Dương Quốc Cơ – Cuộc đời và sự nghiệp

 

Dương Quốc Cơ sinh ngày 15 tháng 8 năm 1684 tại Ngõ Non – Vân Cốc Trang xưa, nay là làng Vân Cốc, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là hậu duệ đời thứ 7 của Dòng họ Dương Ngô.

 

Ông lớn lên trong một gia đình Nho học, ngay từ nhỏ đã ham học võ nghệ, 14 tuổi đã thuộc hết Tứ Thư Ngũ Kinh, 18 tuổi tài năng kiếm cung nổi tiếng trong vùng.

 

Năm 1703, Dương Quốc Cơ 20 tuổi (cả tuổi mụ) nghe tin triều đình mở khoa thi tuyển chọn người tài, ông xin cha mẹ cho về triều dự thi. Quốc Cơ đạt giải nhất cả văn và võ, được vua Lê Dụ Tông tin dùng, phong chức Thượng tướng quân cai quản quân binh phương bắc.

 

Sau 6 năm, năm Qúy Mùi (1703) Trịnh Bính chết, Trịnh Căn lại phong cho chắt nội (con cả của Trịnh Bính) là Trịnh Cương làm tiết chế An Quốc Công lúc vừa 18 tuổi. Việc truyền ngôi này được các quan đại thần như Nguyễn Qúy Đức và Đặng Đình Cường ủng hộ. Song cũng vì thế mà trong phủ Chúa lại một phen lục đục. Tháng 3 năm Giáp Thân (1704) Trịnh Luân và Trịnh Phất là con Trịnh Bách tiết chế đã chết có quyền được nối ngôi huống chi Cương chỉ là chắt. Sau nhờ sự mật tấu kịp thời của Dương Quốc Cơ nên qua được. Luân và Phất bị giết. Dương Quốc Cơ được thăng Hữu Thị Lang Bộ Công.

 

Thời kỳ ở ngôi Chúa Trịnh Cương rất lo toan việc nước, ban hành hàng loạt cải các cách về thuế khóa, cuộc sống dân tình đỡ khổ hơn. Chúa trọng dụng ba đại thần rất trẻ và có tài là Dương Quốc Cơ, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng.

 

Năm Bính Ngọ (1726), Dương Quốc Cơ tấu lên Chúa rằng chuyện thi cử có nhiều nhũng lạm, phần lớn con em nhà quyền thế đỗ hương cống, không có thực tài, Chúa Trịnh Cương hạ lệnh cho thi lại, đánh hỏng 28 người, trong số đó có con tham tụng Lê Anh Tuấn, con huân quận công Đặng Đình Giám, con nuôi nội giám Đỗ Bá Phẩm, bọn này bị trị tội nặng.

 

Thành Xương Giang, trấn Kinh Bắc ông đã nhiều lần về thăm, có lần ở lại hai ba ngày thăm hỏi bà con dân làng, ông giúp đỡ những người nghèo khó, trẻ mồ côi, các cụ già yếu neo đơn, được nhân dân nhớ ơn cảm phục lòng.

 

Năm 1715, trong chuyến về thăm thành Xương Giang, đoàn của ông đi đến đầu làng Phụng Pháp gặp bọn trẻ chăn trâu, cả bọn bỏ chạy, riêng có một cậu bé ở lại, Quốc Cơ xuống ngựa và hỏi: “Cháu tên gì sao cháu không sợ” cậu bé nói “Thưa ông, cháu không sợ, cháu ở lại để xem ngựa cờ kiếm”. Nhìn dáng khỏe mạnh, thanh tao, mắt tinh, trán vuông, nhanh nhẹn, Quốc Cơ thầm nghĩ: “Đây là một điềm lành, niềm vui đến với ta. Sau này lớn lên có thể giúp thay ta làm nên nghiệp lớn”. Quốc Cơ nhẹ nhàng hỏi: “Cháu ở làng nào, bố mẹ còn hay mất?” “ Dạ cháu ở làng Phụng Pháp, bố mẹ cháu không còn, cháu ở với chú thím”. Nghe vậy Quốc Cơ cho quân nghỉ giải lao rồi cùng một số quan quân đưa cậu bé về nhà, gia đình cho biết tên cháu là Hoàng Văn Khai sinh năm 1703, năm 6 tuổi thì bố mẹ mất, ở với chú thím, lớn lên đi chăn trâu.

 

Quốc Cơ ngỏ ý xin gia đình cho cậu bé làm con nuôi, gia đình vui mừng lắm, đồng ý cho Văn Khai làm con nuôi quan lớn.

 

Khi hồi triều, Văn Khai được cha nuôi đưa về Vân Cốc ở với ông bà nội là Dương Quốc Trạch – bố đẻ Dương Quốc Cơ, sống trong gia đình có nề nếp gia phong, truyền thống hiếu học. Trong lớp học văn, học võ của làng, bao giờ Văn Khai cũng đứng đầu lớp, được sự dậy bảo của ông bà, anh em chú bác, Văn Khai ngoan ngoãn nghe theo và làm theo, những lúc nghỉ học, Văn Khai làm đủ mọi việc giúp đỡ ông bà, được ông bà, gia đình rất yêu mến.

