Dương Minh Ninh và những bài ca ở lại
- 09/01/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 4458
Dương Minh Ninh (sinh năm 1923 tại Hội An) là một trong những cánh chim đầu đàn của Hội Ái hữu âm nhạc Hội An do La Hối khởi xướng vào năm 1942. Giai đoạn 1945 – 1954, cùng với các nghệ sĩ tại phố Hội như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Hoàng Tú Mỹ, Trương Đình Quang, Huỳnh Bá, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác tại Tiểu ban Văn nghệ Phòng Chính trị – Bộ Tư lệnh Liên khu V.
Năm 1945, ông sáng tác bản nhạc đầu tay “Trai đất Việt”, lời Tôn Thất Thái và Nguyễn Duy Liễu, kêu gọi tinh thần yêu nước, cùng tham gia kháng chiến chống ngoại xâm, bài hát rất phổ biến trong giới thanh niên, học sinh ngày đó. Liên tục những năm sau đó ông sáng tác các nhạc khúc “Việt Nam quân hành ca” và các ca khúc “Chim sơn ca”, “Thiếu niên Việt Nam”, “Trường làng tôi”, “Lửa chiến đấu”, “Đường chiều”. Nội dung các ca khúc có nhiều ảnh hưởng tích cực đến ý chí chống ngoại xâm trong xã hội lúc bấy giờ.
Bài ca tự túc
Năm 1950, Dương Minh Ninh sáng tác ca khúc “Bài ca tự túc” phổ thơ Lưu Trùng Dương, kêu gọi tinh thần tự lực, tự cường của toàn dân, toàn quân trong công cuộc kháng chiến chống Pháp. Ca khúc được lan truyền từ Liên khu V ra toàn quốc, đã được nhiều nghệ sĩ dựng thành tiết mục ca múa nhạc trên các sân khấu kháng chiến tại miền Nam thời đó.
Có câu chuyện khá thú vị rằng, sau năm 1954 có một trung đoàn của Liên khu V tập kết ra Bắc đóng quân tại Thanh Hóa. Trong các chương trình giao lưu văn nghệ với nhân dân địa phương, ca khúc này luôn được bộ đội Liên khu V mang ra trình diễn mở màn. Nhờ ca khúc mang âm hưởng dân ca Khu V, nội dung gần gũi với thực tế, tiết tấu nhanh, trữ tình, lạc quan, nên dễ đi vào lòng người.
Ảnh hưởng của ca khúc “Bài ca tự túc” trong xã hội thời đó khá lớn, đủ để Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng biểu diễn và dùng làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh Nông nghiệp của nhà đài. Đài phát thanh Quảng Nam – Đà Nẵng cũng đã dùng bài này làm nhạc hiệu cho các chương trình của họ một thời gian dài vào nửa cuối thế kỷ 20. Ca khúc này đã nhận được “Giải thưởng âm nhạc Cửu Long – 1952”.
Suối tóc Quỳnh Tiên
Có một giai thoại khá lý thú về nhạc phẩm “Suối tóc Quỳnh Tiên” của Dương Minh Ninh mà những người lớn tuổi tại Hội An thường hay kể lại trong những lúc trà dư tửu hậu. Nguyên trong giai đoạn tiền kháng chiến, ông cùng với Huỳnh Đồng, Vũ Hân và biên đạo múa Tố Nga phối hợp dàn dựng vở kịch thơ “Khói lửa cảo kinh”. Trong vở kịch thơ này ông sáng tác hai đoản khúc nhạc cho phần vũ khúc dựa trên lời thơ của Vũ Hân là “Suối tóc quỳnh tiên” và “Đào hoa khúc”.
