Dương Tự Minh với công cuộc bảo vệ biên giới
- 17/08/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 10689
Nhằm củng cố khối đoàn kết dân tộc và bảo vệ quốc gia thống nhất, vương triều Lý đã thi hành nhiều chính sách tích cực đối với các dân tộc thiểu số và đã thu được hiệu quả đáng kể. Cụm từ “Nhu viễn” (tức là mềm mỏng đối với phương xa) được xuất hiện dưới triều Lý và sau này dần trở thành định chế của các triều đại kế tiếp trong chính sách đối với các dân tộc thiểu số (nhất là tại các vùng biên cương xa xôi).
Một học giả nước ngoài là TS. Pô-ly a-cốp đã nhận xét về chính sách “Nhu viễn” của triều Lý như sau: “Chính sách của nhà Lý nhằm mở rộng chính quyền của mình tới các dân tộc người miền núi không chỉ đơn thuần bằng hoạt động vũ trang. Lý Thái Tông bắt đầu áp dụng chiến thuật lôi kéo các tộc người miền núi về phía mình một cách hòa bình. Vào thời Lý Thái Tông, nhiều công chúa được gả làm vợ các Tù trưởng miền núi. Do đó mà họ thành những người gần gũi với vua, triều đình”.
Đặc biệt, vào thế kỷ XI, vùng biên cương phía Bắc là nơi thường xuyên xảy ra những vụ tranh chấp quyết liệt, căng thẳng, giằng co giữa triều Lý và triều Tống. Vì vậy, các vua triều Lý nhằm thu phục các dân tộc thiểu số để tăng cường, bổ sung cho lực lượng bảo vệ vùng đất nóng bỏng, đã thực hiện khá nhiều những cuộc hôn nhân của các công chúa với các Thủ lĩnh, Tù trưởng. Theo thư tịch cổ, từ năm 1029 (triều vua Lý Thái Tông) đến năm 1167 (triều vua Lý Anh Tông) có 9 công chúa đã được gả cho Tù trưởng các châu thuộc vùng trung du, thượng du Bắc bộ. Trong đó, Dương Tự Minh, Thủ lĩnh phủ Phú Lương là một trường hợp đặc biệt.
Chỉ trong vòng 17 năm, Dương Tự Minh đã được hai vua Thái Tông và Anh Tông cho phép cưới hai công chúa ở hai thời điểm khác nhau. Sử sách chép: “Tháng 12-1127 (vua Lý Nhân Tông), đem công chúa Diên Bình gả cho Thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh” và “đến tháng 2-1144 (vua Lý Anh Tông), đem công chúa Thiều Dung gả cho Dương Tự Minh, phong Tự Minh làm Phò mã lang”.
Vì sao Dương Tự Minh, một thủ lĩnh dân tộc lại được các vua triều Lý ưu đãi trọng hậu đến vậy? Dương Tự Minh dân tộc Tày, vốn là người xã Quan Triều, huyện Phú Lương, phủ Phú Bình (nay là phường Quán Triều), Thái Nguyên, “là bậc anh hào trong đám thổ tù Phú Lương”. Sau khi đã trở thành con rể (phò mã), vào năm 1142, Dương Tự Minh được vua Lý Anh Tông quyết định cử đi Quảng Nguyên thực hiện chức trách “chiêu tập người trong châu trước kia bị xiêu dạt, trốn tránh”. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất, triều Lý tiến hành đưa quan chức đi tập hợp, chiêu tập dân chúng lưu tán trên vùng núi phía Bắc. Nguyên nhân là do vùng đất này bị quân Tống xâm chiếm một thời gian, triều Lý cùng các biên thần đã đấu tranh không khoan nhượng, buộc phía Tống phải hoàn trả. Nhưng trong thời kỳ bị ngoại bang xâm lược, dân chúng đã bỏ đi nơi khác trốn tránh, mưu sinh khiến cho nhà cửa, đồng ruộng hoang tàn. Vì vậy, Phò mã Dương Tự Minh mang sứ mệnh của triều đình kêu gọi, hô hào nhân dân trở lại quê hương ổn định cuộc sống và sản xuất, nhằm mục đích sâu xa là tạo một hậu thuẫn vững chắc cho việc bảo vệ biên cương phía Bắc.
