Dương Kim Ngà – người phụ nữ giàu nghị lực
- 06/11/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 945
Do nhiễm chất độc da cam từ cha nên đôi chân của chị Dương Kim Ngà (ấp Trà Co, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) thường xuyên đau nhức, không làm được việc nặng nhọc. Thế nhưng bằng nghị lực kiên cường, chị Ngà đã cố gắng vươn lên, trụ vững trên đôi chân yếu ớt của mình.
Kinh tế gia đình khó khăn, không có đất sản xuất, ngoài số tiền được trợ cấp của Nhà nước dành cho nạn nhân chất độc da cam, mỗi sáng, chị Ngà ra chợ nhổ lông vịt thuê cho một sạp bán gia cầm, với thu nhập trung bình khoảng 80.000 – 100.000 đồng. Chồng chị đi làm phụ hồ, nhưng công việc không ổn định, lại thêm mắc bệnh xương khớp nên không thể đỡ đần cho vợ, gánh nặng áo – cơm của cả gia đình vì vậy lại đè nặng lên vai chị Ngà.
Những ngày mưa hay những hôm không khí lạnh tràn về, đôi chân của chị đau nhức bội phần, đôi khi không nhấc chân lên được nhưng chị Ngà vẫn gắng gượng đi làm thuê vì nếu nghỉ làm ngày nào thì ngày đó sẽ hụt ăn, cuộc sống sẽ chật vật hơn. “Còn sức khỏe thì vợ chồng tôi còn làm việc để cố gắng lo cho các con ăn học, để có tương lai tươi sáng hơn”, chị Ngà cho biết.
“Dù hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe kém do bị ảnh hưởng của chất độc da cam nhưng chị Ngà rất có chí cầu tiến, không trông chờ, ỷ lại, luôn phấn đấu vươn lên. Năm 2019, địa phương vận động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng giúp chị xây dựng căn nhà kiên cố, đồng thời còn hỗ trợ chị đàn vịt giống để tạo thêm thu nhập. Từ sự trợ sức đó, cuối năm 2019, gia đình chị Ngà được công nhận thoát nghèo”, bà Lê Thúy Duyên – Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Diệu, nhận xét.
Sau khi xuất chuồng đàn vịt nuôi đầu tiên, có chút vốn liếng, vợ chồng chị Ngà mua thêm ếch, cá lóc về nuôi. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, vợ chồng chị giăng lưới bắt cá, vừa để cải thiện bữa ăn gia đình, vừa tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi để giảm chi phí chăn nuôi.
Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, song với nghị lực vượt khó, cần cù trong lao động, tin rằng gia đình chị Ngà sẽ vượt qua được mọi trở ngại, phát triển kinh tế gia đình và nuôi hai con ăn học nên người.
Nguồn: Báo Bạc Liêu