Dương Quốc Thái: Nông dân sáng chế máy nông nghiệp được bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
- 24/08/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 486
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Dương Quốc Thái (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) tự cho mình là “kỹ sư chân đất”. Những nông cụ tự chế của anh rất được bà con nông dân ĐBSCL tin dùng bởi hiệu quả cao, bền, đẹp.
Từ TPHCM, chúng tôi băng Đồng Tháp Mười về vùng đất Thiên Hộ (Tiền Giang) – một vùng đất nổi tiếng với cái nghề cơ khí của những nông dân tuy ít học nhưng sáng chế những nông cụ cực kỳ hữu hiệu trên đồng ruộng.
Bức bách của nông dân sản sinh “kỹ sư chân đất”
Giờ ở Thiên hộ chẳng ai còn nhớ nghề cơ khí ở đây có tự bao giờ. Nhiều lão nông tri điền chỉ nhớ vào lúc hưng thịnh có đến hàng chục cơ sở cơ khí ở đây. Ở nông thôn, nghề cơ khí được xem là nghề dễ học đối với lao động có điều kiện kinh tế khó khăn, bởi chi phí học nghề thấp, người lao động có thể chọn hình thức học thí công, giúp việc, sau thời gian học nghề có thể tham gia với chủ nhận gia công, hoàn thiện các công trình để mau giỏi nghề, có thêm thu nhập.
Chỉ tính riêng ở xã Hậu Mỹ Bắc B giờ có hơn chục cơ sở cơ khí, trong đó có Cơ sở cơ khí Quốc Thái của anh Thái.
Anh Thái cho biết, mình chỉ học hết tiểu học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nghỉ học về nhà, anh theo cha đi suốt lúa thuê, chăn vịt lo mưu sinh cho gia đình. Năm 1994, anh được gia đình cho đi học nghề sửa máy nổ để có cái nghề lo gia đình, vợ con sau này.
Sau thời gian học nghề sửa máy nổ anh ra mở tiệm sửa. Và đến 2008, anh chuyển hẳn sang chế tạo nông cụ.
“Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ngay từ khi còn bé, tôi đã nếm trải nỗi vất vả nhọc nhằn trên đồng ruộng. Nhìn bố mẹ lao động cực nhọc, bà con nông dân vất vã trên đồng tôi ao ước sau này lớn lên sẽ cố gắng sáng chế nhiều nông cụ hỗ trợ việc đồng áng cho mọi người”, anh Thái bộc bạch.
Theo anh Thái, ngay trong quá trình học nghề sửa máy nổ, rã động cơ, anh đã biết nguyên lý hoạt động của máy. Sửa càng nhiều máy anh càng thấm những cấu tạo của máy nổ để chuẩn bị cho việc sáng chế nông cụ sau này.
Lại thêm, trong quá trình học sửa chữa máy, anh nhận thấy nhiều sản phẩm, máy móc nông, ngư, cơ ngoại nhập thường giá đắt đỏ, đôi khi hoạt động lại không phù hợp với đặc điểm đồng ruộng địa phương. Ngoài ra, nông dân đa phần nghèo nên không đủ khả năng đầu tư cơ giới hóa đồng ruộng trong thời kỳ sản xuất mới.
Anh Thái thổ lộ, thời điểm ban đầu bắt tay vào sáng chế nông cụ rất khó khăn với anh. Trình độ, kỹ năng, kinh nghiệp về cơ khí của anh gần như bằng không. Anh không biết vẽ bản vẽ chi tiết của nông cụ, nên nghĩ sao làm vậy.
“Để hoàn thành một sản phẩm tôi phải tháo, ráp rất nhiều lần, rất tốn kém thời gian và tiền bạc. Thậm chí, có nông cụ làm xong chỉ bán phế liệu vì không thể ứng dụng trên đồng ruộng”, anh Thái chia sẻ.
Năm 2019, anh cùng nhóm 29 thợ cơ khí được chọn sang Hàn Quốc học về máy nông nghiệp do Dự án Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (Gọi tắt là KVIP – Korea Viet Nam Incubator Park) tổ chức. Khoá học 1 tháng về máy kéo đã giúp cho anh rất nhiều kiến thức về sản xuất nông cụ sau này.
Cứ kiên trì, mò mẫm như chú ong thợ, cuối cùng anh Thái cũng hoàn chỉnh dàn máy xới cải tiến vào năm 2005. Đây là sản phẩm nông cụ tự chế đầu tay của anh Thái. Dàn xới cải tiến này lấy ý tưởng từ dàn xới D bông xơi 0,8m. Do dàn xới D làm việc chậm và không nhận được rơm rạ nên anh Thái cải tiến lên bông xới 1,2m và máy lớn hơn nên cho năng suất gấp đôi.
Đến năm 2007, anh Thái sáng chế dàn xới đất. Tiếp nối thành công, năm 2014, anh Tháo sáng chế máy đắp bờ ruộng siêu tốc thế hệ mới.
