Gặp người bảo tồn nhạc lễ Dương Công Quận

Ở Nam Bộ, nhạc lễ là loại hình không thể thiếu trong các nghi thức cúng tang lễ, cúng tế trong Đình, Chùa, Dinh, Phủ. Tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có một người đàn ông chẳng những biết chơi nhiều loại nhạc cụ cổ truyền mà còn bảo tồn loại hình văn hóa dân gian bằng cách truyền nghề cho đệ tử kế thừa để phục vụ cho các sự kiện văn hóa, lịch sử ở cộng đồng.

Ông tên là Nguyễn Thu An, đều năm nay 55 tuổi là con cháu đời thứ 8 của Dòng Họ Dương Công ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cả bà nội, bà ngoại của ông đều mang Họ Dương. Vốn đam mê âm nhạc từ thưở nhỏ, nhưng vì nhỏ tuổi không được đi học nhạc, trong lúc đó ông rất thích bộ môn này nên thấy người anh cả mang đờn, trống về nhà luyện tập, ông An lén mày mò, tự luyện tập rồi chơi thành thạo.

Ông Thu An, người mặc áo xanh ở giữa cùng học trò hòa tấu Lễ cúng giỗ Tiền hiền Dương Công Quận

Ông An biết chơi hơn 7 loại nhạc cụ từ đờn (đàn) tranh, đờn sến, đờn gáo, sáo trúc, đờn tam, đờn tỳ bà nhưng sở trường vẫn là cây đờn cò và bộ môn đánh trống, bộ gõ với bốn bài cơ bản như: Lớp tư, trống thét, rập ban, bồng ba (tức là đánh cho người tự do lễ bái) vì theo ông nhiều bộ nhạc cụ kết hợp với nhau sẽ tạo thành âm thanh tuyệt vời khi thể hiện các bài bản, lớp lang trong các nghi thức nhạc lễ cúng tế.

Nhận thấy bản sắc văn hóa dân tộc cần được duy trì, bảo tồn, năm 1998, Đội nhạc dân tộc thiếu nhi ở Phủ thờ Dương Công Quận được hình thành mà cũng chính ông Thu An là người thầy truyền nghề cho các đệ tử hiểu thêm nghệ thuật truyền thống và những thành viên trong Đội không ai khác hơn là con cháu Họ Dương ở xã Mỹ Hiệp, là tài năng nhí kế thừa việc lễ nghi cúng tế tại Phủ thờ Dương Công Quận. Đến nay Ban nhạc cổ truyền Dòng tộc đã có nhiều người thành đạt, trong đó có đầy đủ thành viên bộ gõ và thành viên bộ đờn như đờn bầu, đờn kìm, đờn tranh, đòn đoản, sáo, đờn cò, đây cũng là niềm tự hào cho Dòng tộc Họ Dương nói riêng, văn hóa địa phương xã Mỹ Hiệp nói chung trong điều kiện nước ta đang bảo tồn và phát huy loại hình âm nhạc dân gian vốn có từ bấy lâu nay.“Đây là nhạc dân tộc, nhạc cổ truyền, tuổi thiếu nhi thì mình phải nói và phân tích cho mấy cháu hiểu đây là vốn quý của ông bà ngày xưa để lại. Điều thứ hai nửa là con cháu Dòng tộc hằng năm mỗi buổi cúng Phủ thờ nó bước đến thì phải chỉ, phải nói cho nó biết đây là vốn quý hiếm hoi nên cần có đội ngũ kế thừa nên cần động viên con cháu nhận thức, hiều biết được mà khi mình dạy cho nó biết ban đầu từ sự đam mê các em tiếp tục tìm hiểu nâng cao tay nghề hiện có”, ông An nói.

Ông Thu An dạy học trò đờn cò

Hơn 50 đệ tử được đào tạo bài bản qua nhiều khóa học nên ngày nay phong trào chơi nhạc cụ dân tộc, nhạc cổ, nhạc lễ ở Cù lao Giêng huyện Chợ Mới phát triển rộng khắp, các Phủ thờ Tộc họ, các Đình làng trong các xã cù lao đến ngày cúng giỗ Tổ tiên, cúng lễ hội Kỳ Yên hay Hạ Điền đều có Ban nhạc lễ cổ truyền của Dương Công Quận đến phục vụ rất bài bản, nhịp nhàng từ những trái tim luôn nhiệt huyết với nghề. Em Dương Thành Nhân, học trò ông Thu An có nhận xét “Tinh thần và thái độ của chú rất tốt, chú chỉ con cháu tận tình mọi mặt trong khả năng chú, nhờ chú Út Thu An đào tạo mà tay nghề mấy em càng ngày càng phát triển”.

Để duy trì “cái nghiệp” đã tồn tại gần một đời người, ông Thu An đang tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu, luôn hướng tâm truyền dạy ngón đờn cho thế hệ trẻ trong Dòng tộc trong thời gian tới với hy vọng âm thanh trầm bổng của nhạc lễ cổ truyền không bị mai một khi mọi người hiểu và biết trân quý nó.

Dương Bảo

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com