 

16 tuổi ông bà muốn đổi họ cho cháu từ họ Hoàng sang họ Dương. Quốc Cơ bảo với bố, thương con mồ côi cha mẹ, họ hàng nghèo túng xin cha cứ để cháu giữ lấy họ Hoàng, sau nay công danh sự nghiệp thành đạt làm rạng danh họ Hoàng.

 

Quốc Cơ bảo với con, muốn làm lên nghiệp lớn con phải nhớ lấy điều “Chữ trung, chữ hiếu đúng lên hàng đầu, ngũ kinh thi sử thuộc lầu không quên”. Những năm tháng miệt mài văn chương luyện võ kiếm cung, Văn Khai đã thuộc làu tứ thư ngũ kinh. 16 tuổi Quốc Cơ về đón Văn Khai lên triều ăn học và trực tiếp dạy bảo thêm, 19 tuổi đã trở thành một dũng sĩ văn võ toàn tài được cha và triều đình tin tưởng, khen ngợi.

 

Để được ở trong triều, Khai nghe lời bố, tự hoạn để được phò Vua giúp Chúa, Quốc Cơ đổi tên con là Hoàng Ngũ Phúc. Năm 1723, được tin nhà Thanh chuẩn bị sang xâm lược nước ta, vua mời các văn võ bá quan họp bàn rồi cử một đoàn do Dương Quốc Cơ dẫn đầu sang đàm phán với nhà Thanh, biết bao sự giao tiếp đàm phán khó khăn vất vả có lý có tình cuối cùng cũng được vua nhà Thanh cùng các quan trong triều vui vẻ nhận lời, giữ vững hòa bình và chủ quyền biên giới hai quốc gia, đem lại sự bình yên cho hai nước. Khi trở về, Vua mở hội mừng công rất lớn phong cho Dương Quốc Cơ: “Tiến đặc tiến phụ quốc thượng đẳng quân đô chỉ huy sứ, ty đô chỉ huy sứ Hiển Quận Công, gia tặng phong Đô Hiệu Điểm Ty Tả Hiệu Điểm”, Dương tướng công tự Tứ Thụy Trung Hậu, phủ quân vi tiền, tan tiệc hội Vua tặng ông 40 pho tượng long bài đem về quê hương.

 

Về quê hương, ông bàn với dân làng rồi hiến đất ruộng vườn, tiền bạc cùng với nhân dân xây dựng chùa. Năm 1726, chùa được khánh thành, ông lấy tên chùa là “Thủ Nghiêm Tự” , 40 pho tượng được trưng bày ở hai bên tường trước Tam Bảo cho tới bây giờ rất khang trang đẹp đẽ.

 

Tháng 6/1726 ông lại cho đại tu đình làng, từ 3 gian nhỏ thành tòa đại đình 5 gian 2 trái cao ráo thoáng mát, rộng rãi, rồi ông cho xây dựng cả Văn Chỉ ngay cạnh cổng đình làng. Thợ mộc, thợ nề ông cho thuê từ Đình Bảng (Bắc Ninh) lên, kỹ thuật khạm đục họa tiết, hoa văn uốn lượn mịn màng, kỹ thuật tinh xảo trông rất đẹp mắt.

 

Năm 1729, ông lại công đức tiền của cùng nhân dân xây đình chùa làng Thành Vẽ, xã Xương Giang. Nhân dân nơi đây đã xây Đền thơ ông ngàn năm hương khói phụng thờ tưởng nhớ công ơn, ông là Thành Hoàng của đình làng được nhân dân cúng tế hàng năm. Ở Đền nhân dân cúng tế vào ngày 04 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

 

Đình làng Bùi Kép, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, ông cũng công đức xây dựng, trong kháng chiến chống Pháp đã bị đốt phá, nay nhân dân đã xây dựng lại.

 

Vì có nhiều công lao với dân, với nước, ông được dân làng Vân Cốc tôn làm hậu Thần, hậu Phật, tôn thờ ông ở đình và ở chùa. Ở đình được nhân dân cúng tế ngày giỗ ông 21 tháng 11 âm lịch hàng năm, từ đường tướng công Dương Quốc Cơ đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006.

 

Cuộc đời và sự nghiệp của Hiển Quận Công Dương Quốc Cơ, ông đã có nhiều công lao với nước, với dân.

 

Đối với việc công Hoàng Ngũ Phúc, ông đã giành cả cuộc đời dưỡng dục cho con từ thuở ấu thơ tới lúc trưởng thành, công danh và sự nghiệp lẫy lừng của tướng quốc Hoàng Ngũ Phúc cùng với Vua Lê Chúa Trịnh kết hợp với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn giải phóng đất nước, giang sơn thu về một mối của những năm cuối thế kỷ XVIII.

 

Ở Lăng cụ hiện còn 2 câu đối:

 

“Đức đại an dân thiên cổ thịnh.

 

Công cao hộ quốc vạn niên trường”.

 

 Ở chùa ban thờ ông có đôi câu đối:

 

“Dũng lược trấn tiền triều chính tiết thùy thân thiên tải lưu danh bất hủ.

 

Linh thanh thùy hậu thế cùng công báo đức tứ thời hưởng tự truy ân”.

 

Văn bia ở Lăng mộ do vị quan văn võ toàn tài: Đại Tư Đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiêm soạn.         

 

Dương Ngô Điệu

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com