Dương Minh Quan – Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng đầu tiên và con đường mang tên ông
- 02/04/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 547
Đồng chí Dương Minh Quan là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng đầu tiên và là người cộng sản kiên trung bất khuất. Đồng chí cùng với người em ruột tên Dương Minh Đệ hoạt động trong phong trào cách mạng ở tỉnh Sóc Trăng, bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Dương Minh Đệ được rước về đất liền Sóc Trăng cùng với đoàn tù chính trị Côn Đảo, còn đồng chí Dương Minh Quan đã vĩnh viễn nằm xuống nơi “Địa ngục trần gian”. Để tưởng nhớ và tri ân người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng, năm 2006 đường Vành đai Cổng Đỏ ở Phường 3, thị xã Sóc Trăng được đổi tên thành đường Dương Minh Quan cho đến nay.
Dương Minh Quan sinh năm 1917 trong một gia đình khá giả tại làng Khánh Hưng, quận Châu Thành, (nay thuộc Phường 1, thành phố Sóc Trăng), tỉnh Sóc Trăng. Gia đình đồng chí Dương Minh Quan có tất cả 5 anh chị em, ông là con thứ ba trong gia đình nên thường được gọi là Ba Quan, người em kế tên Dương Minh Đệ. Đồng chí Dương Minh Quan và đồng chí Tô Bửu Giám (Năm Giám) – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, là anh em cô cậu ruột.
Ngay từ nhỏ hai anh em Dương Minh Quan và Dương Minh Đệ chơi rất thân với nhau và được cha mẹ cho đi học chung một lớp ở Trường Nam Tiểu học (còn gọi là Trường Con trai) tỉnh lỵ Sóc Trăng lúc bấy giờ.
Năm 15 tuổi, Dương Minh Quan tốt nghiệp tiểu học với tấm bằng loại ưu. Tuy nhiên do kinh tế gia đình gặp khó khăn, Dương Minh Quan phải tạm xếp bút nghiên và tìm học một nghề để sinh sống, đó là nghề chụp hình và họa hình. Trong thời gian học nghề tại tiệm vẽ Bình Kim ở tỉnh lỵ Sóc Trăng, Dương Minh Quan được tiếp xúc với nhiều người thuộc tầng lớp trí thức và đặc biệt là được thầy Sáu Giỏi, chủ tiệm vẽ, tuyên truyền, giáo dục về cách mạng. Với nghề vẽ hình và chụp hình, ông có điều kiện đi nhiều nơi để tìm hiểu tình hình và hun đúc thêm bầu nhiệt huyết cách mạng.
Đường Dương Minh Quan hiện nay nằm trên địa bàn Khóm 8, Phường 3, thành phố Sóc Trăng
Hai anh em Dương Minh Quan và Dương Minh Đệ tham gia tích các phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ tại tỉnh lỵ Sóc Trăng, trong nhóm các anh: Phan Minh Gương, Hoài, Đức. Các phong trào đấu tranh diễn ra dưới nhiều hình thức, lập bảng dân nguyện gởi cho phái đoàn Quốc hội Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương; biểu tình, mit tinh, rải truyền đơn, treo cờ Đảng… Năm 1937 đồng chí Nguyễn Thế Ngọc, cán bộ Liên Tỉnh ủy Cần Thơ được điều đến Sóc Trăng hoạt động. Sau một thời gian chăm bồi, giáo dục, đồng chí kết nạp các đồng chí Dương Minh Quan, Phan Minh Gương và Phan Văn Tấn vào Đảng và thành lập Chi bộ Tỉnh lỵ Sóc Trăng, do đồng chí Nguyễn Thế Ngọc làm Bí thư. Đây là chi bộ đầu tiên của tỉnh lỵ Sóc Trăng. Sau một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Thế Ngọc chuyển công tác tỉnh khác, đồng chí Dương Minh Quan được chỉ định làm Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Dương Minh Quan, Chi bộ Tỉnh lỵ Sóc Trăng thành lập các tổ chức công khai hợp pháp, dưới hình thức hội ái hữu, như: Thợ bạc, thợ may, thợ hớt tóc, thợ mộc, thợ sửa chữa ô tô… để tập hợp quần chúng và hoạt động dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tổ chức diễn thuyết ở nơi đông người, phân phối và đọc báo chí, tài liệu của Đảng, tương trợ giúp đỡ những người nghèo khổ… Đi đôi với các hoạt động công khai, hợp pháp, đồng chí Dương Minh Quan còn quan tâm xây dựng lực lượng bí mật, chỉ đạo kết hợp công tác công khai và công tác bí mật trong các phong trào cách mạng.
Cuối năm 1938, dưới sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy Cần Thơ, một cuộc họp quan trọng được tổ chức bí mật tại căn nhà lá nhỏ ở Sân banh cũ (nay ở khu vực Miếu Bà Hỏa, góc đường Nguyễn Đình Chiểu – Phan Đình Phùng, thành phố Sóc Trăng), để thành lập Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng, đồng chí Dương Minh Quan được chỉ định làm Bí thư. Đây là Tỉnh ủy lâm thời đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Với trách nhiệm nặng nề mà Đảng giao cho, đồng chí Dương Minh Quan đã cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy đẩy mạnh các hoạt động cách mạng, tuyên truyền chủ trương của Đảng bằng nhiều hình thức như: Phát tán truyền đơn, biểu ngữ, hội họp, diễn thuyết, kêu gọi quần chúng đấu tranh chống tăng thuế và bắt lính, đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ trong nhân dân. Qua đó đã nâng cao giác ngộ chính trị cho quần chúng và đưa những chủ trương, đường lối của Đảng đến các tầng lớp nhân dân.
