Giáo sư, liệt sĩ Dương Quảng Hàm – Một trí thức uyên thâm

Tôi ấp ủ viết một cái gì đó về Giáo sư Dương Quảng Hàm từ rất lâu rồi, bởi ông là một “nhà giáo kiểu mẫu”, tác giả của những cuốn sách giáo khoa kinh điển về văn học sử đầu tiên của Việt Nam. Ông cũng là một đại trí thức uyên thâm, nhân cách sáng trong một đời lặng lẽ âm thầm chăm lo bảo tồn phát triển văn hoá sử nước nhà.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Giáo sư Dương Quảng Hàm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Chu Văn An, tức Trường Bưởi cũ. Giáo sư Dương Quảng Hàm đã đem hết nhiệt tình, tài đức để góp phần xây dựng một nhà trường cách mạng mới, một nền giáo dục dân chủ mới. Nhưng rồi, vào đêm 19/12/1946, Giáo sư Dương Quảng Hàm đã hy sinh, để lại vợ cùng tám người con với nỗi đau đớn khôn nguôi, bỏ lại cả những trang viết sách còn dang dở.

Cái chết của Giáo sư Dương Quảng Hàm đến nay vẫn thực thực hư hư, như một huyền thoại, dù mãi đến tận năm 2000, ông mới được công nhận liệt sỹ, được Tổ quốc ghi công.

Giáo sư, liệt sĩ Dương Quảng Hàm (1898 – 1946)

Hoài bão canh tân nền giáo dục nước nhà

Tôi bước vào con ngõ nhỏ xíu, tối hun hun trên phố Hàng Bông, mà cảm giác như lạc vào một nơi xa xăm, khác hẳn với thế giới ồn ã ngoài kia. Tôi đặt chân lên chiếc cầu thang gỗ đã quá xưa cũ, trong lòng bỗng dâng lên một nỗi hoài niệm. Giáo sư Dương Quảng Hàm và người vợ tần tảo của ông, với một đàn con đông đúc, nếp có, tẻ có đã sống ở đây sao? Và bây giờ, người con trai thứ của ông, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Dương Trọng Bái đã bước vào tuổi 86, cũng gắn bó cuộc đời mình ở nơi đây.

Giáo sư Dương Trọng Bái chỉ quanh những ô nhà xung quanh cầu thang gỗ, giọng chầm chậm: “Ngày xưa là nhà ông cụ tôi cả, nhưng sau này, chỉ còn căn nhà này, cũng chật chội nóng bức lắm, nhưng đời nhà giáo nghèo như chúng tôi còn biết đi đâu. Tôi có hai đứa con, nên tôi phải cơi nới thêm chiếc gác xép mới tạm xoay sở được”. Tôi nhìn quanh gian phòng nhỏ, đồ đạc thật giản dị. Trên bàn thờ, ảnh Giáo sư Dương Quảng Hàm treo trang trọng, mái tóc chải ngôi giữa gọn gàng, khuôn mặt hơi nghiêm nghị, nhưng ánh mắt của ông thật nhân hậu, bao dung.

Nhớ về cha mình, Giáo sư Dương Trọng Bái bồi hồi: “Mẹ tôi hơn cha tôi hai tuổi, nhưng theo lối cổ “gái hơn hai, trai hơn một” càng tốt. Cha tôi đang học ở Hà Nội và không hề biết mặt mẹ tôi, phải về quê để làm lễ thành hôn. Cưới xong, ông lại lên Hà Nội học, mẹ tôi vẫn ở quê làm ruộng. Mãi sau này, mẹ tôi mới lên Hà Nội ở với cha tôi và 7 năm sau khi cưới, bà mới có con đầu lòng. Cuộc hôn nhân theo lễ giáo phong kiến này vẫn mang lại hạnh phúc, vì cha tôi là một người chồng, người cha gương mẫu, mẹ tôi là người phụ nữ tần tảo, thương yêu chồng con”.

Giáo sư Dương Quảng Hàm khi còn trẻ học rất thông minh. Năm 1920, ông tốt nghiệp Thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội với ghi nhận “Được ban giám khảo ngợi khen”. Tiểu luận tốt nghiệp của ông với tiêu đề “Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ” đã bộc lộ khuynh hướng nghiên cứu của ông. Sau đó, ông được phân bổ dạy ở Trường Bưởi, lúc đầu dạy Pháp văn, Sử, Việt văn, sau chuyển sang dạy Việt văn bậc Trung học.

