Dương Kim Anh – chàng trai người Dao làm giàu trên quê hương
- 24/07/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 620
Mang một cái tên cực kỳ nữ tính nhưng Dương Kim Anh lại là một chàng trai vạm vỡ, cao lớn. Chàng thanh niên dân tộc Dao sinh năm 1991 này lúc nào cũng khiêm tốn nhưng những gì Kim Anh làm được trên mảnh đất quê hương xã Vinh Tiền, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ rất đáng rất đáng để nhiều người nể phục.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở mảnh đất thuộc vùng khó khăn nhất của tỉnh Phú Thọ, xã Vinh Tiền, nơi chỉ có vỏn vẹn khoảng 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Mường và mấy chục hộ người Kinh. Từ xã ra đến huyện lỵ Tân Sơn phải mất 30km. Những bản của xã Vinh Tiền cũng nằm cách xa nhau, để đến được chỉ có duy nhất một con đường chạy ngoằn ngoèo như một dải lụa mỏng vắt vẻo trên sườn núi xanh ngắt. Cuộc sống của đồng bào Dao nơi này chỉ dựa vào những thửa ruộng bé xíu nằm sát mép suối nên khá bấp bênh. Chính vì vậy nên cuộc sống của Dương Kim Anh khá vất vả từ bé. Dù vậy, bố mẹ Kim Anh cũng cố gắng để cho con được đi học kiếm cái chữ. Học hết cấp 3, Kim Anh phải xuống Hà Nội làm thuê vì gia đình không đủ khả năng cho Kim Anh học cao hơn nữa. Xa nhà, vất vả khó khăn chồng chất, Kim Anh làm đủ nghề cực nhọc nhưng vẫn không đủ tiền lo cho cuộc sống gia đình. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, Kim Anh trăn trở về quyết định xa quê của mình. Trong đầu Kim Anh nảy ra một câu hỏi: “Tại sao không thể sống, làm giàu trên chính mảnh đất cha ông để lại?”.
Sau thời gian suy nghĩ, Kim Anh quyết định rời Hà Nội, trở về quê lập nghiệp vào năm 2015. Về quê, Kim Anh nhận thấy, cuộc sống của đồng bào nơi đây không chỉ thiếu thốn cái ăn, mà chỗ ở cũng khó khăn. Nhà của đồng bảo chủ yếu dựng bằng phên nứa, đắp đất, lợp lá cọ. Gia đình nào khá giả hơn phải tích cóp hàng chục năm mới làm được căn nhà gỗ. Kim Anh nghĩ, giờ xã hội đã thay đổi, cuộc sống của đồng bào dần dần rồi sẽ khá lên. Lúc ấy, việc xây dựng những căn nhà chắc chắn để phục vụ sinh hoạt sẽ là việc đầu tiên được mọi người lựa chọn. Và Kim Anh đã nhìn ra đấy là một tiềm năng để anh khởi nghiệp. Được sự tư vấn của bạn bè và gia đình, Kim Anh quyết định xây dựng mô hình xưởng sản xuất và bán vật liệu xây dựng. Trên địa bàn xã Tân Sơn có nhiều mỏ đá đang được khai thác, Dương Kim Anh đã tận dụng nguồn đá thải này, đầu tư dây chuyền sản xuất gạch ép không nung. Sản phẩm làm ra được người dân trong xã đón nhận vì giá thành phù hợp, tiện lợi khi sử dụng. Nhận thấy tiềm năng phát triển, Dương Kim Anh đã mở rộng đầu tư máy móc tập trung sản xuất. Trung bình mỗi ngày cơ sở của Kim Anh sản xuất ra 1.200 – 1.500 viên gạch không nung và số lượng này đều tiêu thụ hết. Với giá bán trung bình từ 1.800 – 2.000 đồng/viên đến tận chân công trình, sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu, nhân công, máy móc, Kim Anh lãi khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Đây là một số tiền lớn mà trước đây chưa bao giờ Kim Anh nghĩ mình có được.
Ngoài sản xuất gạch không nung, qua sự kết nối của Huyện đoàn Tân Sơn Dương Kim Anh đã vay 180 triệu đồng từ nguồn vốn Dự án 120 để đầu tư mô hình sản xuất và bán vật liệu xây dựng. Nhờ vậy, Dương Kim Anh đã tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động là thanh niên dân tộc địa phương với thu nhập ổn định.
Không chỉ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, Kim Anh còn luôn trăn trở làm sao để nâng cao đời sống cho cộng đồng người Dao ở Vinh Tiền. Chính vì vậy, đầu năm 2020, khi khu Lương Sơn, xã Vinh Tiền tìm địa điểm để xây dựng nhà văn hóa Dương Kim Anh đã tự nguyện hiến 653m2 đất thổ cư của gia đình mình để xây dựng nhà văn hóa khu vào tháng 3/2020. Kim Anh mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình để bà con và các cháu thiếu nhi có điểm sinh hoạt cộng đồng khang trang, từ đó nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Với một chàng trai 30 tuổi, con đường phía trước còn rất dài để Kim Anh chinh phục những thành tựu mới. Với sức trẻ, dám nghĩ dám làm, luôn suy nghĩ để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, chắc chắn Kim Anh sẽ có thêm nhiều đóng góp để phát triển vùng đất chôn rau cắt rốn của mình.
Dương Diệp Quần