Dương Thúy Vi – cô gái họ Dương xinh đẹp và tài năng
- 10/04/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 5411
Cô gái 21 tuổi (sinh 11/5/1993) người Hà Đông từng giành rất nhiều huy chương ở các giải Đông Nam Á, giải trẻ châu Á, trẻ thế giới, đại hội thể thao châu Á trong nhà… Tuy nhiên chiếc HCV ASIAD lần này mới chính là thành tích đáng nể trong sự nghiệp của Thúy Vi.
Trong bộ sưu tập của mình, Thúy Vi đã có được gần 60 huy chương các loại. Trong đó đáng kể nhất vẫn là HCV giải trẻ Thế giới, HCV giải trẻ châu Á, HCV Asian Indoor Games, HCV Đại hội TQ, HCV giải trẻ TQ, HCV Liên hoan võ thuật truyền thống Thế giới.
Ngoạn mục vì màu cờ, sắc áo
“Bóng hồng” wushu được bạn bè đặt cho biệt danh “Vi tỏi” (Vi thường búi tóc đằng sau hình củ tỏi). Ít ai ngờ, cô gái có làn da trắng, mảnh dẻ, xinh xắn ấy lại có sức chịu đựng những thử thách khủng khiếp của nghiệp võ và áp lực ghê gớm của những đấu trường lớn.
Gặp nữ võ sĩ Dương Thúy Vi ngoài đời, khó ai có thể nhận ra cô gái mảnh dẻ ấy mới đây đã mang vinh quang cho màu cờ Tổ Quốc khi giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn Việt Nam khi tham dự ASIAD 17. Vi đã giải “cơn khát vàng” sau 24 năm chờ đợi mòn mỏi của làng wushu Việt Nam với nhiều thăng trầm.
Dương Thuý Vi chia sẻ: “Chính tâm lý thoải mái không chịu áp lực đã giúp Vi thực hiện hoàn hảo bài thi của mình. Và hơn hết, trên thảm đấu Vi và đồng đội đang khoác lên màu cờ, sắc áo của đội tuyển Việt Nam”.
Chính vì vậy, trong bảng thành tích, Vi đã tỏa sáng đúng nghĩa của một tài năng và sự may mắn vây quanh. Có thể Vi không xuất sắc hơn Phương Lan, Mỹ Đức, Mai Phương và đặc biệt Thúy Hiền, song có một điều mà các đàn chị chẳng thể có được: Sự lựa chọn kỳ lạ của lịch sử và chính cô khó có thể phủ nhận. Bởi trước đó, Dương Thúy Vi là cái tên ít được nhắc đến trong số những VĐV có khả năng đoạt HCV ASIAD 2014.
Tuy nhiên, giới chuyên môn đã nhắm đến cô gái Hà Nội này khi biết nội dung này không có võ sĩ Trung Quốc. Và Thúy Vi đã sẵn sàng thể hiện bài thi xuất sắc trong cả hai bài thi Kiếm thuật và Thương thuật. Ở phần thi Kiếm thuật, võ sĩ Dương Thúy Vi đã dẫn đầu với 9,71 điểm. Sang phần thi Thương thuật, Dương Thúy Vi lại thi đấu xuất sắc, ổn định để dẫn đầu với 9,70 điểm, qua đó giành tổng số điểm 19,41 điểm.
Với tổng số điểm chỉ nhỉnh hơn đối thủ nặng ký Li Yi (MaCau) là 0,02 điểm nhưng chiến thắng sít sao đã giúp Dương Thúy Vi giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại Á vận hội 2014. Chiến thắng này đã thay đổi “số phận” của làng wushu Việt Nam trong suốt 24 năm mòn mỏi chờ đợi tấm HCV danh giá.
Khi mà wushu Việt Nam vốn sản sinh không ít nhà vô địch thế giới như Nguyễn Thúy Hiền, Đàm Thanh Xuân, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Thanh Tùng… song chưa bao giờ lên ngôi ở nội dung quyền biểu diễn và tán thủ tại Á vận hội. Cuối cùng, Vi đã làm được điều ấy.
“Sau khi dẫn đầu ở nội dung đầu tiên, tôi cũng cảm thấy đôi chút áp lực. Tôi nghĩ nếu không cố gắng hơn nữa, công sức luyện tập cả năm và cả bài thi buổi sáng chẳng còn ý nghĩa. Hơn nữa, lúc này tôi không phải thi đấu cho bản thân mà đang khoác lên màu cờ của Tổ Quốc nên tôi cố gắng phát huy thế mạnh hơn cả lúc tập luyện và giữ tâm lý vững vàng để có bài thi tốt nhất. Và tôi rất mừng khi mình đã vượt lên chính mình để có thành tích cao nhất”, Thúy Vi chia sẻ.
“Tiểu thư” lì lợm nhưng “mít ướt”
Ở nhà, Vi là “tiểu thư” con một. Trong mắt bố mẹ, Vi rất cá tính, đôi khi ương bướng, bản lĩnh đến lì lợm nhưng cũng rất tình cảm và khóc nhè khi gặp ấm ức. Mạnh mẽ là vậy nhưng Vi vẫn có những sở thích nữ tính. Cô thích sưu tầm thú bông, giày, ham đọc sách và có sở trường vẽ hoạt hình.
