Dương Thùy Lương: Cô gái tạo vị thế cho các sản phẩm nông nghiệp sạch của quê hương
- 18/06/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 599
Gác tấm bằng thạc sĩ và công việc tại Hà Nội, cô gái dân tộc Nùng Dương Thùy Lương quay trở về quê hương La Hiên, Võ Nhãi, Thái Nguyên khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Dám nghĩ, dám làm, cô gái trẻ đã đưa những sản phẩm nông nghiệp của quê hương “cất cánh”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên, cô gái trẻ Dương Thùy Lương biết rõ quê hương mình có lợi thế với những sản phẩm nông nghiệp sạch. Mặc dù vậy sản phẩm của bà con nông dân làm ra chưa được nhiều người biết tới, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Thời gian làm việc ở thành phố, Thùy Lương hiểu rõ, nhu cầu đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ rang là rất lớn, Chính vì vậy, Thùy Lương ấp ủ mơ ước làm nông nghiệp sạch để mang những sản phẩm chất lượng đến cho người tiêu dùng và giúp bà con nông dân tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Năm 2019, Dương Thùy Lương thành lập HTX nông sản sạch La Hiên với 7 thành viên và 100 hộ nông dân liên kết do chính cô làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Hợp tác xã sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương như mật ong, nấm, rượu men lá La Hiên, ớt…, trong đó mật ong đang được Hợp tác xã xác định đưa vào sản phẩm chủ lực, phát triển mạnh để mang lại nguồn thu lớn cho hợp tác xã và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Hiện nay hợp tác xã có 30 hộ nuôi ong, trong đó có 10 hộ tham gia Tổ hợp tác với hơn 1.000 thùng ong, cung cấp cho thị trường trung bình khoảng 10 tấn mật ong/năm, có năm lên tới 20 tấn mật. Đây cũng là sản phẩm được hợp tác xã lựa chọn chuẩn bị đưa đi dự thi OCOP cấp tỉnh trong năm nay.
Thùy Lương hiểu rất rõ, có nhiều nơi sản xuất mật ong, nên để biến sản phẩm này thành chủ lực, mang lại nguồn thu lớn thì phải tạo được lợi thế cho sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm mật ong La Hiên được dán tem nhãn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tạo sự yên tâm, tin tưởng của khách hàng vào sản phẩm. Lợi thế nữa của mật ong La Hiên là được nuôi ở vùng có nhiều cây dược liệu nên mật có chất lượng tốt hơn. Để tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng, Thùy Lương cũng hướng tới việc chế biến, đóng gói thành những sản phẩm tiện lợi và kết hợp với các dược liệu như gừng, trà…, chế biến thành những sản phẩm bồi bổ cho sức khỏe. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng hướng tới việc bảo vệ, thân thiện với môi trường nên sản phẩm mật ong được đóng trong chai thủy tinh và giỏ tre để xách.
Cùng với việc sản xuất mật ong, Hợp tác xã cũng nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm mật ong nhãn đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và kỹ thuật được hợp tác xã hướng dẫn cho nông dân trong vùng với giá 100.000 đồng/lít. Trước khi tham gia HTX và chưa có mã vạch, sản phẩm mật ong nhãn ở đây bán ra thị trường với giá 150.000 đồng – 200.000 đồng/lít. Từ khi tham gia HTX đến nay, nhất là từ khi sản phẩm được lựa chọn để tham gia OCOP, giá trị đã nâng lên khá nhiều, có thể bán với giá 300.000 đồng/lít.
Không chỉ nhận bao tiêu mật ong, Thùy Lương cam kết bao tiêu cho bà con sản phẩm ớt và rượu men lá. Thùy Lương thực hiện việc cung cấp giống ớt và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 8.000 đồng/kg, bất kể giá thị trường có dao động. Hiện có 50 hộ dân tham gia trồng ớt với tổng diện tích khoảng 7ha. Thời gian tới, Lương sẽ mở rộng quy mô trồng và sản xuất thêm 20ha tại Bắc Kạn. Thùy Lương cho biết, ớt là cây tương đối dễ trồng cho thu nhập khá cao, khoảng 20 triệu đồng/sào (360m2), thậm chí nếu ở thời điểm giá cao lên tới 30 triệu đồng/sào nên rất thích hợp để người nông dân lựa chọn làm cây trồng để phát triển kinh tế.
Riêng với sản phẩm nấm, hiện mới chỉ sản xuất trong quy mô hợp tác xã, chưa đưa vào sản xuất trong các hộ nông dân bởi đây là sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật và đầu tư công nghệ cao. HTX cũng chỉ thực hiện sản xuất nấm ở khâu gia công, tưới nước, chăm sóc và thu hoạch, đơn vị liên kết cung cấp giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện hợp tác xã có 500m2 nhà xưởng dành cho sản xuất nấm. Từ năm 2021 đến nay, hợp tác xã thu hoạch được 4 – 5 tấn nấm, đem lại doanh thu khoảng 200 – 300 triệu đồng.
Dám nghĩ, dám làm cộng với sự nhạy bén đã giúp Thùy Lương khởi nghiệp thành công trên chính quê hương mình. Những thành công của Thùy Lương tuy mới chỉ là bước đầu nhưng đã trở thành tấm gương để nhiều đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ về con đường lập thân, lập nghiệp. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo ra chỗ đứng trên thị trưởng cho các sản phẩm của địa phương, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Dương Thủy Dịu