Dương Văn Tý – cựu chiến binh làm giàu từ mô hình chiết xuất cây sả
- 14/10/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 543
Mong muốn làm giàu trên đồng ruộng quê hương mình, cựu chiến binh Dương Văn Tý, sinh năm 1962, ở tổ dân phố Cường Thịnh, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên, Bắc Giang) đã tìm cho mình được hướng đi từ cây sả Java.
Xuất ngũ trở về với quê hương, anh Dương Văn Tý từng bươn chải lăn lộn nhiều nghề, từ trồng cây, nuôi gà, lợn đến đi xuất khẩu lao động nhưng dù chi tiêu tiết kiệm vẫn chỉ đủ ăn. Mặc dù vậy, anh luôn khát khao, mong muốn được làm giàu trên chính quê hương mình.
Một lần lên Tuyên Quang, tình cờ hai bố con anh Tý được thăm mô hình trồng sả chưng cất lấy tinh dầu đem lại hiệu quả kinh tế cao của các hộ dân nơi đây. Ngẫm nghĩ thấy cơ hội làm ăn mở ra và có thể áp dụng tại quê nhà, nên hai bố con tìm gặp một số người quen để hỏi thăm quy trình trồng, chăm sóc, đầu tư máy móc, thiết bị ép… Trở về, anh Tý tìm hiểu thêm về cây trồng này qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xác định, đây có thể sẽ là cây trồng mang lại kinh tế cao trên đồng đất quê hương nên anh Tý quyết định thuê 2,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả của các gia đình trong thôn rồi mua giống cây sả Java về trồng. Cùng đó, anh cũng vay mượn thêm bạn bè, người thân đầu tư làm nhà xưởng, mua lò ép để chưng cất với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng.
Qua gần một năm trồng cây sả Java, bước đầu gia đình cựu chiến binh Dương Văn Tý đã thu được những kết quả tích cực. Anh Tý chia sẻ: “Cây sả Java trồng từ 3 đến 5 tháng bắt đầu cho thu hoạch, mỗi lứa cây có thể cho thu hoạch trong 5 năm, mỗi năm từ 6 đến 7 lần thu lá. Cây sả Java ưa nắng nóng, rất phù hợp với đất dốc, khô cằn ở vùng quê Tân Uyên này, không mất nhiều công chăm sóc cũng như phân bón, đặc biệt cây sả chỉ ưa phân hữu cơ. Tuy nhiên khi mới trồng, cần chú ý nhổ cỏ và ruộng phải thoát nước”. Được biết, trung bình một nồi chưng cất 1 tấn lá sả mất khoảng 5 tiếng ép và thu được từ 5 đến 6 lít tinh dầu. Mỗi lít tinh dầu sả bán ra thị trường với giá 400 nghìn đồng. Năm qua, gia đình anh thu hoạch được hơn 200 tấn lá sả, chưng cất và cung cấp ra thị trường hơn 1 nghìn lít tinh dầu, thu về khoảng 400 triệu đồng.
Anh Dương Văn Tý cho biết thêm, tinh dầu sả được nhiều người ưa chuộng dùng làm nước lau sàn nhà, nước xịt thơm phòng, xe ô tô, xua đuổi muỗi, côn trùng và chữa một số bệnh như cảm lạnh, đau bụng do lạnh… Bên cạnh nguồn nguyên liệu do nhà trồng được, anh Dương Văn Tý còn thu mua thêm sả củ của người dân trong và ngoài huyện để ép lấy tinh dầu. Hiện tinh dầu sau khi ép của gia đình được một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược ở tỉnh Nam Định đặt hàng nên tiêu thụ thuận lợi, có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Ngoài ra, lá, củ sả sau khi ép lấy tinh dầu được gia đình dùng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng nên tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Thấy hiệu quả từ mô hình trồng sả ép lấy tinh dầu của gia đình anh Dương Văn Tý, một số hộ dân trên địa bàn thị đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và được anh chia sẻ kiến thức, kỹ năng trồng, chăm sóc. Đến nay, anh đã giúp thành công 5 gia đình tiếp cận được mô hình trồng và chiết xuất cây sả Java
với diện tích khoảng 0,5ha. Do diện tích nhỏ, lượng lá sả chưa đủ để ép tinh dầu thường xuyên nên các hộ chưa đầu tư hệ thống nhà xưởng, lò ép để chưng cất mà chủ yếu bán nguyên liệu tại xưởng của anh. Anh Dương Văn Tý cho biết, hiện nay anh đang liên kết phối hợp với một số đơn vị, địa phương trong huyện Tân Yên xây dựng dự án mở rộng vùng nguyên liệu. Theo đó, các hộ tham gia mô hình sẽ được ông hỗ trợ 30% cây giống cùng kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Nói về gương điển hình Dương Văn Tý vươn lên làm kinh tế giỏi, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nhã Nam Nguyễn Huy Ngọc cho hay: “Cựu chiến binh Dương Văn Tý là người dám nghĩ, dám làm. Mô hình này của gia đình ông bước đầu đã mang lại hiệu quả và được kỳ vọng sẽ là loại cây giúp người nông dân nơi đây tự làm giàu trên đồng đất quê hương mình”.
Như Cương