Dương Không Lộ – Quốc sư triều Lý
- 28/02/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 7365
(Tiếp theo kỳ trước)
II. Đình, đền làng Lại Trì
Đình, đền làng Lại Trì, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là một cụm di tích về Thiền sư Dương Không Lộ, cách trung tâm thành phố Thái Bình chừng 10km về phía Đông Nam.
1. Đình Lại Trì
Đình làng Lại Trì khởi dựng thời Lê năm Chính Hòa 21 (1700), là một ngôi miếu nhỏ. Năm Cảnh Hưng 46, triều Lê Hiển Tông (1785) làng xây dựng lại miếu thành ngôi đình khang trang để thờ Thành Hoàng. Đình được trùng tu vào triều Nguyễn, năm Thành Thái thứ 8 (1896). Trong kháng chiến chống Pháp, đình Lại Trì bị bom đạn phá hủy một phần. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, đình được khôi phục lại to đẹp, uy nghi, tồn tại đến ngày nay. Đình tọa lạc trên diện tích 1.860m2, ở vị trí trung tâm của xã Vũ Tây. Khu thờ tự của đình Lại Trì gồm 6 tòa nhà, 18 gian hướng Nam, trong đó có các tòa chình là tòa đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và hậu cung.
Bài vị Thành Hoàng trong hậu cung đặt trên ngai thờ viết chữ Hán (9):
李 朝 國 師 道 號 空 路 大 法 禪 師 卓 偉 上 等 神 神 位
Phiên âm:
Lý triều Quốc sư đạo hiệu Không Lộ đại Pháp Thiền sư trác vỹ Thượng đẳng Thần, Thần vị.
Nghĩa:
Thần vị thờ Quốc sư triều Lý, đạo hiệu là Không Lộ đại pháp Thiền sư Thượng đẳng thần.
Văn Tế (10) Thành Hoàng tại đình Lại Trì có đoạn chữ Hán:
誥 于 聖 祖 李 朝 國 師 道 號 楊 空 路 位 前
Phiên âm:
Cáo vu Thánh Tổ Lý triều Quốc sư đạo hiệu Dương Không Lộ Vị Tiền
Nghĩa:
Kính cáo Thánh Tổ Quốc sư triều Lý đạo hiệu Dương Không Lộ Vị Tiền
Tại đình còn lưu giữ 11 đạo sắc phong: 4 sắc triều Lê và 7 sắc triều Nguyễn. Đáng lưu ý là: Các sắc triều Lê đều ghi là: “Sắc cho vị Đại pháp Thiền sư Minh Không Khổng Lộ” (勅 明 空 孔 路 大 法 禪 師). Điều này cho thấy, khi đó trong tâm thức người ta Thánh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không vẫn được đồng nhất với nhau. Tuy nhiên sang triều Nguyễn, đã có sự thay đổi, các sắc phong của triều đại này đều ghi là “Sắc cho Đại pháp thiền sư Không Lộ” (勅 空 路 大 法 禪 師)(11). Điều này cho thấy, trong triều Nguyễn, sự khác biệt giữa Thiền sư Dương Không Lộ (1016 – 1094) và Thiền sư Nguyễn Minh Không (1066 – 1141) đã được xác định. Đáng tiếc, hiện nay một số người vẫn có sự nhầm lẫn do sử dụng các nguồn tài liệu khác nhau.
Qua phong tục thờ cúng và các hiện vật ở Lại Trì, chúng tôi nhận thấy: Người dân nơi đây từ lâu đã xác định rõ vị Thành Hoàng của làng mình là Dương Không Lộ, thể hiện rõ trong bài vị thờ và Văn Tế Thành Hoàng tại đình làng.
Trong đình có nhiều hoành phi, câu đối chữ Hán chúng tôi xin giới thiệu một vài bức trong số đó.
