Dương Thị Tuyết – Chủ tịch Hợp tác xã người Dao khát khao định danh cho sản phẩm nông nghiệp
- 27/07/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 599
Gắn bó với nghề nông từ khi còn rất trẻ, chị Dương Thị Tuyết (33 tuổi, dân tộc Dao, trú tại xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, Phú Thọ) hơn ai hết thấu hiểu những khó khăn khi một sản phẩm nông nghiệp không được dịnh danh – không có thương hiệu thì việc tìm đầu ra và giá cả ổn định sẽ rất bấp bênh. Trước tình cảnh đó, chị đã cùng một số hộ dân trên địa bàn vận động thành lập HTX Nông nghiệp Tổng hợp Tân Phát.
Vận động thành lập hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp
Đồng Thịnh là một xã trung du miền núi, có tới 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Dao…) sinh sống. Với đặc điểm thổ nhưỡng, nơi đây có thế mạnh trồng các loại cây ăn quả, cộng với người dân sở hữu diện tích đất trồng trọt lớn nên xã có tiềm năng để phát triển mô hình kinh tế trang trại. Tuy nhiên với tập quán lâu đời, người dân nơi đây chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt quy mô nhỏ, khiến thu nhập bấp bênh và không ổn định, không tận dụng được hết tiềm năng trong việc phát triển kinh tế.
Nhận thức được tình trạng đó, với tâm thế của một người trẻ dám nghĩ dám làm, chị Tuyết và chồng đã phát triển mô hình kinh tế trang trại vườn – ao – chuồng với quy mô khoảng 4ha. Trong đó, 1ha là ao thả cá, khoảng hơn 2ha là diện tính trồng cây thanh long ruột đỏ và mít Thái, còn lại là diện tích chuồng trại chăn nuôi bò, lợn. Với quy mô đó, mỗi năm mô hình cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng, là một trong số ít mô hình cho hiệu quả kinh tế cao của người dân trên địa bàn.
Qua thực tế gần 10 năm phát triển, chị Tuyết nhận ra những mặt hạn chế khi sản phẩm nông nghiệp làm ra không được định danh, không có nhãn hiệu, không được chứng thực nguồn gốc xuất xứ… thì sẽ rất khó khăn trong việc tìm đầu ra và ổn định về giá cả.
Việc các sản phẩm nông nghiệp như trái thanh long phải bán lẻ tại các điểm chợ trên địa bàn huyện Yên Lập khiến thời gian tiêu thụ kéo dài. Thêm vào đó, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại thanh long khác nhau, việc chưa được định danh sẽ khiến sản phẩm của Đồng Thịnh khó khăn trong cạnh tranh, đặc biệt là về giá cả. Đây cũng là nỗi lo chung của một số hộ phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Trước tình hình đó, vào khoảng tháng 6/2020, chị Tuyết đã kêu gọi một số hộ dân hợp tác thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tổng hợp Tân Phát. “Thành lập HTX để cùng nhau phát triển kinh tế, giao lưu trao đổi hàng hóa với nhau. Những sản phẩm làm ra được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, được tạo điều kiện để tiếp cận những thị trường lớn hơn như Hà Nội chẳng hạn”, chị Tuyết chia sẻ.
Ngày 13/11/2020, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Yên Lập, HTX Nông nghiệp Tổng hợp Tân Phát đã chính thức ra mắt. HTX kinh doanh các ngành nghề chính như: Dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ phân bón, phân hữu cơ, hạt giống, cây con giống. Mục tiêu trước mắt của HTX là ổn định sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các xã viên.
“Với cách làm mới trong canh tác, sản xuất nông nghiệp ở những nơi có diện tích đất phù hợp, chị em phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp không chỉ có thời gian chăm sóc con cái và gia đình, mà còn có thu nhập cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Qua đó nâng cao vai trò, vị trí người phụ nữ vùng dân tộc trong phát triển kinh tế tại địa phương”, bà Chu Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Lập đánh giá.
