Dương Thị Mỹ Lệ – trí thức trẻ về vùng đất khó
- 05/04/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 615
Dương Thị Mỹ Lệ và Phạm Văn Thi là hai trong số những trí thức trẻ được phân công về công tác tại các xã bãi ngang ven biển của huyện Kim Sơn theo Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020 (Đề án 500). Mang trong mình hành trang tri thức và nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đã cống hiến sức mình góp phần phát triển KTXH của địa phương. Và cũng chính vùng đất này đã giúp họ nên duyên vợ chồng, cùng nhau xây dựng quê hương thứ 2 của mình.
Ngay sau khi rời ghế nhà trường, Dương Thị Mỹ Lệ – cô sinh viên chuyên ngành Luật đã tình nguyện tham gia Đề án 500 để về với vùng đất khó Cồn Thoi (Kim Sơn). Làm việc cách nhà hơn 60km nên phải cuối tuần hoặc lâu hơn Lệ mới có thể về thăm gia đình. Có những lúc nhớ bố mẹ da diết, có những phút yếu lòng vì vùng đất ven biển đầy rẫy khó khăn nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ không cho phép cô chùn bước. Lệ chẳng thể nào quên được ngày bắt đầu đến với vùng đất mới, mở ra bước ngoặt của cuộc đời mình. “Mặc dù không như tưởng tượng ban đầu của em là sẽ thiếu điện, nước và các nhu yếu phẩm khác, tuy nhiên nơi em công tác cách trung tâm huyện 20km, nhiều thứ không có sẵn như tại gia đình. Thêm vào đó, trình độ dân trí ở địa phương lại tương đối thấp so với các vùng khác trong tỉnh…” – Lệ nhớ lại.
Những khác biệt về môi trường sống, phong tục, tập quán, thời tiết khắc nghiệt, nhất là kinh nghiệm làm việc còn hạn chế tưởng chừng là rào cản để Lệ cứ loay hoay là một “cán bộ học việc”. Nhưng những bỡ ngỡ ban đầu sớm qua đi trong sự dìu dắt của những người đi trước. Chỉ sau một thời gian ngắn nhập cuộc, Lệ không ngần ngại xắn quần lội ruộng cùng bà con, sẵn sàng xuống cơ sở cùng các trưởng xóm tham gia điều tra kinh tế xã hội, dân số, nhà ở; điều tra bảo hiểm y tế, vận động tuyển quân… Dù ở đâu, làm công việc gì người ta cũng thấy nguồn năng lượng tích cực từ cô gái trẻ này.
Đáng nhớ hơn cả, thời điểm đó xã còn thiếu 2 chức danh công chức Tư pháp-Hộ tịch nên ban đầu Lệ phải đảm nhiệm cả 2 mảng. Do thiếu hiểu biết pháp luật, rất nhiều người dân còn thiếu các loại giấy tờ tùy thân, đặc biệt người dân thường đăng ký khai sinh muộn… Điều đó khiến công việc của cán bộ Tư pháp – Hộ tịch như Lệ thêm vất vả. Lúc này, bên cạnh chuyên môn vững vàng, Lệ còn thể hiện được sự cẩn trọng, tỉ mỉ và kiên trì khi hướng dẫn người dân hoàn thiện các loại giấy tờ. Nhằm giúp bà con nắm rõ những quy định của pháp luật, Lệ thường lồng ghép tuyên truyền pháp luật tại các buổi họp khu dân cư với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Nhờ đó đến nay khả năng tiếp cận pháp luật của bà con được cải thiện, đồng thời các thủ tục liên quan đến tư pháp, hộ tịch trên địa bàn đều được giải quyết nhanh gọn hơn. Ngoài ra, với thế mạnh về công nghệ thông tin Lệ đã truyền đạt lại cho các cán bộ, công chức của UBND xã giúp họ triển khai công việc dễ dàng, thuận tiện hơn.
Phong cách làm việc chuyên nghiệp cùng sự nhiệt tình, tâm huyết của Lệ đã góp phần mang lại làn gió mới cho hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tháng 6/2020, Lệ được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2020-2025; sau đó được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn xã và giữ chức danh Bí thư Đoàn xã.
Không chỉ có được sự trưởng thành trong công việc, quãng thời gian công tác tại vùng biển Kim Sơn còn mang đến cho Lệ một mái ấm, giúp cô vững tin, yên tâm gắn bó dài lâu với mảnh đất này. Lệ đã bén duyên với anh Nguyễn Văn Thi, công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Kim Trung và cũng về đây theo Đề án 500. Cũng giống như người vợ của mình, hơn 5 năm công tác ở vùng bãi ngang, Thi đã ghi nhiều dấu ấn khi mạnh dạn tham mưu cho UBND xã xây dựng và hệ thống hóa lại tủ sách pháp luật ở tất cả các xóm trên địa bàn; trực tiếp biên soạn tài liệu và tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đặc biệt, anh Thi đã tham mưu xây dựng và tham gia tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình “chính quyền thân thiện của nhân dân” với việc xây dựng Ngày không viết, không hẹn. Theo đó, cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sắp xếp mỗi tuần thực hiện một buổi viết hộ tờ khai các lĩnh vực tư pháp-hộ tịch, tài nguyên-môi trường, người dân chỉ việc cung cấp thông tin, giấy tờ và ký tên, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết và trả kết quả cho công dân, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần… Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng mang đến diện mạo mới cho công tác cải cách hành chính của xã Kim Trung thời gian qua.
Có thể thấy, mặc dù các trí thức trẻ không phải người địa phương nhưng đã gắn bó và tham mưu đắc lực trên nhiều lĩnh vực từ cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, triển khai các mô hình phát triển kinh tế – xã hội… cho những vùng đất khó. Đây cũng chính là cơ hội để đem “lửa thử vàng”, kiểm nghiệm năng lực, trình độ của đội ngũ trí thức trẻ, từ đó bồi dưỡng nguồn cán bộ phục vụ quá trình phát triển của quê hương.
Nguồn: Báo Ninh Bình