóng dân tộc, giành lại quyền độc lập, tự do đã trở nên cấp bách và nóng bỏng. Từ Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11/1939) và Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược Cách Mạng đề ra mục tiêu giải phóng dân tộc, kiến lập chính phủ Cách mạng theo tinh thần Tân dân chủ; tháng 8/1945 điều kiện Cách mạng chín muồi, Ủy ban dân tộc giải phóng, tổ chức tiền thân của chính phủ Cách mạng ra đời trong đêm trước của cuộc Tổng khởi nghĩa.
Quốc dân đại hội Tân Trào được tổ chức ngày 16/8/1945 đã bầu ra được 15 vị thành viên Ủy ban dân tộc giải phóng, do Bác Hồ làm Chủ tịch và ông Dương Đức Hiền được cử làm Bộ trưởng Bộ thanh niên, kiêm Ủy viên UB thường trực Ủy ban dân tộc giải phóng. Ông còn là ủy viên Tổng bộ Việt Minh; trong Quốc hội ông là Ủy viên thường trực Quốc hội khóa I và khóa II; trong Mặt trận Liên Việt ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương cho đến khi ốm nặng qua đời ngày 19/2/1963 ở tuổi 47, ông đã dành trọn cả 47 tuổi xuân cho công cuộc giải phóng dân tộc của đất nước.
Do có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, của dân tộc ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 3 huân chương cao quý.
Huân chương độc lập năm 1963; ông cũng là người đầu tiên được nhận tấm huân chương cao quý này.
Ngày 6/11/2011, ông được tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Do có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông được tặng huân chương Đại đoàn kết dân tộc 31/10/2006. Với 3 tấm huân chương cao quý được Chủ tịch nước tặng thưởng đã nói lên tất cả công lao và thành tích của ông cống hiến cho Tổ quốc. Và tại Quận Tân Bình (phường 15) thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên ông Dương Đức Hiền (năm 1999).
Năm 2011, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên ông Dương Đức Hiền cho một con đường phố ở Quận Liên Chiểu.
Dương Văn Phong
PCT HĐHD Gia Lâm – Long Biên