Khắc phục những trở ngại, hướng tới một tương lai ổn định
Bước đầu tham gia HTX có 14 thành viên, họ là các cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã. Trong số đó, một số thành viên có những mô hình nổi bật như trang trại gà với quy mô khoảng 3.000 con mỗi lứa, trang trại lợn với quy mô vài trăm con. Tuy nhiên đây đều là những mô hình đã được phát triển trong vòng nhiều năm, đòi hỏi vốn lớn nên khó khăn trong việc nhân rộng tới các thành viên còn lại.
Trước tình hình đó, là người có nhiều năm trồng giống cây thanh long ruột đỏ, chị Tuyết nhận thấy, đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất, kể cả đất xấu và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tốt. Chi phí đầu tư không quá cao, người trồng có thể dần dần phát triển quy mô, thông qua việc tự nhân giống từ những cây trồng trước đó.
Đầu tư một lần ban đầu cho thu hoạch từ 15-20 năm mới phải thay thế, sau 18 tháng chăm sóc đúng quy trình cây thanh long sẽ cho ra những trái đầu tiên, mỗi gốc cho thu hoạch từ 6 – 7 đợt quả/năm, trọng lượng mỗi quả đạt từ 0,3 – 0,7kg. Giá trị kinh tế cao, bán lẻ dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.
“Bởi vậy, tôi có trao đổi với các thành viên, những ai có vườn rộng, diện tích đất trồng trọt lớn thì cùng phát triển cây thanh long ruột đỏ. Hướng tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, đây sẽ là sản phẩm chủ lực, có tính chiến lược của HTX”, chị Tuyết bày tỏ. Với hướng đi đó, ban đầu HTX hỗ trợ giống với giá ưu đãi cho các thành viên.
Tuy nhiên, tại cuộc họp thảo luận, đóng góp ý kiến về phát triển giống cây này vẫn chưa được các thành viên thống nhất quan điểm. Họ đều có những quan điểm riêng, mong muốn nghiên cứu xây dựng, trồng những sản phẩm khác nhau. Sau một thời gian vận động, thuyết phục các thành viên đã thống nhất đăng ký cây trồng chủ lực là cây thanh long ruột đỏ.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Thị Việt Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Thịnh cho biết: “Đồng Thịnh cũng đang đăng ký thanh long ruột đỏ là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế trên địa bàn. Cùng với đó, đăng ký thương hiệu, đăng ký chứng nhận là sản phẩm OCOP, được chứng minh nguồn gốc xuất xứ nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm mà HTX sản xuất”.
Rời cuộc trò chuyện, chị Tuyết dẫn chị Hoa và chúng tôi thăm quan mô hình kinh tế trang trại rộng 4ha của gia đình. Phía trên đồi sau nhà trồng khoảng 200 gốc mít Thái Lan, giống mít cho quả quanh năm, hiện giờ nhiều cây đã cho trái. Dưới chân đồi là vườn trồng thanh long ruột đỏ với hơn 1.000 gốc. Cách đó xa xa là hai ao cá, một ao cá nhỏ, ao cá còn lại hình bán nguyệt vòng tới 1/2 diện tích trang trại.
Nhìn vào cơ ngơi có được sau nhiều năm vất vả gây dựng, chị Tuyết không khỏi tự hào kể rằng, gia đình chị cũng vừa chuyển ra ở riêng để tiện cho việc trông nom công việc ở đây. Căn nhà mới được xây dựng khang trang trong khu trang trại, những lớp sơn vừa kịp khô, chuẩn bị cho một khởi đầu mới đầy tươi sáng.
HTX Nông nghiệp Tổng hợp Tân Phát là 1 trong 4 mô hình HTX do hội viên phụ nữ quản lý trên địa bàn huyện Yên Lập. Các mô hình còn lại là: HTX thu gom và xử lý rác thải xã Ngọc Lập; HTX sản xuất và chế biến dược liệu xã Ngọc Lập; Hợp tác xã Nông nghiệp và môi trường Xuân Viên.
Nguồn: Báo Phụ Nữ Việt Nam