Dương Thụ – Người thích “vác tù và hàng tổng”
- 29/05/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 893
“Bộ Tứ sông Hồng” là cụm từ được người ta nhắc tới từ chục năm nay để gọi 4 nhạc sĩ người Bắc được công chúng yêu thích là: Dương Thụ – Nguyễn Cường – Phó Đức Phương – Trần Tiến. Trong đó Trần Tiến ít tuổi nhất, sinh năm 1947, kế đến là Phó Đức Phương (1944) và hai ông Nguyễn Cường, Dương Thụ (đều sinh 1943). Họ gọi nhau bằng biệt danh: Phương “gàn”, Tiến “bụi”, Cường “cuồng nhiệt”, Dương Thụ có thêm tên gọi là gì tôi không nhớ.
Trong loạt bài viết về ‘bộ tứ’ này, tôi đã viết về Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường và nay là Dương Thụ, người có nhiều bài hát được yêu thích, có các ca sĩ hàng đầu ở ta chọn tác phẩm để thể hiện như: Lê Dung, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Bằng Kiều…
Không chỉ nổi tiếng với Họa mi hót trong mưa, Vẫn hát lời tình yêu, Nghe mưa, Bóng tối ly cà phê, Lắng nghe mùa xuân về… Dương Thụ còn nổi tiếng là người thích “vác tù và hàng tổng”, thích quan tâm đến giữ gìn bản sắc văn hóa, đóng góp với cộng đồng – những việc đòi hỏi tốn nhiều công sức.
Điển hình là việc sáng lập ra chuỗi Cà Phê Thứ Bảy (CPTB), một địa chỉ được nhiều người biết đến bởi sự độc đáo, bởi khả năng lan tỏa văn hóa, nơi giới thiệu và quảng bá các loại hình nghệ thuật: âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, điện ảnh, văn học, nơi hội tụ những người ham thích sáng tạo, những tài năng trong mọi lĩnh vực, từ những người trẻ chưa nổi tiếng, đến cả những nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo dục, các chuyên gia công nghệ, kinh tế, những nhà hoạt động môi trường và những văn nghệ sĩ hàng đầu…
Dương Thụ có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau: dạy học, sáng tác âm nhạc, viết tản văn, viết ca từ, thiết kế nội ngoại thất và có cả khả năng đầu tư kinh doanh… Dường như “sản phẩm” nào từ ông cũng xuất sắc. Bạn hãy nhìn các ngôi nhà của vợ chồng ông, nhà của ca sĩ Hồng Nhung, các quán Cà phê thứ Bảy… đẹp và tiện nghi trong một cảnh quan thơ mộng đều do một tay Dương Thụ thiết kế, chỉ đạo thi công sẽ thấy ông có khả năng vượt trội của một kiến trúc sư, một họa sĩ cảnh quan…
Dương Thụ sinh ra ở Ứng Hòa, Hà Nội, thuộc tộc họ Dương danh giá có hai cụ cố đỗ Tiến sĩ triều Nguyễn và làm quan nhà Nguyễn là Dương Khuê và Dương Lâm. Là cháu họ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Giáo sư Tiến sĩ Dương Thiệu Tống, năm cấp 3, Dương Thụ đã học piano với gia đình nghệ sĩ Thái Thị Sâm. Sau đó Dương Thụ học nhạc sĩ Nguyễn Xinh và coi Nguyễn Xinh là thày sáng tác đầu tiên. Cũng trong năm 1965, Dương Thụ đỗ vào khoa sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam nhưng lý lịch gia đình địa chủ cũng làm Dương Thụ muôn đường vất vả…
Ngay từ hồi đó các ông Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường những người cùng tuổi đã biết và chơi với nhau dù Trần Tiến ít hơn 3 tuổi… Dương Thụ khác mấy ông trong bộ tứ ở sự nhỏ nhẹ, nho nhã, hơi có chút vòng vèo khi nói chuyện, dường như thể che bớt cái ông thực nghĩ, nếu đó là một điều khó chịu. Đồng thời với say mê âm nhạc Dương Thụ quan tâm và hiểu biết sâu về văn chương, triết học, hội họa… Điểm khác nữa là ông hay nghĩ và khởi xướng ra nhiều chương trình để lại dấu ấn như Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam, Salon văn hóa Cà phê Thứ Bảy….
Ngoài ra, Dương Thụ còn làm album cho ca sĩ, cho đồng nghiệp, cho bản thân; làm giám đốc nghệ thuật và biên tập cho các chương trình nghệ thuật của chính mình. Đôi khi Dương Thụ nhận hợp đồng viết nhạc cho đoàn văn công nào đó để đi hội diễn, hoặc hợp đồng viết nhạc phim hay nhạc quảng cáo.
