Dương Phương Lan – Người vợ, người bạn chiến đấu của Ngô Quyền
- 16/03/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 5788
Khi nghiên cứu về thân thế sự nghiệp của Ngô Quyền, phần lớn mọi người đều biết, sinh thời, ông là một tướng của Dương Đình Nghệ, được Dương Đình Nghệ tin yêu và gả con gái là Dương Thị Như Ngọc cho. Nhưng căn cứ vào truyền thuyết và thư tịch cổ ở Hà Tây, thì Ngô Quyền còn một bà vợ nữa là Dương Phương Lan.
Về bà Dương Phương Lan, ở thôn Yên Nhân, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, cổ nhân đã tôn bà là Thành hoàng làng và lập đình thờ bà. Như hàng ngàn những ngôi đình cổ kính, mái ngói phủ rêu của phong của năm tháng thời gian, ngôi đình làng Yên Nhân là nơi thờ các vị tướng Dương Phương Lan, Đỗ Lang và Mai Gia Minh. Thần phả ở đây chép rằng, bà Dương Phương Lan là người làng Yên Nhân, tổng Văn La, huyện Chương Đức (Chương Mỹ ngày nay). Bà là con ông Dương Công Đĩnh và thân mẫu Vũ Thị An. Thần phả viết: “Bà có nhan sắc tuyệt vời, mắt trong như nước hồ thu, mày cong như vầng trăng mới… Bà có tư chất khác thường, tuy là con gái nhưng thích đọc binh thư và rèn luyện cung kiếm. Ngô Quyền đi qua Chương Đức để vào Ái Châu đã gặp và và kết duyên chồng vợ”. Thời điểm này xảy ra trước khi Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ gả con gái là Dương Thị Như Ngọc cho.
Có một điều trùng hợp là hai bà vợ của Ngô Quyền đều là người họ Dương? Nhưng để giải đáp sự tồn nghi này, cổ nhân đã có ý cho rằng hai bà phu nhân này có lai lịch hoàn toàn khác nhau. Dương Phương Lan là con ông Dương Công Đĩnh và bà Vũ Thị An. Dương Thị Như Ngọc là con ông Dương Đình Nghệ, Dương Công Đĩnh quê ở Yên Nhân – Chương Đức, Dương Đình Nghệ – một danh tướng của Tiết độ sứ Khúc Hạo, cai quản miền Ái Châu (Thanh Hóa).
Thiền Nam ngữ lục (1) – tác phẩm văn vần dài nhất trong kho tàng văn học Hán – Nôm của nước ta, xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVII, với 8.136 câu theo thể thơ lục bát, viết từ thời Hồng Bàng đến chúa Trịnh Căn, trong đó có 472 câu thơ về Ngô Quyền và sự nghiệp của Ngô Quyền. Khi nói về tình sử Ngô Quyền và Dương Phương Lan, sách có đoạn:
“Như ai đã hẹn ai đâu
Qua miền Thượng Phúc đến cầu Ba Trăng
Tạo duyên định bởi xích thằng
Gặp nàng Dương Thị, nói năng tỏ tường
Thiếp nay Nguyên Xá họ Dương
Hoa xuân vừa nở, tuyết sương chửa gần
Duyên nay tơ nguyệt khéo phân
Dễ xui lòng thiếp ái ân vì chàng”.
Nếu coi Dương Thị chẳng phải ai khác, mà chính là con Dương Đình Nghệ, thì đoạn thơ trên đã minh chứng không phải như vậy. Ngô Quyền từ Đường Lâm lặn lội vào Ái Châu (Thanh Hóa) theo Dương Đình Nghệ thì cuộc tình duyên gặp gỡ ở miền Thượng Phúc (Thường Tín ngày nay) và cụ thể hơn, còn có địa danh cầu Ba Trăng. Địa danh cầu Ba Trăng đã thất truyền, nhưng nếu theo thần phả, bà Dương Phương Lan là người làng Yên Nhân thì cầu Ba Trăng phải chăng là cầu Ba Thá. Từ làng Yên Nhân đến cầu Ba Thá theo đường chim bay chỉ hơn một nghìn mét. Cuộc tình duyên này, theo Thiên Nam ngữ lục, thì thật là đằm thắm trong sáng của buổi còn hàn vi:
“Trỏ thề nên nghĩa tào khang
Quyền sa nước mắt ơn nàng thương yêu
Nàng rằng vốn thiếp đã liều
Cứ trong một lý nguyện theo đi cùng”
Và đôi nam nữ này cùng nhau tòng chinh vào Ái Châu với một quyết tâm cao. Dương Phương Lan thì:
“Cửa nhà chẳng đoái cha ông
Khăn khắn một lòng đi với họ Ngô”
Ngô Quyền đã cùng bà:
“Đạo hằng bao quản đói no
Ăn năn chẳng chút có lo điều gì
Ngô Quyền cũng chí nam nhi
Vận chửa đến thì mình phải truân chuyên
Nuôi nhau đường xá chẳng phiền
Ngày sau đi đến sở miền Giang Đông
Thấy Đình Nghệ có anh hùng
Rập Khúc tiên đế ở cùng làm tôi
Nghệ yêu khuya sớm dưỡng nuôi
Khiến làm cật dạ hằng lời nể nang”
Một mạch tư duy hữu hình nối từ “miền Thượng Phúc”, “cầu Ba Trăng” vào Ái Châu với bóng dáng sóng đôi vủa hai người chứ không phải một mình Ngô Quyền vào Ái Châu. Người đi cùng Ngô Quyền không phải Dương Thị Như Ngọc mà là Dương Phương Lan. Và truyền thuyết qua bản thần phả đình làng Yên Nhân, hơn một trăm năm sau có Thiên Nam ngữ lục khách quan minh họa. Hình tượng Dương Phương Lan đã hiện rõ bên cạnh Ngô Quyền trước khi ông được Dương Đình Nghệ gả con gái là Dương Thị Như Ngọc cho ông.
Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ cho làm nha tướng rồi cho quyền cai quản Ái Châu. Khi Kiều Công Tiễn làm phản, ông đã giết Kiều Công Tiễn. Bà Dương phương Lan đã cùng chồng lúc diệu nội phản, lúc chống ngoại xâm. Sau trận Bạch Đằng năm 938 chống giặc Nam Hán đại thắng lợi, Ngô Quyền xưng vương, phong bà Dương Phương Lan làm Hoàng Hậu (trước đó theo Đại Việt sửa ký toàn thư, Đinh Bộ Lĩnh đã tấn phong 5 Hoàng Hậu).
Ngô Quyền làm vua được 6 năm. Năm Giáp Thìn (944) Ngô Quyền 47 tuổi, bị ốm nặng. Theo sử cũ, ông giao binh quyền cho Dương Tam Kha nắm giữ. Thiên Nam ngữ lục lại một lần nữa nhắc đến tình cảm của ông với vợ, khi trăng trối:
“Thương vì thủa gặp Ba Trăng
Chi phiền cho bỏ đạo hằng nuôi nhau
Những thủa chửa được giàu sang
Biết nhau mà quyết theo nhau một lòng”
Tình cảm này sâu nặng, day dứt với bà Dương Thị gặp ở miền Thượng Phúc. Tác giả khuyết danh Thiên Nam ngữ lục không có ý gộp hai bà Dương Thị làm một, nhưng với bà Dương Thị Như Ngọc, em của Dương Tam Kha thì Hoàng hậu là người đã sinh ra Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn. Khi Ngô Quyền mất:
“Hoàng hậu lấy anh làm tin
Chính sự quốc quyền, phó mặc Tam Kha”
Vì các cháu còn nhỏ, Dương Tam Kha đã chính sự quốc quyền tự xưng là Bình Vương.
Sau khi Ngô Quyền mất, trong nước có nhiều biến động. Bọn Nguyển Phường đã nổi lên quấy rối, bà Dương Phương Lan đã tình nguyện cầm quân dẹp loạn. Trong một trận chiến đấu vô cùng ác liệt, chẳng may bà bị trúng tên và anh dũng hy sinh, thi hài bà được quân sỹ đưa về Yên Nhân, quê bà, mai táng.
Ngô Quyền là vị anh hùng dân tộc, với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do ông chỉ huy đã chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc. Ông dựng nước xưng vương “Không những là chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan chế định triều đình, phẩm phục, thấy được quy mô của đế vương. Thế mà ở ngôi không được lâu, chưa thất hiệu quả trị bình, đáng tiếc thay” (Ngô Sỹ Liên). Hơn một nghìn năm đã trôi qua, biết bao thăng trầm biến động, nhưng chiến công của ông còn vang vọng mãi. Sử sách xưa nay thường chỉ ghi chép nhiều công về ông, còn các bà vợ ít được ghi chép. Gia phả của một số dòng họ, gia đình hoặc bia đá, ở nước ta nhiều khi chỉ ghi tên chồng rõ ràng, còn vợ thì chỉ ghi họ như Dương Thị, Nguyễn Thị, người theo đạo Phật thường được ghi thêm hiệu diệu… Nhiều tư liệu khó tìm ra tên thật, tên húy của các quý bà. Khi viết về Ngô Quyền, tư liệu cổ của nước ta thường cũng chỉ viết “được Dương Đình Nghệ tin yêu gả con gái cho” hoặc Dương Thị, Dương Hậu nói…
Việc đình làng Yên Nhân thờ bà Dương Phương Lan làm Thành hoàng (xưa có cả ngôi đền thờ riêng) cùng thần tích và truyền thuyết về bà – kể cả việc sau này, bà đánh dẹp ở Đường, nguyễn… Mà điểm gặp gỡ với Ngô Quyền vở miền Thượng Phúc, cầu Ba Trăng cho thấy, đây là một tư liệu cần được nghiên cứu để tìm hiểu thêm về cuộc đời của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền và người phụ nữ tài sắc vẹn toàn Dương Phương Lan của quê ta.
Dương Viết Quang (Sưu tầm)