– Hoành Phi: 李 朝 國 師
Phiên âm: Lý Triều Quốc sư
Nghĩa: Quốc sư triều đại nhà Lý
– Câu đối gian giữa tòa đệ nhất:
法 手 蔽 群 生 德 是 聖 神 心 是 佛
仙 丹 扶 九 鼎 國 留 亊 業 史 留 名
Phiên âm:
Pháp thủ tế quần sinh đức thị thánh thần tâm thị Phật
Tiên đan phù cửu đỉnh quốc lưu sự nghiệp sử lưu danh
Nghĩa:
Pháp thuật độ nhân sinh, đức như Thần, tâm như Phật
Thuốc quý cứu đức Vua, nước ghi sự nghiệp, sử ghi danh
– Câu đối gian giữa tòa đệ tam:
一 莨 怗 尽 地 京 銅
四 器 容 成 南 越 地
Phiên âm:
Nhất lang chiêm tận địa kinh đồng
Tứ khí dung thành Nam Việt địa
Nghĩa:
Một tay nải mà đựng tất cả đồng ở xứ Bắc Kinh
Đúc thành tứ khí (12) nổi danh ở đất Việt trời Nam
Đình Lại Trì luôn giữ vai trò là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của làng Lại Trì và các làng, xã trong vùng. Làng Lại Trì thời xưa gồm 4 xã Vũ Tây, Vũ Đông, Vũ Sơn và An Bình của huyện Kiến Xương ngày nay. Lễ hội chính đình làng Lại Trì là ngày 13 tháng 9 âm lịch hàng năm, có ca hát, bơi chải, các trò chơi dân gian, kéo dài từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 9. Câu ca lưu truyền trong vùng về hội làng Lại Trì rằng:
Nhất vui là hội Lại Trì
Đêm thì xem hát, ngày thì xem bơi.
Cũng cần lưu ý là ở Thái Bình còn có các di tích khác cùng thờ vị Thành Hoàng với làng Lại Trì là Chùa Keo ở huyện Vũ Thư, đình chùa làng La Vân ở xã Quỳnh Hồng ở huyện Quỳnh Phụ, đình Đông Trì xã Vũ Đông huyện Kiến Xương.
2. Đền Am
Đền làng Lại Trì có tên là Đền Am, là nơi thờ cúng thân mẫu của Đức Thánh Dương Không Lộ nằm cách đình khoảng hai cây số, trền phần đất mà thuở sinh thời Mẫu đã cư trú. Mẫu họ Nguyễn, quê làng Hán Lý, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương(13).
Đền Am được khởi dựng triều Lý, do dân làng Lại Trì làm sau khi Mẫu qua đời. Kiến trúc đền hiện nay được trùng tu tôn tạo triều Lê; bộ khung gỗ của đền được làm lại vào triều nhà Nguyễn, gồm tòa tiến tế, tòa đệ nhị và tòa hậu cung.
Trong đền có nhiều cổ vật, như đồ thờ, bia đá, thần tích… Thần tích vị Quốc sư triều Lý, được sao chép năm Duy Tân thứ 7 (1913) cho biết: “Cha Mẹ Đức Thánh vốn làm nghề đánh cá. Một ngày nọ qua sông Am thuộc bản xã (Lại Trì), thấy sông gò đẹp đẽ tốt tươi, lau lách um tùm, thế đất hình quy, hạc hội tụ khí thiêng, bèn chọn nơi đây làm chốn ở. Ngày 13 tháng 9 là ngày Đức Thánh Đản sinh” (14) tại đây.
Khi Mẫu qua đời, dân làng mai táng ngay trên mảnh đất đã sống, sau này lại dựng đền thờ ngay trên phần mộ của Mẫu, chính là đền Am ngày nay.
Đền nhìn về hướng Đông, đằng trước có dải nước sâu hình trái bầu, bắt nguồn từ sông lớn, uốn lượn vào cổng đền, hai bên có hai gò đất hình quy, phượng nằm chầu. Cảnh trí ngôi đền đẹp và tĩnh mịch. Cổng đền cao rộng, hai tầng. Trên cổng đền, hai phía trong ngoài đắp nỗi chữ Hán: “Tây vọng dao trì” (西望瑤池), nghĩa là “phía Tây nhìn về ao ngọc” và “Đông lai tử khí” (東来紫氣), nghĩa là “phía Đông mở ra đón khí lành”.
