Dương Thị Thảo: Nữ sinh đam mê nghiên cứu khoa học
- 25/01/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 1444
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên dù điều kiện học tập còn khó khăn, thiếu thốn nhưng ngay từ khi còn nhỏ, Dương Thị Thảo đã mong muốn được thỏa sức sáng tạo, nghiên cứu khoa học.
Nhằm hiện thực hóa ước mơ của mình, Thảo luôn cố gắng, chăm chỉ học tập và thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Khoa Cơ khí.
Trở thành sinh viên Cơ khí, Thảo khiến nhiều người lo ngại khi đây là một ngành học vất vả, kiến thức nặng cũng như phải làm việc, học tập với nhiều máy móc cồng kềnh. Nhưng hiện nay, lĩnh vực cơ khí đã tiến dần đến tự động hóa với công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại. Kỹ sư đóng vai trò tính toán, thiết kế, điều khiển, vận hành quá trình sản xuất từ xa thông qua máy tính. Môi trường làm việc an toàn, thân thiện, sử dụng chất xám là chính.
“Ban đầu, em cũng có chút lo lắng vì trong lớp đa phần là các bạn nam, nhiều bạn có điểm thi đầu vào rất cao. Tuy nhiên, em nhanh chóng thích nghi, dần quen với môi trường học tập, rèn luyện và bị cuốn hút bởi nền nếp học tập nghiêm túc, những bài giảng chuyên sâu cũng như các hoạt động phong trào sôi nổi của khoa và nhà trường. Nghiên cứu khoa học và khát khao sáng tạo đã thôi thúc bản thân em phải nghiêm túc rèn luyện, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và các kỹ năng cần thiết”, Thảo cho biết.
Dù vậy, Thảo cũng gặp nhiều khó khăn khi làm thực hành các môn về xưởng rèn, phay, tiện, bào… đòi hỏi sức khỏe, vóc dáng cao lớn như các bạn nam. Nhưng không vì thế mà Thảo lùi bước, nữ sinh viên trẻ nỗ lực nhiều hơn, chăm chỉ hơn khi học tập trên lớp cũng như trao đổi, học hỏi thêm từ bạn bè.
Cùng với đó, Thảo và các bạn cũng đã nghiên cứu, thực hiện nhiều dự án khoa học. Trong đó, đề tài “Hệ thống điện mặt trời thông minh” giải quyết một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường và phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái do các nhà máy thủy điện, nhiệt điện gây ra nhận được sự đánh giá cao của thầy cô và giới chuyên môn. Hệ thống còn có thêm tính năng thông minh điều chỉnh hướng để thu được nhiều ánh sáng nhất qua đó tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, ít phải bảo dưỡng và không gây tiếng ồn…
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều biến động trên toàn thế giới, Thảo cùng nhóm đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị đo thân nhiệt kết hợp máy rửa tay sát khuẩn tự động nhằm phục vụ cho công tác phòng dịch. Máy do nhóm thiết kế đã được tặng cho hơn 30 trường THPT trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
Trong quá trình học tập tại trường, Thảo luôn là một trong những sinh viên tiêu biểu với những thành tích đáng ngưỡng mộ. Năm 2019, cô đã giành giải Nhất phần thi thí nghiệm cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc; năm 2021 đoạt giải Nhì và giải 3 nội dung trắc nghiệm và giải bài tập; giải Nhì môn Nguyên lý máy trong kỳ thi Olympic Cơ học cấp trường; liên tiếp đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc với điểm trung bình là 3,66; được tuyên dương sinh viên tiên tiến làm theo lời Bác. Mới đây nhất, Thảo là một trong 7 sinh viên Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương và là sinh viên duy nhất của trường giành Giải thưởng Sao Tháng Giêng – Giải thưởng cao quý của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam dành cho những sinh viên xuất sắc trong học tập, rèn luyện, trong hoạt động Đoàn – Hội, hoạt động vì cộng đồng.
Không chỉ học tập, nghiên cứu chăm chỉ, Thảo cũng là một sinh viên thường xuyên tham gia hoạt động đoàn, sinh viên tình nguyện cũng như các hoạt động xã hội. Với những thành tích và đóng góp của mình, tháng 8/2021, Thảo đã vinh dự được kết nạp Ðảng tại Chi bộ Phòng Công tác Học sinh, Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên).
Đặc biệt, Dương Thị Thảo cũng là một trong những thành viên tích cực của Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương tỉnh Thái Nguyên khi thường xuyên tham gia các hoạt động chung của Dòng tộc.
Dương Hòa