Ghi chép đôi điều về Họ Dương chi Tiên Hội xưa và nay

Tiên Hội thuộc vùng đất Hoan Châu xưa, nay là xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đây là vùng đất giao hòa của núi sông trời đất, là nơi giao thoa của sông Giăng như dải lụa đào và dòng sông Lam hiền hòa thơ mộng mà như nhà thơ Lê Huy Mậu – một người con của làng Tiên Hội – đã viết “Qua nửa đời phiêu dạt tôi lại về úp mặt vào sông quê/ Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn”. Đây cũng là cũng là vùng đất học với tiến sĩ Đinh Nhật Thận dưới thời vua Tự Đức (có một số sử sách ghi là Đinh Viết Thận). Ông còn là một thầy thuốc một chí sĩ yêu nước thương dân. Vùng đất Tiên Hội cũng là nơi phát tích của nhiều dòng họ lớn. Họ Dương chi Tiên Hội là một dòng họ lớn trong số đó. Nhà thờ tổ của Họ Dương chi Tiên Hội nằm thoai thoải giữa gò đất Cồn cao thuộc xóm 5 xã Thanh Tiên gần Ủy ban nhân dân xã Thanh Tiên, một vị trí trung tâm của vùng. Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, dòng Họ Dương chi Tiên Hội tổ chức lễ tế tổ như là cách để con cháu thế hệ sau nhớ về tổ tiên.

Ngược dòng thời gian trở về những năm tuổi thơ, tôi còn nhớ rất rõ trên chiếc xe đạp thống nhất cũ kỹ tôi vẫn thường được ông nội chở qua nhà thờ tổ Họ Dương chơi nhất là những ngày xuân, ngày giỗ họ, ngày lễ tế tổ của dòng họ. Ông tôi cùng một các cụ cao niên trong dòng họ thường chuẩn bị quét dọn, dọn dẹp nhà thờ làm sao cho sạch sẽ nhất để con cháu chuẩn bị lễ vật phẩm thành kính dâng lên tiên tổ. Những hình ảnh ký ức tuồi thơ trong tôi đó là lễ tể tổ thường được tổ chức đông vui con cháu các chi nhỏ Họ Dương trong xã và các vùng lân bang thường mang các lễ vật phẩm được các bà các mẹ chuẩn bị kỹ dâng lên tiên tổ. Gia đình nào có hiếu hỷ cũng báo, có con cháu mới sinh cũng báo lên tổ tiên để xin vào họ hay có con vào đại họ cũng báo cáo lên họ. Sau mỗi đám giỗ họ, hay lễ tế tổ những đứa trẻ đi theo như chúng tôi được các cụ trong họ phát oản, phát lộc. Quan trọng hơn những lần đó tôi được ông nội cũng như các cụ cao niên trong dòng họ kể cho nghe về lịch sử phát tích của dòng họ mình, kể cho nghe các chi nhỏ của dòng Họ Dương tại Tiên Hội. Ông nội cũng như các cụ trong họ cũng không quên kể cho tôi nghe về tiên tổ Trạng nguyên Dương Phúc Tư như là một sự tự hào về truyền thống hiếu học của dòng họ mình, kể về thỉ tổ Dương Phúc Súy, quan trọng hơn qua những câu chuyện đó đã nuôi dưỡng ước mơ trong tâm hồn trẻ thơ như tôi một tình yêu sử học, một sự tự hào truyền thống về dòng họ mình, đó còn là tình yêu gia đình, dòng họ bản xứ, quê hương đất nước. Tuổi thơ tôi cứ thế êm đềm trôi đi trong sự bao bọc chở che của gia đình những người thân yêu trong dòng họ.

Năm thứ 3 của đại học, tôi tình cờ được một cụ trong họ cho xem được cuốn gia phả họ Dương Chi Thanh Bang, cuốn gia phả đã nhuốm màu thời gian như mê hoặc chàng sinh viên khoa sử như tôi. Tôi đọc một cách say mê bởi trước đây khi còn nhỏ tôi chỉ nghe truyền thống gốc tích dòng giống và truyền thống dòng họ qua những câu chuyện kể của ông nội và các cụ cao niên và đây là tư liệu quan trọng cho tôi. Lật tìm lại những trang gia phả đã nhuốm màu thời gian.