Tham gia vào các chương trình: Bài hát Việt, nhiều chương trình tác giả, tác phẩm… nhưng Dương Thụ bảo: “Sáng tác nhạc là thứ tôi có thể làm được tốt nhất trong khả năng của mình. Sáng tác nhạc là để sống với phần sâu thẳm nhất của tâm hồn mình, để giải phóng năng lượng đã tích tụ, để đi tìm ngôn ngữ biểu đạt riêng, để được mơ, để được yêu thương, để được là chính mình. Nó tự nhiên như ta phải thở. Tôi sáng tác nhạc không vì mục đích xã hội to lớn gì, không để tuyên truyền cho một lý tưởng xã hội nào, không để giáo dục ai. Nếu có, nó chỉ là một sự chia sẻ, đúng hơn là một tiếng nói đi tìm bạn”.
Âm nhạc của Dương Thụ có sức lay động không chỉ với công chúng. Một lần, tại trường quay của VTV, trong chương trình đón giao thừa, tôi thấy lòng rưng rưng khi nghe … “Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường…/ Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé nở/ Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở/ Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa/ Khi anh trông em ung dung bên thềm nhà…“. Hết bài, Nguyễn Cường ngồi cạnh tôi nói: “Anh nghĩ Dương Thụ là người viết hay nhất về mùa xuân em ạ”.
Là thành viên của bộ tứ, cùng bộ tứ có mặt trong liveshow của Tùng Dương năm 2018, Dương Thụ một lần nữa khiến cho khán giả Hà Nội thêm yêu mến với tác phẩm và những lời tự sự của mình. Nhưng phải nói đến Dương Thụ với các “Cửa sổ âm nhạc” vào hồi 2019 ở cả 2 thành phố lớn (HN, TP.HCM) là liveshow thứ 4. Một chương trình hội tụ những: Bằng Kiều, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trần Nguyễn Minh Đức, nhóm Con Gái… Ông đã đầu tư mạnh về dàn nhạc với Sơn Thạch Band, Bảo Chấn (piano), Tăng Thành Nam (violin), Hồng Thủy (cello), Vũ Nguyễn (contrabass) và tại Hà Nội: Quốc Trung (piano), Trần Thị Mơ (cello), Xuân Huy (violon)… đã đem lại thành công lớn.
Nói đến âm nhạc và những người làm âm nhạc hiện nay ngoài tình bạn trong bộ tứ, người ta thường thấy Dương Thụ nhắc đến các nhạc sĩ: Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Trần Mạnh Hùng, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Võ Thiện Thanh, Lưu Hà An, Nguyễn Đức Cường, Sa Huỳnh, Dương Cầm… mỗi người mỗi vẻ với sự nể trọng và yêu mến. Cũng như ông thường nhắc đến các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương, Bằng Kiều, Nguyên Thảo, Uyên Linh, Hà Linh, Trần Nguyễn Minh Đức… Họ là những người hát tác phẩm của ông, coi Dương Thụ như người thày như bậc cha chú và cộng tác trong các chương trình của ông…
Có lẽ bây giờ gắn bó nhất với Dương Thụ là Cà phê thứ bảy, được tạo dựng từ hồi 2009. Người sáng lập cũng là người điều hành, thiết kế nội dung đồng thời nhiều khi ông cũng là diễn giả. Với sức đọc lớn, khả năng quan sát tinh tế, tri thức rộng cộng với một khát khao đồng hành và nâng cao dân trí, gìn giữ tinh hoa… Dương Thụ mong muốn đóng góp vào văn hóa nước nhà…
Trong hơn 10 năm Cà phê thứ bảy đã thực hiện được gần 1000 buổi kết nối, sinh hoạt văn hóa với nhiều chủ đề khác nhau, cho thấy một xã hội tôn trọng văn hóa đang hình thành, xã hội mà những người ưu tú đã tìm đến nhau, đã cùng nhau ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước…
Rời Hà Nội vào sống tại TP.HCM đã hơn 40 năm, có lẽ Dương Thụ đã kết hợp nhuần nhuyễn, tổng hòa thành công cái chất lãng mạn Hà Thành và chất thực dụng – thực tế của người Sài Gòn.
Không chỉ đặt tên tuổi của mình trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, Dương Thụ còn thành công ở đời sống thường nhật với một mức sống phong phú, sở hữu một ngôi nhà ở thành phố và một ở vùng quê Bắc Ninh, điều mà trong bộ tứ có lẽ ông đứng đầu bảng hoặc ngang Trần Tiến…
Ở tuổi U80 Dương Thụ không còn đi xe máy phân khối lớn như mươi năm trước, mỗi khi di chuyển hoặc ông tự lái xe hoặc ông ngồi sau tay lái của người vợ trẻ. Phạm Thị Thu Thủy là nhà báo nhưng là người mê ôtô, thậm chí là ‘chuyên gia’ am hiểu về ô tô.
Hai vợ chồng có cùng một sở thích khám phá thế giới, năm nào họ cũng đi du lịch và chọn cách phượt bằng ô tô thuê tại địa phương. Họ đi mọi nẻo đường thế giới với Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Nhật… Cả hai đều ưa một cuộc sống làm việc thật nhiều và cũng nhiều hưởng thụ… Họ cùng nhau hát lời tình yêu trong cuộc đời muôn màu muôn vẻ này.
Nguồn: Vietnamnet