Dương Huy Thiện: Một người, hai nghề đều thành danh

Trong giới nghiên cứu Văn hóa vùng đất tổ Vua Hùng khi nhắc đến những cây đại thụ về nghiên cứu nếu bỏ qua người thầy giáo – nhà nghiên cứu văn hóa mẫu mực Dương Huy Thiện thì thật là thiếu sót.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, trước khi đến với công việc nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Dương Huy Thiện là tầng lớp trí thức trước Cách Mạng được đào tạo bài bản tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Dương Huy Thiện về quê hương gắn bó với sự nghiệp trồng người trong suốt 34 năm. Quá trình công tác, ông được luân chuyển qua các trường Long Châu Sa, Tam Nông, Phong Châu, rồi lại về Trường cấp 3 Hùng Vương, đến năm 1991 nghỉ hưu.

Ông Dương Huy Thiện (thứ 3 từ phải sang) trong lần Gặp mặt Trí thức tại Phú Thọ

Ông là một người thầy mẫu mực, đức độ, trí tuệ, luôn được học sinh kính trọng. Các thế hệ học trò của ông nay đã trưởng thành, nhiều người thành đạt trong cuộc sống.

Xuất phát từ một thầy giáo dạy văn nhiều năm tận tụy với nghề, với tình yêu quê hương và niềm đam mê nghiên cứu văn hóa, ông đã trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có tên tuổi, một cây đại thụ trong nghiên cứu văn hóa dân gian xứ đất Tổ.

Trong thời gian làm giáo viên dạy Văn tại các trường THPT, ông đều tìm hiểu về văn hóa các vùng quê, điền dã và tìm tư liệu phục vụ bài giảng và viết bài gửi các báo, tạp chí. Năm 1967, ông tham gia Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam, làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Vĩnh Phú (nay tác thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ) và Uỷ viên Thường vụ Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ cho tới tháng 4/2019.

Với cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, ông tham gia biên soạn cuốn “Địa chí văn hóa dân gian Vĩnh Phú”, 5 Tổng tập “Văn nghệ Đất Tổ” và viết báo, viết sách… Nhiều tác phẩm của ông được bạn đọc đón nhận như: “Truyện cười Văn Lang”, “Phú Thọ – Miền đất cội nguồn”, “Hát Xoan – Dân ca cội nguồn”, “Một đời tìm ngọc”, “Văn hoá dân gian dân tộc Mường Phú Thọ”… Đặc biệt, ông say mê với Hát Xoan. Năm 1960, khi dạy Văn ở Trường Long Châu Sa, ông đã mời nghệ nhân về truyền dạy Hát Xoan cho học sinh. Tiếp đó ông xuất bản “Hát Xoan – Hát Ghẹo Vĩnh Phú”, “Hát Xoan khảo cứu”, “Hát Xoan – dân ca cội nguồn”, “Hát Xoan – Đồng hành, trăn trở”; sáng tác ca cảnh “Vũ khúc Xoan tình”, “Hát Xoan nơi biển đảo” để các Câu lạc bộ Hát Xoan dàn dựng, biểu diễn. Những bài viết về bảo tồn Hát Xoan được ông trình bày khúc triết, có lí, có tình đã “góp lửa” cho Hát Xoan toả sáng, được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Đầu năm 2019, vào tuổi 86, ông lâm bệnh hiểm nghèo (ung thư), phải truyền hoá chất, nhưng vẫn nặng lòng với Văn nghệ dân gian và hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian. Ông tiếp tục chỉnh lí, phát hành các tác phẩm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Bản sắc văn hóa Việt Nam”, “Văn hoá dân gian Dữu Lâu – Làng Trầu”, “Văn hoá dân gian dân tộc Dao Phú Thọ”, “Phong tục thờ cúng Lang Liêu – Ông Tổ ẩm thực Việt Nam”… Hội thảo khoa học “Dương Huy Thiện – Một đời trồng người, tìm ngọc” do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật cùng Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ tổ chức và Hội thảo khoa học “Góp ý ca cảnh Vũ khúc Xoan tình” do Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ tổ chức đã khẳng định sự đóng góp không mệt mỏi của ông trên hai lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến, truyền dạy Văn nghệ dân gian. Nói như Nhà giáo Nhân dân Cù Thị Kim Hợp về ông là: “Một người, hai nghề đều thành danh”.

Với đóng góp trong sự nghiệp “Trồng người” và “Bảo tồn, phát huy giá trị Văn hóa dân gian vùng Đất Tổ”, ông đoạt nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Năm 2015, UBND tỉnh Phú Thọ tặng ông “Giải thưởng Hùng Vương”, “Kỉ niệm chương Hùng Vương” – Phần thưởng cao quý nhất của tỉnh về những đóng góp trong lĩnh vực Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Văn hóa dân gian. Ngày 16/5/2019, ông là 1 trong 11 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật tỉnh tôn vinh “Trí thức tiêu biểu”. Ông còn được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Bằng khen.

“Như con ong hút nhụy mang mật thơm cho đời”, thật khó có hình ảnh nào phù hợp với thầy giáo – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Huy Thiện hơn thế. Suốt dặm dài của cuộc “hành trình” 80 năm qua, ông đã dành trọn tuổi trẻ, trọn cuộc đời của mình để cần mẫn lặng thầm sưu tầm, nghiên cứu… tất cả cũng chỉ vì một mục đích cao đẹp là cống hiến, bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa quý giá của ông cha.

Như Cương

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com