Theo anh Thái, sáng chế này xuất phát từ thực tế việc đắp bờ ruộng tốn rất nhiều công sức của bà con nông dân, trong khi đó nhân công lao động ngày càng khan hiếm. Máy đắp bờ được sáng chế mang lại hiệu quả giúp đắp bờ chắc chắn, không bị thoát nước, sạt lỡ, đạt năng suất 10.000m/ngày, tăng gấp 40 lần đắp bờ truyền thống.
Năm 2016, anh Thái lại sáng chế máy đào rãnh đường nước. Máy hoạt động trên tất cả ruộng khô và ruộng nước, đạt năng suất 10.000m/ngày, tăng gấp 33 lần đào rãnh truyền thống…
Hiện, anh đang chuẩn bị cho ra mắt sáng chế bộ phận sạ lúa cụm, rải phân vùi vào cuối năm nay.
“Đây là nông cụ bà con nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang rất quan tâm”, anh Thái thổ lộ.
Theo anh Thái, để thành công với nghề cơ khí ngoài đam mê, học hỏi, sáng tạo còn phải nghiên cứu nông học để làm sản phẩm hoàn thiện, phù hợp với thổ nhưỡng.
Vậy nên, trước khi sáng chế nông cụ, anh Thái phải đi thực tế để khảo sát vùng đất, địa hình. Thực tế, nhiều nông cụ nhập từ nước ngoài khi đưa vào sản xuất trên đồng ruộng đã không thể sử dụng.
“Chỉ có người địa phương hiểu được thổ nhưỡng địa phương mới cho ra nông cụ đạt hiệu quả tốt nhất”, anh Thái kết luận.
Đánh giá về các nông cụ sáng chế của mình, anh Thái cho rằng, về mặt kinh tế, các sản phẩm này xuất phát từ nhu cầu của sản xuất thực tế. Các sản phẩm này giúp nông dân giảm ngày công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành so với những nông cụ ngoại nhập đắt tiền.
Về mặt xã hội, các sản phẩm này đáp ứng được nhu cầu của nông dân, chỉ cần đầu tư chi phí vừa phải đã có những máy móc, thiết bị đơn giản nhưng phục vụ rất hiệu quả trong sản xuất. Các sản phẩm này mang tính cộng đồng cao, được nông dân chấp nhận sử dụng.
Hiện, các sản phẩm nông cụ sáng chế của anh Thái không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Anh nông dân mê làm việc nghĩa
Theo anh Thái, mỗi năm Cơ sở cơ khí Quốc Thái của anh bán ra thị trường khoảng 100 sản phẩm nông cụ sáng chế các loại. Doanh thu khoảng 3 tỉ đồng.
Điều đáng quý của “kỹ sư chân đất” này là không chỉ tự làm giàu, mà còn chia sẻ phần lợi nhuận giúp phát triển cộng đồng ở vùng đất Thiên hộ này.
Anh Thái cho biết, hàng năm cơ sở của anh giải quyết việc làm cho hơn 42 lao động có việc làm thường xuyên, với thu nhập ổn định 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm cho 20 – 25 lao động thời vụ với số tiền 300.000 đồng/người/ngày.
Hàng năm, cơ sở của anh Thái còn hỗ trợ 30 – 50 hộ nghèo về vốn, cây giống, con giống không tính lãi; hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vận hành máy đắp bờ, máy xới. Kết quả nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, kinh tế ổn định và thu nhập cao.
Cơ sở của anh Thái còn đóng góp trên 50 triệu đồng/năm cùng chính quyền nâng cấp các tuyến đường chính giúp giao thương thuận lợi hơn.
Ngoài ra, anh còn phối hợp vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng xã nông thôn, như: Hiến đất, trồng hoa, hàng rào, bê tông hóa đường giao thông…
“Ở vùng đất Thiên hộ này, bà con có truyền thống đùm bọc nhau sống. Vì thế, tôi luôn quan niệm phải chia sẻ, hỗ trợ bà con vượt qua những khó khăn”, anh Thái tâm sự.
Với những thành công trong sáng chế nông cụ, và sự sẻ chia với xã hội, anh Thái đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015”, đạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII năm 2016-2017, đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” năm 2018, đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước huyện Cái Bè, giai đoạn 2015-2020,…
Chủ tịch Hội Nông xã Hậu Mỹ Bắc B Dương Văn Dũng nhận xét, anh Thái là một nông dân cần cù, chịu thương chịu khó, sáng tạo, hăng say với công việc. Những nông cụ do anh sáng chế đã giúp nhiều đến việc giải phóng sức lao động, năng cao năng xuất sản xuất của bà con nông dân. Anh Thái còn là người giàu lòng nhân ái với xã hội.
Nguồn: Báo Dân Việt