Dương Thúy Vi sớm bén duyên làng võ từ năm 8 tuổi nhưng chỉ là đi cùng người anh trai bên họ hàng tập luyện wushu nhằm rèn luyện sức khỏe và thấy thích chứ không có mục tiêu trở thành võ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng thời gian gắn bó được khoảng 2 năm, nhận thấy tố chất của Thúy Vi, người thầy đã gửi cô sang Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội tập luyện.
Do được tập luyện một cách bài bản, chuyên nghiệp, cùng với tố chất sẵn có, Thúy Vi tiến bộ lên rõ rệt. Ngày ngày, buổi sáng Thúy Vi đi học văn hóa như các bạn cùng trang lứa, buổi tối được bố hoặc mẹ chở đi học võ. Thế là từ yêu thích, Thúy Vi đam mê môn wushu từ lúc nào không hay. Nhưng cũng chính từ lúc yêu thích wushu, Thúy Vi bị gia đình phản đối quyết liệt.
Vì bố mẹ chỉ có mỗi mình Thúy Vi nên khi biết cô con gái rượu của mình đặt mục tiêu trở thành võ sĩ chuyên nghiệp, họ nhất mực phản đối dù cô có cầu xin bằng mọi giá. Nhưng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, tính cách bướng bỉnh, lì lợm của Thúy Vi đã khiến bố mẹ cô phải xiêu lòng và chiều theo ý thích của cô con gái.
Có được “bệ phóng” từ người bố là võ sĩ Thiếu Lâm Dương Văn Thắng, mẹ là cựu võ sĩ Vịnh Xuân Quyền Nguyễn Thị Hoa ủng hộ, cùng với điểm tựa là ý chí và khổ luyện hơn người, Thúy Vi đã ghi tên mình vào bảng thành tích. Tên tuổi Dương Thúy Vi thực sự được nhiều người biết đến chỉ đến khi cô nhận tấm HCV tại Á vận hội 2014 mà cách đó 3 năm, Thúy Vi hãy còn là một võ sĩ vô danh.
Thậm chí, cô gái Hà thành đã khởi đầu sự nghiệp quốc tế với một thất bại đáng quên tạiSEA Games 2009 khi đứng cuối trong số 6 võ sĩ dự tranh nội dung Thương thuật. SEA Games 2011 tại đất nước Indonesia, dù có bước tiến vượt bậc so với chính mình, Thúy Vi vẫn chỉ có thể về nhì Đao thuật.
Tưởng như Thúy Vi sẽ mãi chấp nhận đóng vai phụ nhưng cô gái SN 1993 đã có “cú ngược dòng” ngoạn mục khi có tấm HCV tại ASIAD 2014, hiện thực hóa “giấc mơ vàng” của làng wushu Việt Nam sau nhiều năm chờ đợi kể từ năm 1990.
Ít ai biết rằng, cô gái 21 tuổi giắt túi gần 60 tấm huy chương các loại, từ giải khu vực đến châu lục như HCV Giải trẻ Thế giới, Giải trẻ Châu Á, Asian Indoor Games… Nhưng thời hoàng kim nhất là bắt đầu từ năm 2013, Thúy Vi đạt được tấm HCV Thương thuật tại Giải vô địch thế giới, cùng đó là 1 HCB và 1 HCĐ.
Trong lần tham dự này, cô gái Dương Thúy Vi đã mang đến một hình ảnh mới của võ sĩ đẳng cấp với bài thi có độ khó, sự toàn diện cực cao và đầy thần thái. Bất ngờ hơn chỉ sau đúng 1 tháng, Thúy Vi lại tiếp tục lên ngôi cao nhất tại Games 2013, HCV nội dung Kiếm thuật.
Và cú hat-trick HCV cũng là tấm HCV quý, khó nhất trong sự chờ đợi vô vọng của làng wushu Việt Nam mà Thúy Vi từng chia sẻ trước khi lên đường sang Incheon, Hàn Quốc là chỉ mong có thêm tấm HCV ASIAD nữa là trọn bộ sưu tập hoàn hảo và cuối cùng cô đã làm được.
Có được những thắng lợi trên đấu trường thể thao thế giới, nhưng Thúy Vi chia sẻ rằng sẽ không “ngủ quên” trên chiến thắng, hàng ngày Thúy Vi vẫn lên lớp tập luyện, cô bảo nghỉ một buổi là thấy nhớ, thấy buồn chân tay và chính Wushu chọn mình và đã ngấm vào máu nên Vi không bỏ được.
Có một điều kỳ lạ là theo chia sẻ của cô gái vàng của làng wushu Việt Nam là cô từng có ước mơ làm phi công. Bởi cô thích được tự do bay trên bầu trời bao la, nhưng ước mơ sớm vỡ vụn khi võ sĩ họ Dương đã thực hiện chuyến bay bổng trên thảm đấu từ môn Wushu.