Kiến trúc đền hiện nay được làm lại năm Tự Đức 32 (1879), tu bổ năm Khải Định thứ nhất (1916). Khu thờ tự của đền gồm 3 tòa bố trí theo kiểu tiền chữ nhất (一), hậu chữ đinh (丁).
Đáng chú ý, trong hậu cung ở giáp với tòa đệ nhị có đặt ban thờ, khám thờ Thánh Mẫu. Gian này được ngăn cách với hai gian kia của cung cấm, có cửa đóng kín. Cửa gian giữa không bao giờ được mở, hai cửa cạnh cũng ngày đêm cửa đóng then cài, hàng ngày chỉ có thủ nhang được vào cung cấm để đèn nhang. Đến Hội làng (11 đến 13 tháng 9), hai cửa cạnh mới được mở để rước bài vị của Đức Thánh Không Lộ về ngự bên thân Mẫu. Gian cấm cung trong cùng phía dưới là phần mộ của Thánh Mẫu, nắp mộ đặt một phiến đá. Ngay trên mộ là một ban thờ đặt khám và tượng Thánh Mẫu. Phía bên tả đặt một ban thờ vuông thước thợ với ban thờ Thánh Mẫu, trên ban có ngai thờ; đến hội làng rước bài vị của Thánh Không Lộ về đặt trên ngai thờ này.
Trong đền có nhiều hoành phi, câu đối cổ. Chúng tôi xin giới thiệu một vài bức trong số đó.
– Hoành phi:
+ Chữ Hán: 毓 聖 庵
Phiên âm: Dục Thánh Am
Nghĩa: Am sinh Thánh
+ Chữ Hán: 李 國 師
Phiên âm: Lý Quốc Sư
Nghĩa: Quốc sư thời Lý
– Câu đối giữa tòa tiền tế:
蘭 島 得 師 傳 虎 怪 虫 祆 歸 法 鎮
名 庵 留 佛 印 樹 花 池 水 帶 靈 光
Phiên âm: Lan đảo đắc sư truyền hổ quái trùng yêu quy pháp trấn
Danh am lưu phật ấn thụ hoa trì thủy đới linh quang
Nghĩa: Vùng bãi bồi ven biển có vị đại sư có tài quy phục yêu ma, hổ quái
Danh am lưu dấu Phật làm ao kia hoa nở, đất hóa thiêng
– Câu đối gian giữa tòa đệ nhị:
神 光 卓 錫 南 天 佛
蓮 殿 譚 經 李 帝 師
Phiên âm: Thần quang trác tích Nam thiên Phật
Liên điện đàm kinh Lý đế sư
Nghĩa: Chùa Thần quang như cõi Phật trời Nam
Liên điện kinh sách Ngài là Vương sư nhà Lý
– Câu đối cửa cung cấm:
僊 化 有 庵 傳 显 跡
善 緣 胎 子 作 禪 尊
Phiên âm: Tiên hóa hữu am truyền hiển tích
Thiện duyên thai tử tác Thiền tôn
Nghĩa: Tương truyền am nhỏ này là nơi Tiên bà đã hóa
Duyên phận đã đưa thai tử đến chốn thiền môn
Năm 1998, đình và đền Lại Trì đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2015, hai di tích này được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Lễ hội làng Lại Trì hàng năm mở rất vui, thu hút dân làng và khách thập phương đến hành hương, vãng cảnh.
(Còn nữa)
Bài viết: Dương Văn Đảm
Ảnh: Dương Việt Hòa
Chú thích:
9 Tư liệu Hán Nôm Đình làng Lại Trì. Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch Thái Bình. Tr.6
10 Tư liệu Hán Nôm. Sách đã dẫn. Tr.49
11 Lý lịch Di tích lịch sử văn hóa Đình, Đền làng Lại Trì. Sở Văn hóa Thông tin Du lịch Thái Bình, 2010. Tr.5
12 Tứ đại khí, theo lưu truyền do Dương Không Lộ đúc là: Tượng Phật Di Lặc, chùa Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, chùa Diên Hựu ở Thăng Long.
13 Lý lịch Di tích LS-VH Đình, Đền làng Lại Trì. Sách đã dẫn Tr.4
14 Tư liệu Hán Nôm. Sách đã dẫn. Tr.47