Dương Thị Hiên – người giữ “hồn” cho nghệ thuật dân gian Sán Chí

Không phải người dân tộc Sán Chí nhưng bà Dương Thị Hiên (sinh năm 1954), ở xóm Duyên Phú 2, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên lại có tình yêu mãnh liệt với hát Sấng Cọ và nhảy Tắc Xình của người Sán Chí. Đứng trước nguy cơ bị mai một, bà Hiên đã dành hết tâm huyết để khôi phục điệu hát dân tộc này. Nhờ đó mà hát Sấng Cọ và nhảy Tắc Xình của người Sán Chí ở Phú Đình đã được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc.

Hát Sấng Cọ là một dạng hát đối gồm một bên nam và một bên nữ đứng đối diện và có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Nội dung bài hát phong phú, đa dạng, uyển chuyển, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa. Âm điệu bài hát cũng thật sâu lắng và chứa chan tình người. Cùng với điệu hát Sấng Cọ thì không thể thiếu điệu múa Tắc Xình vui tươi, rộn ràng với mong muốn cầu mùa để cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà bà Dương Thị Hiên đem lòng yêu câu hát điệu múa này.

Mặc dù có hoàn cảnh khá đặc biệt, bản thân bà bị mắc bệnh hẹp mạch vành tim, con gái từ khi sinh ra không được lành lặn như mọi người, nhưng bà đã tìm cách vượt qua để sống lạc quan và làm những việc có ích cho xã hội. Bà Hiên kể lại: “Vốn thích sáng tác thơ, năm 1993, tôi tham gia sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật huyện. Từ đây, tôi tìm được tình yêu đối với văn hóa dân gian. Năm 2013, khi Hội Văn học Nghệ thuật có chủ trương đưa văn hóa dân gian về cơ sở, tôi đã suy nghĩ đến việc khôi phục và phát triển văn hóa của người Sán Chí là nhảy Tắc Xình và hát Sấng Cọ”.

Là người dân tộc Kinh nhưng được sinh ra và lớn lên giữa bản của người Sán Chí nên nên ngay từ khi còn nhỏ bà đã nghe được người dân nơi đây ca những câu hát Sấng Cọ giao duyên. Hình ảnh đôi nam nữ đứng hai bên bờ suối, giữa không gian núi rừng hùng vĩ trao nhau những câu hát tình cảm, như xua đi những mệt mỏi sau ngày làm việc vất vả. Nhiều cặp đôi sau đó đã nên vợ chồng và sống hạnh phúc.

Nhận thấy, nét văn hóa này dần mai một, người biết hát Sấng Cọ và múa Tắc Xình trong bản ngày càng ít đi, với mong muốn không để nền văn hóa đặc sắc bị mai một, bà Hiên bắt tay vào ý tưởng  khôi phục nét văn hóa này của người Sán Chí. Bà Hiên đã vào các bản người Sán Chí trong xã như: Nà Tẩm, Nà Tiển để tìm hiểu và đã tìm được cụ Ninh Văn Lục, Dương Thị Chức, Phương Văn Sáng… là những người còn nhớ về hát Sấng Cọ và múa Tắc Xình. Bà Hiên nói: “Khó khăn lúc đầu là rào cản văn hóa, bất đồng ngôn ngữ. Người Sán Chí không muốn dạy múa Tắc Xình cho người Kinh vì lo tôi sẽ “đánh cắp”. Tôi phải nhờ đến hội viên cũ từ thời mình làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đưa đến nhà giới thiệu và nhờ họ phiên dịch hộ”. Mặc dù vậy, có người vẫn không muốn truyền dạy hết các động tác, còn người muốn truyền dạy thì cố nhớ lắm cũng chỉ khôi phục được vài ba điệu múa Tắc Xình. Khó khăn là vậy, nhưng với tình yêu văn hóa dân gian, dần dần bà Hiên đã giành được tình cảm của người dân nơi đây. Bà cùng các cụ già khôi phục đủ lời bài hát “Sấng Cọ cho vụ làm rẫy” và sau này bà đã sáng tạo lồng ghép vào điệu nhảy Tắc Xình.

Cuối năm 2013, bà Hiên đề xuất với xã xin thành lập Câu lạc bộ múa Tắc Xình. Đến năm 2016, bà Hiên tiếp tục đề xuất với xã và Hội Văn học Nghệ thuật huyện cho thành lập Câu lạc bộ Văn học – Nghệ thuật xã, lấy lực lượng nòng cốt là thành viên đội múa Tắc Xình (ban đầu chỉ với 15 thành viên nhưng đến nay đã lên đến hơn 40 người). Từ đó đến nay, Câu lạc bộ luôn sinh hoạt đều đặn, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, biểu diễn trong những dịp lễ hội. Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn tổ chức truyền dạy nhảy Tắc Xình và hát Sấng Cọ cho các cháu thiếu nhi trong xã. Chính nhờ sáng kiến này, hát Sấng Cọ và nhảy Tắc Xình nhận được sự yêu mến của thế hệ trẻ.

Nhận xét về bà Hiên, ông Ma Đình Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đình cho biết: “Bà Hiên là người tâm huyết trong công việc nhưng cũng rất khiêm tốn. Nhờ có bà mà giá trị văn hóa dân gian của địa phương đã được khơi dậy, lan tỏa và trở thành niềm tự hào của người dân”.

Không chỉ tham gia công tác ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, bà Hiên từng có hơn 11 năm công tác trong Hội Phụ nữ xã Phú Đình, 11 năm làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã,15 năm làm Trưởng ban Mặt trân Tổ quốc và Chi hội trưởng Khuyến học… Ở cương vị nào bà cũng luôn nỗ lực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp, ngành nhiều lần biểu dương, khen thưởng.

Như Cương

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com