Sau khi vở kịch thơ được công diễn, nhạc phẩm “Suối tóc Quỳnh Tiên” được giới mộ điệu ưa thích nên lan truyền rộng rãi trong công chúng. Trong thời gian Dương Minh Ninh tham gia kháng chiến đang ở Liên khu V thì tại Huế ông Tăng Duyệt – Giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa lại có được trong tay bản nhạc này, nhưng lại không có tên bản nhạc. Thấy hay, Tăng Duyệt quyết định cho in bản nhạc này bằng hình thức nhạc tờ. Tuy vẫn đề tên tác giả là Dương Minh Ninh nhưng tên bản nhạc lại dựa vào hai từ khởi đầu trong lời nhạc để trở thành nhạc phẩm “Gấm vàng” khi xuất bản.
Năm 1954, Dương Minh Ninh về sinh sống tại Huế và dạy học tại trường Bồ Đề. Trong một buổi gặp mặt bạn bè có người tình cờ đem chuyện ra hỏi, ông mới ngớ người không biết thực hư thế nào. Sau đó khi ông gặp Tăng Duyệt hỏi rõ mới biết rằng nhạc phẩm của mình đã được xuất bản dưới một tên khác. Cho dù câu chuyện đã trôi qua gần chục năm nhưng tôn trọng nguyên tắc bản quyền, Giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa đã trả cho ông một khoản tiền trước tác khá lớn so với thời giá hồi bấy giờ.
Theo nhà báo Trần Bá Đại Dương đăng trên tạp chí Sông Hương thì nhạc phẩm “Gấm vàng” nằm trong danh mục 16 bản nhạc của 7 tác giả được nhà xuất bản Tinh Hoa in vào hai năm 1945 – 1946. Trên báo Tuổi Trẻ, nhà báo Lê Văn Nghĩa lại khẳng định “Gấm vàng” là một trong 8 nhạc phẩm đã được in trong năm 1945 cùng với 7 nhạc phẩm khác của Phạm Duy và Nguyễn Văn Thương. Tuy nhiên trong một cuốn nhạc được dựng lại sau này kèm theo chữ ký của chính tác giả ký tặng cho một người thân của mình thì bản nhạc được ghi năm sáng tác là 1947 với cái tên chính thức là “Suối tóc Quỳnh Tiên”. Vậy bản nhạc được sáng tác vào năm nào vẫn còn là một dấu hỏi khá thú vị.
Cho Hội An quê hương yêu dấu
Năm 1959, Dương Minh Ninh theo học hàm thụ tại trường Ecole Universelle de Paris về sáng tác và phối khí. Năm 1960 ông chuyển vào Quy Nhơn dạy nhạc tại trường Sư phạm Quy Nhơn và trường Cường Để cho đến năm 1975. Sau đó, ông cùng gia đình chuyển vào định cư và dạy nhạc tại Biên Hòa – Đồng Nai. Trong những năm sau này ông vẫn sáng tác nhiều nhạc phẩm tình ca và nhạc thiếu nhi như “Mùa xuân cho tuổi hồng” – thơ Vi An Dương, “Con chim nhỏ vườn đào”. Hai nhạc phẩm “Trăng trên sông Hoài” và “Chiều phố buồn” ông viết riêng về Hội An nơi quê cha đất tổ, như lời ông đề tặng: “… cho Hội An quê hương yêu dấu”, là những nhạc phẩm có tiết tấu trữ tình, đậm chất tự sự.
Nhận định về khả năng âm nhạc của con người tài hoa này có lẽ phải mượn lời của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn khi nhắc về ông: “…Thời còn trẻ, tuy chưa biết nhiều về nhạc lý nhưng trời phú cho anh cái khả năng ghi nhận nhạc điệu. Lúc đó, đi xem ciné, nghe được một bài nào mà anh thích là anh ghi lại không thiếu một nốt”.
Vẫn hy vọng rồi đây sẽ có một chương trình biểu diễn các nhạc phẩm của Dương Minh Ninh và các nhạc sĩ cùng thời với ông tại Hội An, như một sự tri ân về những thế hệ tiền bối đã đặt nền móng cho sự phát triển tân nhạc tại Hội An.
Dương Hồng Minh sưu tầm Báo Quảng Nam