Thư tịch không cho biết kết quả cụ thể tại vùng đất Quảng Uyên của Dương Tự Minh, nhưng có thể khẳng định, ông đã hoàn thành xuất sắc lệnh chỉ của triều Lý. Vì chỉ không đầy một năm sau, tháng 8-1143, vua Lý Anh Tông lại ban chiếu cho Dương Tự Minh được “cai quản việc công các khe động dọc theo biên giới về đường bộ”. Tiếp theo, cũng chỉ 6 tháng sau ông lại được gả công chúa Thiều Dung và được ban chức Phò mã lang. Đây là những minh chứng rõ ràng về sự tín nhiệm cao của nhà vua cùng triều thần đối với tài năng và đức độ của vị Phò mã, Tù trưởng phủ Phú Lương. Được giao trọng trách quản lý biên giới, nơi các dân tộc thiểu số sinh sống dọc theo đường bộ phía Bắc là một trọng trách vô cùng khó khăn và vất vả, nhưng Dương Tự Minh đã chứng tỏ là một viên quan trấn thủ xuất sắc và có tài. Ông đã chỉ huy quân dân vùng biên đánh bại đám giặc Đàm Hữu Lượng cầm đầu từ nước Tống sang cướp bóc, chiếm giữ động Cát Khê của châu Quảng Nguyên vào tháng 8-1145.
Tính từ khi sử sách ghi chép lần đầu vào năm 1127 cho đến năm 1150, lúc phải chịu oan uổng, bị lưu đày đến vùng Điểm Sơn xa độc và mất ở đó, Dương Tự Minh đã có hơn 20 năm làm quan dưới ba triều vua: Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông (1128-1138) và Lý Anh Tông (1138-1175). Ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, thương dân, mẫn cán, tài giỏi, trong thời gian giữ chức vụ trấn thủ vùng biên cương suốt dọc từ Phú Lương, Thái Nguyên đến Quảng Nguyên, Cao Bằng, ông đã để lại nhiều chiến công cùng những đóng góp xuất sắc cho việc bảo vệ vùng biên giới phía Bắc. Những vùng đất mà Dương Tự Minh đến trấn trị, từ rừng núi xa xôi như Cao Bằng, Bắc Kạn đến Bắc Giang, Bắc Ninh đều có các di tích ghi nhớ công tích của ông.
Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, có gần 100 di tích thờ Dương Tự Minh, trong đó, 72/112 đình (chiếm 64% tổng số đình trong tỉnh) và 22/49 đền (chiếm 44,9% tổng số đền). Đền Đuổm (Điểm Sơn) thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên là nơi thờ chính Dương Tự Minh. Đền Đuổm hiện còn lưu giữ được nhiều sắc phong, câu đối, hoành phi, các tư liệu dân gian liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Dương Tự Minh. Đặc biệt có 11 đạo Sắc của các triều vua từ đời Lê đến đời Nguyễn ban phong, để ca ngợi công đức của Dương Tự Minh, cho phép dân làng các nơi được phụng thờ ông.
Đền Đuổm – Nơi thờ chính Dương Tự Minh
Thái Nguyên, nơi sinh ra và là nơi chứng kiến những ngày cuối đời của ông, có rất nhiều địa phương kính cẩn đưa Dương Tự Minh làm Thần hoàng làng, quanh năm hương khói, để tưởng nhớ người con yêu quý của quê hương đã cống hiến trọn đời cho công cuộc bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Vương triều Lý trên cơ sở giải quyết ổn thỏa vấn đề dân tộc bằng chính sách vừa ôn hòa, mềm dẻo, vừa dứt khoát, kiên quyết, đã tạo nên một hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số. Song song với việc tập trung xây dựng củng cố chính quyền Trung ương, triều Lý còn chú trọng thiết lập mối quan hệ bền chặt, hữu cơ giữa quyền lực của Nhà nước và quyền lực của Thổ tù, Tù trưởng tại các địa phương. Đây là một bài học kinh nghiệm để quản lý quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống nhằm duy trì ổn định và giữ vững an ninh biên giới trong hơn 200 năm tồn tại của triều Lý.
TS. Hữu Tâm (Theo báo An ninh biên giới)