Đó là vào năm 2008, Vi dính hàng loạt chấn thương ở chân, nặng nhất là đầu gối bị giãn khiến võ sĩ trẻ gần như lúc nào cũng đi tập tễnh, tập luyện thi đấu trong tình cảnh nén đau. Thương con, bố mẹ khuyên cô con gái giải nghệ sớm.
Trước áp lực từ mọi phía, Vi từng nghĩ đến chuyện này khi mà hồi đó chưa có nhiều thành tích. Nhưng may mắn sớm trở lại khi ý chí và khổ luyện hơn người trước mọi gian khó đã giúp cô chiến thắng chính “số phận”. Dương Thúy Vi chia sẻ, đàn chị Nguyễn Thúy Hiền chính là nguồn cảm hứng để Thúy Vi gắn bó với wushu.
“Trên thảm đấu, Vi là cô gái luôn tạo tâm lý tự tin và thể hiện bài thi có cái “chất riêng” của chính mình, vừa kết hợp nhuần nhuyễn bài thi, vừa phải diễn xuất sao có hồn và linh hoạt, và cô ví mình như một diễn viên phải diễn tròn vai trên sân khấu, đó chính là bí quyết giúp Vi thành công”, Thúy Vi cười giản dị.
Cá tính, độc lập và mạnh mẽ
Vi độc lập và mạnh mẽ từ khi còn nhỏ: “Chỉ ba ngày sau sinh nhật một tuổi của nó, tôi gửi nó đi trẻ từ đó cho đến khi 5-6 tuổi, không bao giờ phải nghe cô giáo phàn nàn gì. Vi rất ngoan” – Cô Hoa kể. Lên 8 tuổi, Vi đã đạp xe từ nhà ở Triều Khúc vào nhà thi đấu ở Hà Đông cách đó chừng 7 cây số để tập luyện, nắng cũng như mưa. Lớn lên một chút, quãng 12-13 tuổi, Vi cũng một mình đi xe bus: “Lắm lúc nó tập mệt quá ngủ quên trên xe, đi quá một bến, thế là lúc tỉnh dậy cũng không gọi ai, lặng lẽ đi bộ về bến cũ.”
Mẹ Vi còn nhớ một lần bị xử ép ở một giải quốc tế, em còn tranh luận với lãnh đạo đoàn TTVN rằng không hiểu mình thi đấu tốt vậy, làm sao lại thua. Khi Vi tập bị kiếm sượt vào mắt, cũng chẳng nói chẳng rằng, về mới kể với mẹ. Một lần đi tập huấn bên Trung Quốc, em bị ngộ độc đúng ngày sinh nhật mẹ, nhưng sợ cô Hoa lo lắng, cũng không dám nói gì: “Nó đi viện, xong về mới kể là bị ngộ độc. Nó còn gọi điện chúc mừng sinh nhật tôi.”
“Tôi còn nhớ hồi nó khoảng 5-6 tuổi, ngồi ăn cơm, tôi bảo nó ‘con ngồi ăn thì ngồi thẳng lên’, nó không nghe, thế là tôi vụt Vi mấy roi. Bố xót con bế Vi lên chạy ra ngoài, nhưng nó lại tụt xuống, chạy vào… ăn đòn tiếp.” – Cô Hoa kể lại, miệng cười, nhưng mắt thì ngấn nước.
Cá tính không thể lay chuyển ấy theo Vi đến tận bây giờ. Wushu là một môn tương đối giàu thử thách, vì các em phải tập trung tập luyện từ khi còn nhỏ, không được gia đình bao bọc như phần lớn các bạn cùng trang lứa: “Tôi cứ phải dõi theo con luôn, vì chỉ sợ nó bị tự kỷ. Lắm lúc không tập thì cũng không đi ra ngoài, chỉ ngủ lì trong phòng.” Nhưng với Vi, đó là đam mê vô điều kiện: “Tôi hỏi nó là cứ thế này thì đến khi nào con mới nghỉ? Nó bảo ‘con cứ đánh tiếp rồi tính mẹ ạ.”
Đôi lúc Vi cũng cảm thấy Wushu chưa bao giờ khó khăn đến thế: “Chấn thương, rồi đôi lúc thấy bất công, tôi nói nghỉ rồi có lúc nó cũng xuôi, cũng kể là muốn đi du học. Nhưng rồi lại lao vào tập luyện.” – Cô Hoa kể. Vi cứ ngã, và tự đứng lên như vậy.
Một ngày trước khi bước lên bục huy chương, Vi ngồi khóc rấm rứt vì chấn thương đầu gối trong buổi tập: “Nhìn rõ cả vết bầm, tôi thấy con khóc, xót lắm” – Cô Hoa hơi ngập ngừng. Nhưng rồi Vi vẫn hoàn thành xuất sắc bài quyền. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của em, ít ai nghĩ hành trình của tấm huy chương Vàng đầu tiên củaTTVN tại SEA Games lại gian nan, và nhiều sự hy sinh đến thế.
Theo cytast.vn