Ngay từ khi còn bé, Tiến Đạt đã tiếp xúc với nghệ thuật qua việc làm thành viên một nhóm hát trong thánh lễ của nhà thờ địa phương. Đồng thời, Đạt được tham gia các cuộc thi cấp huyện, tỉnh và đó là giây phút Đạt nhận ra “âm nhạc là nghề” của mình sau này. “Mình mê nhạc đến mức đã bán xe máy, chấp nhận đi xe bus để mua loa, đàn và máy tính rồi tự mày mò mọi thứ”, Đạt chia sẻ về con đường đến với âm nhạc của mình.
Nhìn lại những kỷ niệm với nhạc cụ, Đạt Real tâm sự: “Mình được mọi người biết tới đầu tiên là nhờ cây sáo. Năm lớp 8, mình có tìm tòi học sáo. Lúc đấy, ở quê, cây nứa cây trúc cũng nhiều, nên mình học luôn cách làm sáo và bán cho bạn bè. Đến những năm THPT thì mình thổi sáo tròn trĩnh hơn và cùng các bạn lập ra một ban nhạc nhỏ, nhận được sự ủng hộ của nhiều người”.
Chỉ biết thổi sáo thì chưa đủ, Đạt tìm đến và đầu tư cho các loại nhạc cụ phức tạp hơn như trống, guitar, piano. Bằng tư duy tốt và sự nhanh nhẹn, Đạt đã có thể sử dụng thành thạo chúng trong thời gian ngắn để phục vụ cho công việc sau này.
Sau khoảng 3 tháng tự mày mò và học hỏi anh em bạn bè trong giới, Đạt đã có công việc đầu tiên là hoà âm phối khí cho bài hát của một nhóm thiện nguyện. Việc hoàn thành tốt “thử thách” này giúp Đạt củng cố niềm tin rằng mình sẽ chứng minh được khả năng và có thể mưu sinh từ đam mê.
Nỗ lực trau dồi từng ngày, hiện tại công việc của Tiến Đạt không dừng lại ở phối beat. Song song với đi học tại Nhạc viện, Đạt trở thành một nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp, người dạy nhạc lý, làm chủ một lớp đàn ở TP. Thủ Đức (TP. HCM). Thành tích của Đạt có thể kể đến ca khúc Thiên tình sầu hoà âm phối khí và thu âm đạt gần 2,5 triệu lượt xem trên YouTube, xếp hạng 7 trên Zingchart trong tuần đầu tiên ra mắt. Đạt cho biết, mình đang hợp tác với một số công ty âm nhạc và sáng tác độc quyền cho nhiều nghệ sĩ.
Nguồn: Sinh viên Việt Nam – Báo Tiền Phong