Ông viết nhiều sách giáo khoa về Pháp văn và Sử học, trong đó cuốn sách đầu tiên ông biên soạn là Quốc văn trích diễm, rồi Việt văn giáo khoa thư cho bậc cao đẳng tiểu học. Năm 1941, ông biên soạn xong công trình được coi là bộ sách cho bậc trung học, gồm Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam thi văn hợp tuyển. Người Pháp cũng nể trọng tri thức và cốt cách kẻ sĩ của Giáo sư Dương Quảng Hàm, đã cử ông tham gia Hội đồng chấm thi tiếng Việt cho những công chức Pháp, một biện pháp rất khôn của thực dân Pháp để cai trị hiệu quả.

Giáo sư Dương Trọng Bái xúc động: “Từ lâu gia đình tôi vẫn sống ở phố Hàng Bông, nhưng lúc ấy cha tôi quyết định đến ở trong trường. Ông bảo với mẹ tôi rằng, hiệu trưởng phải ở trong trường để có việc gì thì giải quyết ngay. Nhưng chẳng bao lâu, tình hình Hà Nội rất căng thẳng. Trường Chu Văn An được lệnh ngừng dạy, cho học sinh đi tản cư. Các em nhỏ của tôi tản cư về quê. Anh tôi là bác sỹ nội trú nên không ở nhà. Chị tôi (bà tên là Dương Thị Ngân, phát thanh viên đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam) đã ra ở ngoại thành cùng cơ quan. Em gái tôi, Dương Thị Thoa đã thoát ly gia đình và nhập vào Trung đoàn Thủ đô. Ở nhà chỉ còn cha mẹ tôi và tôi, lúc đó là tự vệ dân phố. Mẹ tôi giục cha tôi đi về quê, nhưng ông nói, chưa có lệnh cho hiệu trưởng tản cư, mình về quê, nếu Bộ có chỉ thị gì thì biết tìm mình ở đâu? Thế là ông ở lại và vẫn đọc sách. Có lẽ là một trí thức, một thầy giáo chỉ biết đến sách vở và học trò, ông không cảm nhận hết được sự nguy hiểm, căng thẳng khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đêm 19/12/1946, tự vệ dẫn những người dân còn lại trong thành thoát ra ngoài. Cha mẹ tôi chia tay nhau từ đó, và vĩnh viễn sau này, chúng tôi không còn được nhìn thấy bóng dáng thân yêu, gương mặt nghiêm nghị của ông. Về đến quê, mẹ tôi chờ mãi không thấy cha tôi về, chỉ nghĩ ông bị mắc kẹt trong thành. Bản thân tôi mắc kẹt hơn một năm mới trốn ra được vùng tự do. Có lẽ ông bị đạn lạc, tên bay vào những phút cuối cùng bám trụ nhiệm sở”.

Sau này, trong hồi ký của mình, người em của Giáo sư Dương Trọng Bái là Giáo sư Dương Thị Thoa (tức Lê Thi) đã viết rằng, gia đình tôi đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của cha tôi, nhưng đã làm một tấm bia và xây mộ cho ông đặt ở nghĩa trang họ Dương tại quê nhà, gần mộ mẹ tôi. Điều bà đau xót nhất là ông ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ (48 tuổi), sức lao động của ông còn đang sung sức, nhiều dự định hoài bão của ông về cải cách, canh tân nền giáo dục nước nhà đành bỏ lại.

Sau cái đêm 19/12 định mệnh đó, Giáo sư Dương Trọng Bái đã quay trở về nhà mình ở phố Hàng Bông. Tất cả đã bị giặc Pháp đốt thành tro, tro dày đến hai gang tay, trong đó có cả tủ sách của cha ông và những bản thảo chứa nặng tâm huyết của Giáo sư Dương Quảng Hàm.

Vợ chồng Giáo sư Dương Quảng Hàm và các con (năm 1937)

Thắp lửa tình yêu văn chương

Giáo sư Dương Trọng Bái lục lại những kỷ vật về người cha thân yêu, có lẽ chỉ duy nhất còn lại là ba bức ảnh ông chụp chung cùng với vợ và tám người con. Trong ảnh Giáo sư Dương Quảng Hàm hiền từ mà trang nghiêm bên cạnh người vợ hiền, tám người con như “củ khoai, củ sắn” vây xung quanh, khuôn mặt sáng sủa thông minh. Quả là một gia đình hạnh phúc.

