Dương Văn Lượng – người lính, tiến sỹ triết học và thơ
- 15/03/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 552
Nhà thơ Dương Văn Lượng sinh năm 1951, quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, hiện đang sinh sống tại Tthủ đô Hà Nội.
Khi cả nước bước vào cuộc chiến đấu với giặc Mỹ xâm lược, như lớp lớp thanh niên thời bấy giờ, Dương Văn Lượng xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Ngày đất nước thống nhất, anh ở lại quân ngũ, tiếp tục học tập, rèn luyện và không ngừng nỗ lực vươn lên. Anh vừa là đại tá quân đội, vừa là tiến sỹ triết học, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu, tổng kết lý luận, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng.
Dương Văn Lượng trở thành nhà thơ khi nghỉ hưu. Từ 2017 đến nay, anh đã xuất bản 5 tập thơ ấn tượng: Khoảng lặng, Miền ký ức, Hoa sóng, Qua miền tối sáng, Tự thức. Ngày 20-11-2020, anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Với anh, ký ức về những năm tháng ác liệt mà hào hùng trên chiến trường chống Mỹ luôn thôi thúc anh cầm bút. Những mất mát, hy sinh anh dũng của đồng đội luôn ám ảnh anh khôn nguôi. Và chính anh cũng đang mang trên mình những vết thương do chiến tranh để lại, hễ trái gió, trở trời, vết thương và ký ức luôn nhức nhối. Anh lại đau đáu khôn nguôi: “Mảnh đạn ghim trong đầu/Mấy chục năm nhức nhối/Mỗi khi trở gió/Âm thầm/Gặm nỗi chiến tranh” (Điều không thể muốn).
Trong bài thơ “Nước mắt chảy ngược”, tác giả đưa đến cho người đọc một cảm nhận như siêu thực trên chính hiện thực cuộc sống: “Đêm Quảng Trị/Nằm mơ gặp bạn/Nước mắt chảy ướt nấm mồ/Bạn tôi khóc/Nước mắt ngược lên đời/Thẳm sâu vĩnh hằng/Thương về trần thế/Thằng da cam ngậm nỗi đau thế hệ/Đứa tật nguyền im lắng chuyện vợ con/Đóa hoa rừng/Thanh niên xung phong/Lỡ thì con gái/Khát đứa con/Khát đời làm mẹ/Về già/Ở đợ nỗi cô đơn”.
Hậu quả chiến tranh để lại chính là thực tế, là nỗi đau không gì bù đắp nổi. Lời thơ vừa hư, vừa thực nhưng là lời nhắc nhớ về trách nhiệm của những người đang sống với quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự siêu thực trên những hiện thực đã trở thành lời nhắn gửi nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Nỗi nhớ và suy nghĩ về đồng đội cùng những mất mát trong chiến tranh được tác giả đăng tải nhiều trong tập thơ “Miền ký ức”, với các bài thơ ấn tượng như: Lấp lánh huy chương, Day dứt, Dốc năm cô, Bi hùng ký ức, Về thăm Long Đại, Ba lớp thời gian… Có thể xem đây là những trang thơ chứa đựng nỗi đau của người trong cuộc, sự biết ơn của đồng đội đã gánh đỡ, che chở giành sự sống cho mình để rồi khi trở về với hòa bình anh vẫn ray rứt.
Bài thơ “Đêm nay nằm với bạn” không chỉ dừng lại ở cảm và nghĩ của nhà thơ mà một tình cảm rất thực trong cảnh ngộ rất thực khi anh nằm với bạn trên xe chở hài cốt về quy tập ở nghĩa trang liệt sỹ. Trong hoàn cảnh thiêng liêng này, tình đồng đội vẫn đi vào thơ anh chan chứa. Anh triền miên suy nghĩ đến cảnh mẹ già, em gái tựa cửa đón liệt sỹ trở về trong hoàn cảnh vừa mừng, vừa đau: “Sương rơi đầy thấm lạnh/Trời khuya trắng một màu/Cởi áo đắp cho bạn/Tim tôi thầm nhói đau/Đêm nay nằm với bạn/Như bao đêm chiến hào/Chập chờn cơn thức ngủ/Bạn về… trong chiêm bao”.
Sự suy tư giàu cảm xúc chất chứa trong thơ của nhà thơ Dương Văn Lượng. Với anh, hình ảnh quê hương Quảng Bình những năm chiến tranh ác liệt vẫn luôn ghi dấu ấn đậm nét. Mỗi tên đất, tên làng đi vào thơ anh vừa anh dũng, vừa mang nặng tâm tư. Trong bài “Về thăm Long Đại”, anh đã viết: “Xe ơi chầm chậm qua Long Đại/Đồng đội tôi còn dưới lòng sâu/Thân dẫu gửi nghìn trùng sóng bạc/Hồn dõi theo muôn nhịp mặt cầu/Những chuyến tàu vào Nam, ra Bắc/Những con thuyền lên ngược, về xuôi/Có biết nơi đây thời máu lửa/Cái chết ươm mầm sống cho đời”.
Những câu thơ đầy tính bi hùng và lạc quan như thế đã đi vào sự suy tưởng của anh, đã tô vẽ thành bức tranh giàu ấn tượng về những người yêu, người vợ tiễn chồng, người mẹ tiễn con ra tiền tuyến. Hình ảnh họ khắc khoải trong nỗi chờ mong, chung thủy đã tạo nên hình tượng thơ vĩnh hằng cùng thời gian.
Bài “Ba lớp thời gian” là lời kể bằng hình ảnh giàu chất biểu cảm như vậy: “Tôi đã thấy trên bến sông Kiến Giang/Cô gái tiễn người trai ra trận/Lấp lánh sông xuân nở đầy hoa nắng/Người đã đi, lòng còn vấn vương/Tôi đã thấy người vợ đợi chồng/Bến hạ tím chiều dềnh lên nỗi nhớ/Những sợi tóc mây bay trong gió/Hòn đá cô đơn, một bóng cô đơn/Tôi đã thấy người mẹ dắt con/Vời vợi bến thu ngóng miền xa thẳm/Hoàng hôn sương mờ vai thấm lạnh/Hai con người một hòn đá thủy chung/Tôi lại thấy bến sông ấy mùa đông/Có ba trái tim chìm trong buốt giá/Ba cuộc đời lắng sâu hồn lệ đá”.
Khoảnh khắc bốn mùa được diễn ra trong đưa tiễn dù khác biệt về thời gian và sự chứng giám của cảnh vật nhưng nỗi lòng và tình cảm đều giống nhau ở sự ray rứt, thương nhớ, đợi chờ.
Nói về thơ Dương Văn Lượng, nhà thơ Trần Quang Quý cũng nhận xét: “Dù làm thơ muộn nhưng Dương Văn Lượng là người khiêm nhường, rất có ý thức về việc đổi mới thơ. Anh lắng nghe và có thiện chí học hỏi các đồng nghiệp để tìm ra chính mình, hình thành lối đi của minh… Với “Tự Thức”, Dương Văn Lượng quan tâm nhiều mảng của đời sống để từ đó thức ngộ chiêm nghiệm và triết lý về tình yêu, lối sống, nguồn cội, lịch sử, thái độ con người trong ứng xử với thiên nhiên và xã hội… Một xu hướng thơ “hợp” với người đã có nhiều trải nghiệm trong cuộc đời và gần với ngành học giảng dạy của anh-triết học”.
Nguồn: Báo Quảng Bình