Tháng 9/1939 chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Thực dân Pháp ở Đông Dương thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Mật thám Pháp bủa lưới khắp nơi, rình rập theo dõi mọi hoạt động của cách mạng. Các tổ chức công khai phải rút vào hoạt động bí mật để tránh thiệt hại, tổn thất. Tuy nhiên, do có chỉ điểm nên một số cơ sở đảng bí mật của tỉnh bị lộ, nhiều đồng chí đảng viên bị địch bắt.
Ngày 10/7/1940, trong lúc tiếp nhận truyền đơn của Xứ ủy Nam Kỳ để phân phát cho các cơ sở bí mật, do bị chỉ điểm nên đồng chí Dương Minh Quan bị bắt. Địch giải đồng chí Dương Minh Quan về Khám lớn Sóc Trăng và tra tấn bằng những trận đòn phủ đầu hết sức dã man nhưng vẫn không lung lai được ý chí của người cộng sản, chúng đưa đồng chí ra Tòa án Sóc Trăng xét xử. Tại phiên tòa, đồng chí Dương Minh Quan hiên ngang, đĩnh đạc, bác bỏ những lời buộc tội của viên chưởng lý, lên án bọn xâm lược Pháp và bè lũ tay sai. Phiên tòa xét xử đồng chí Dương Minh Quan đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân đến tham dự. Riêng bọn địch vô cùng bực tức, cuối cùng chúng giải lên Khám lớn Tân An rồi Khám lớn Sài Gòn để tiếp tục điều tra. Tại những nơi này, địch dùng những hình thức khai thác tinh vi hơn, những đòn tra tấn dã man hơn, nhưng vẫn không khai thác được gì. Biết Dương Minh Quan giữ trọng trách trong Đảng, địch thay đổi chiến thuật, chuyển sang dụ dỗ chiêu hồi nhưng đều bị thất bại. Dù không có bằng chứng đầy đủ để buộc tội, nhưng lo sợ trước khí thế cách mạng của quần chúng, một lần nữa địch đưa đồng chí Dương Minh Quan ra tòa, kết án khổ sai chung thân và đày ra Côn Đảo.
Đặt chân lên Côn Đảo sau mấy ngày đói, mệt vì vật lộn với sóng biển, đồng chí Dương Minh Quan cũng như các anh em tù chính trị khác được bọn cai ngục đón tiếp bằng một trận đòn roi, được chúng gọi là “lễ tiếp đón” dằn mặt. Do bị giam cầm mấy ngày đêm liền, lại bị đánh đập, có người chân đi không vững, xỉu tại chỗ.
Ở nhà lao Côn Đảo, dưới những trận đòn roi và mọi cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí Dương Minh Quan luôn tỏ rõ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất. Được các đồng chí trong tù hướng dẫn, đồng chí Dương Minh Quan bắt tay vào nhiệm vụ mới, đó là tổ chức những nhóm học tập lý luận chính trị, tư tưởng và văn hóa; thành lập chi bộ nhà tù… Đồng chí Dương Minh Quan cùng các đồng chí của mình đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Nhưng kẻ thù dã man đâu chỉ dừng lại ở việc tra khảo đánh đập, chúng còn bắt tù chính trị bị kết án chung thân đi lao động khổ sai vào những công việc nguy hiểm để giết dần các đồng chí. Đồng chí Dương Minh Quan là tù chung thân bị tập hợp vào đội đập đá. Do công việc quá nặng nhọc, cộng với chế độ lao tù quá hà khắc, bị đánh đập thường xuyên nên sức khỏe đồng chí Dương Minh Quan ngày càng suy kiệt. Đồng chí bị tiêu chảy nặng, dù được đồng đội thương yêu chăm sóc, nhưng do không có thuốc chữa trị, bệnh ngày càng nặng hơn, cuối cùng đồng chí Dương Minh Quan đã trút hơi thở cuối cùng trên tay các đồng chí của mình ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Đồng chí Dương Minh Quan, người chiến sĩ cộng sản kiên, bất khuất, người Bí thư Tỉnh ủy lâm thời đầu tiên ở tỉnh Sóc Trăng đã hy sinh trọn cuộc đời cho lý tưởng cách mạng. Đồng chí là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Tên của đồng chí được đặt cho một con đường ở thị xã Sóc Trăng (nay là thành phố Sóc Trăng), theo Quyết định số 48/2006/QĐ-CTUBND ngày 22/12/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng đô thị trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Đường Dương Minh Quan hiện nay nằm trên địa bàn Khóm 8, Phường 3, dài 1.165m, bắt đầu từ đường Trần Hưng Đạo và kết thúc là đường Văn Ngọc Chính, đường lưu thông hai chiều. Đường này có từ những năm 1990 nhưng chỉ là con đường nhỏ bằng đất cát, năm 2001 đường được mở rộng 3m và có kết cấu bằng bê tông xi măng và đến năm 2014 được nâng cấp mở rộng 6m như hiện nay.
Theo Bao Soc Trang