Chợt hai giọt nước mắt nhỏ lăn trên gò má đầy vết đồi mồi của Giáo sư Dương Trọng Bái: “Cha tôi nghiêm nghị lắm nhưng lại rất tình cảm, ông không bao giờ gò ép chúng tôi điều gì. Tối nào chúng tôi cũng quây quần bên một chiếc bàn dài để học bài, cha tôi ngồi bên cạnh. Khi tôi đỗ tú tài rồi, nếu theo con đường sư phạm thì phải học cử nhân khoa học, nhưng tôi lại chọn Trường Cao đẳng Công chính, đào tạo về cầu đường. Ông cũng không ngăn cản tôi, dù có thể trong lòng không muốn. Giá như ông sống thêm được vài năm nữa thì có lẽ ông đã cho xuất bản thêm được nhiều cuốn sách có giá trị”.

Giáo sư Nguyễn Lân (học trò của Giáo sư Dương Quảng Hàm) giờ đã thành người thiên cổ, nhưng khi còn sống, thi thoảng ông vẫn kể lại rằng: “Về Việt văn, anh em chúng tôi coi đó là hai giờ vô cùng thiêng liêng. Lại được thầy Hàm dạy, thì thầy trò cùng như thống nhất trong một lí tưởng cao cả. Thầy sẵn có một vốn Hán học sâu rộng, cộng vào đó là một lòng yêu nước tha thiết của truyền thống gia đình. Cho nên, giờ dạy Việt văn của thầy đối với chúng tôi chẳng khác nào một buổi thuyết pháp của một giáo sĩ cho những con chiên. Chính nhờ những bài giảng Việt văn của thầy mà chúng tôi biết yêu tiếng Việt giàu và đẹp, biết thưởng thức và tôn trọng nền văn học phong phú của ông cha để lại”.

Dạy ở Trường Bưởi, Giáo sư Dương Quảng Hàm chỉ được dạy 3 giờ Việt văn /tuần, vì người Pháp quan niệm tiếng Việt chỉ là môn học phụ, là một thứ ngoại ngữ không quan trọng, nhưng với với vốn Nho học sâu sắc, với lòng yêu nước tha thiết, yêu văn chương, với lương tâm nghề nghiệp của người thầy, thầy giáo trẻ Dương Quảng Hàm đã vượt qua những o ép của thực dân Pháp để đi con đường riêng của mình.

Chỉ mới hơn 5 năm giảng dạy, ông đã biên soạn xong cuốn Quốc văn trích diễm, trở thành cuốn sách giáo khoa chính thức trong chương trình Việt văn ở các trường sư phạm và cao đẳng tiểu học Pháp – Việt. Năm 1940 cuốn Việt văn giáo khoa thư của ông được xuất bản, chuẩn bị một bước cho công trình nổi tiếng gồm hai tập: Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam thi văn hợp tuyển. Hai cuốn sách này được đông đảo giới trí thức nước nhà đánh giá là cuốn văn học sử đầu tiên của nước ta được biên soạn công phu, có hệ thống và khoa học; một bộ sách giáo khoa mẫu mực, mang tính sư phạm cao, đồng thời là một công trình khảo cứu về lịch sử văn học đầu tiên, có giá trị to lớn và lâu dài.

Giáo sư Dương Quảng Hàm sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Phú Thị, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Cụ nội là Dương Duy Thanh từng làm Đốc học Hà Nội. Thân phụ là Dương Trọng Phổ, anh cả là Dương Bá Trạc đều tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và cả hai đều bị bắt đi đày Côn Đảo.

Truyền thống gia đình, nếp nhà Nho đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ con cháu trong gia đình họ Dương. Noi gương cha, tám người con của ông đều học hành đỗ đạt, vươn lên trong nghiên cứu khoa học, trong đó ba người con của ông đã được phong chức danh Giáo sư: Giáo sư Dương Trọng Bái, Giáo sư Dương Thị Thoa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu về giới và Giáo sư Dương Thị Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chăm sóc bảo vệ trẻ em.

Theo báo Công an nhân dân

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com