Dương Văn Duy: Chàng thanh niên tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của quê hương
- 14/04/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 628
Tốt nghiệp chuyên ngành Luật Kinh tế nhưng luôn trăn trở với các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của quê hương, anh Dương Văn Duy – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, Phú Bình, Thái Nguyên chính là người tạo nền tảng cho 3 sản phẩm nông nghiệp “ gạo nếp Thầu dầu – tương nếp Úc Kỳ – tương nếp Hồng Kỳ.
Từng tốt nghiệp cử nhân ngành Luật Kinh tế tại Đại học Thành Đông Hải Dương. Trở về quê, anh Dương Văn Duy luôn trăn trở với các sản phẩm nông nghiệp của quê mình. Nhận thấy quê hương có một lợi thế rất lớn, đó là cánh đồng sản xuất lúa nếp Thầu dầu đã được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung; bà con có nhiều kinh nghiệm trong canh tác lúa… Tuy nhiên lợi nhuận kinh tế đem lại chưa hiệu quả, thị trường chưa được nhiều người biết đến chưa có liên kết. Chính vì lý do đó mà anh Dương Văn Duy quyết tâm thành lập hợp tác xã đề giải quyết các vấn đề trên đem lại nguồn thu cho các hộ nông dân trong hợp tác xã.
Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, lúc đó anh còn quá trẻ và không học chuyên ngành về nông nghiệp, anh Duy phải mất một thời gian khá dài để tìm hiểu về quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm), hữu cơ từ những người có kinh nghiệm; tự mày mò, học hỏi, xin hướng dẫn về quy trình thành lập hợp tác xã …
Năm 2020, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ được thành lập với 22 thành viên, chuyên sản xuất lúa nếp Thầu dầu và tương. Tuy nhiên việc thị trường chưa biết đến sản phẩm khiến cho hợp tác xã không thể xuất bán được hết các sản phẩm làm ra.
Từ thực tế đó, tháng 8/2021, dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn huyện Phú Bình, anh Duy đã liên kết với 90 hộ dân ở các xóm: Múc, Ngoài và Tân Lập, để hình thành vùng sản xuất lúa nếp Thầu dầu theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 10ha. Cùng với đó là, hợp tác xã tích cực tuyên truyền bà con sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhờ đó, năm 2022 Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ đã xuất bán được khoảng 40 tấn gạo nếp (tăng gấp 2 lần so với năm 2020). Không dừng lại ở đó, để sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, anh Duy đầu tư máy hút chân không; thiết kế bao bì, tạo mẫu mã bắt mắt cho sản phẩm gạo nếp Thầu Dầu. Trên bao bì có tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc, số điện thoại…
Còn đối với việc sản xuất tương, với 10ha vùng nguyên liệu sẵn có, anh Duy tích cực vận động các hộ làm tương trong Hợp tác xã áp dụng máy móc hiện đại (như: máy sấy đỗ, máy nghiền, tủ nấu cơm bằng điện…) vào sản xuất để tăng công suất, chất lượng sản phẩm. Anh cũng chú trọng đầu tư “hình ảnh” cho sản phẩm tương của Hợp tác xã bằng việc sử dụng chai thủy tinh (850ml/chai), dán tem nhãn, đóng hộp, mã vạch truy xuất nguồn gốc… Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ cũng tích cực quảng bá sản phẩm trên nhiều “kênh” khác nhau như Facebook, Zalo… để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, trung bình một tháng, Hợp tác xã xuất bán được 800 – 1.000 lít tương (nếp và tẻ)…
Hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã đã làm thay đổi từng hộ dân, thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa có liên kết. Đưa các sản phẩm đặc sản của vùng đất Phú Bình được nhiều người biết đến, nâng cao giá trị kinh tế địa phương. Đây chính là điều mà anh Dương Văn Duy luôn ấp ủ hàng ngày.
Dương Hạnh