Theo Gia phả họ Dương chi Thanh Bang ghi lại Thỉ tổ của họ Dương chi Tiên hội là ông Dương Phúc Súy. Ông sinh khoảng 1565 – 1570 tại huyện Lôi Dương Phủ Thiệu Thiên (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông Súy là một quan viên tử chí khí hơn người, học hành tài giỏi. Song cũng chính vì vậy mà ông bị hào cựu trong vùng ghen ghét họ thầm nghĩ âm mưu hãm hại ông. Nhân một kỳ thi thứ hai kết thúc ông là người chiếm bảng, các hào cựu bố trí người đi rước Tân Khoa. Bọn hào cựu tụ tập côn đồ mưu giết ông tại bến đò Rạng sông Lam. Họ rước ông đi quanh co đến bến đò Rạng cũng vừa tối, bọn côn đồ bắt ông nhét vào rọ có một ít đá nhanh chóng đưa xuống thuyền ông lái đò người họ Trần trong lúc chèo đò ra giữa dòng người lái đò mở rọ cho ông Súy ra. Được người lái đò họ Trần cứu, ông Súy sang bên kia bờ sông Lam thuộc xã Tiên Hội, huyện Thổ Du (nay là xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương). Được dân bản xứ Tiên Hội cưu mang ông quyết định lập cư tai đó chọn  ngọn đồi cao làm nhà  đặt tên là Cồn cao thuộc địa phận xã Tiên Hội. Nhớ ơn cứu mạng của người lái đò họ Trần, con cháu ông Súy không quên thiết lễ bàn thờ ngoài sân tế ông lái đò họ Trần. Họ Dương chi Tiên Hội hình thành từ đây hiện nay con cháu của ông đông đúc trưởng chi là Dương Lê Quang (đời thứ 13).

Trải quan bao biến cố thăng trầm lịch sử, bên dòng Lam Giang hiền hòa thơ mộng, bờ bãi nặng phù sa thuộc địa phận xã Thanh Tiên, con cháu họ Dương vẫn chung sống thuận hòa bên nhau. Dòng Lam Giang “vẫn dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn” như là một chứng nhân lịch sử ghi dấu sự ra đời và phát triển của dòng Họ Dương ở Tiên Hội con cháu Họ Dương vẫn được dòng sông mẹ mang những hạt phù sa hay những con tôm con cá và cả những buổi trưa hè tắm mát nuôi dưỡng. Cũng trên dòng sông ấy, trên bến Rạng ngày ấy biết bao con cháu Họ Dương đã ra đi để giữ bình yên cho Tổ quốc hay mang hết công sức trí tuệ để cống hiến cho Tổ quốc như tiên tổ của họ trước đây.

Rời Bến Rạng của những đêm trăng hẹn hò, rời mảnh đất mẹ yêu dấu nơi có gia đình, nhà thờ hương hỏa ở đó, có cả anh em và hơn hết là dòng họ ở đó. Để đến miền biên giới Tây Nam của Tổ quốc để đem những kiết thức học được ở ghế nhà trường để cống hiến chút công sức xây quê hương đất nước. Nhưng trong tôi luôn tự tôn về dòng họ, về nơi mình đã sinh ra. Họ Dương trong tôi đó không chỉ là hình ảnh về một nhà thờ họ dẫu chưa phải cao to bề thế mà vẫn giữ nét mộc mạc theo lối kiến trúc vùng đất Bắc Bộ, là những câu chuyện mà hồi nhỏ tôi được ông nội và các cụ cao niên kể lại, là những lần được nhận oản, nhận lộc, là những lần được theo ông nội vào nhà thờ để được thắp nén nhang cho tiên tổ. Là hình ảnh các mẹ các bà chuẩn bị các mâm cơm mâm cỗ, sản vật dâng lên tiên tổ. Là những độ Tết đến xuân về các cụ cao niên và con cháu trong dòng tộc chuẩn bị trang hoàng nhà thờ để ra Giêng con cháu Họ Dương Tiên chi Tiên Hội tập trung quây quần làm lễ tế tổ mà ở đó các thành viên trong dòng tộc không có sự phân biệt nghèo hèn, giàu sang. Mà ở đó chính là sự gắn kết yêu thương của các cá nhân trong dòng tộc tránh xa được cuộc sống xô bồ phồn hoa nơi phố thị.

Cuộc sống vẫn cứ trôi như dòng Lam Giang vẫn chảy đất Tiên Hội xưa và nay vẫn thế. Chỉ có điều nhờ phúc ấm của tổ tiên con cháu Chi Tiên Hội vẫn không những cố gắng rèn luyện phấn đấu để giúp ích cho đời, xây dựng non sông đất nước để làm rạng danh tổ tông. Dẫu vẫn biết mỗi người mỗi công việc song ở mỗi con cháu dòng Họ Dương nói chung con cháu chi Tiên Hội nói riêng họ luôn có một điểm tự chính là sự tự tôn về truyền thống của dòng họ. Những xúc cảm chân thành thay lời muốn nói cho cuộc thi “Câu chuyện họ Dương tôi” muốn gửi tới con cháu Họ Dương trên mọi miền Tổ quốc biết thêm về Họ Dương chi Tiên Hội  trong cộng đồng con cháu Họ Dương trên mọi miền của Tổ quốc. Hơn hết là tấm lòng thành của con cháu dâng lên tiên tổ.

Dương Lê Tài

(Bài đạt giải Nhất cuộc thi viết “Câu chuyện Họ Dương tôi”

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com