Giáo sư, Viện sĩ Dương Quang Trung: Người Thầy thuốc Nhân dân Anh hùng
- 06/12/2017
- Ban Thông tin truyền thông
- 2470
Giáo sư, Viện sĩ Dương Quang Trung sinh trưởng tại xã An Xuyên, một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Cà Mau, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Thuở nhỏ, ông được người cha dạy dỗ, nuôi dưỡng tình yêu nước thương dân, sống vì Tổ quốc và đồng bào. Lớn lên, ông được gửi theo học trung học tại Sài Gòn. Cuối năm 1947, ông tốt nghiệp tú tài. Rồi bằng sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của gia đình, theo gương mẹ, một nữ hộ sinh tận tụy, ông vào học ngành y tại Pháp. Năm 1958, ông tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa tại Trường đại học Y Bordeaux và làm bác sĩ phẫu thuật lồng ngực tại Trung tâm Foch-Suresnes của Pháp. Sớm giác ngộ cách mạng, ông tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia các hoạt động ủng hộ kháng chiến, chống chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam.
Giữa năm 1960, sau gần 13 năm sống, học tập và làm việc tại Pháp, ông cùng gia đình quyết định trở về Hà Nội, đồng cam cộng khổ với các đồng nghiệp trong thời kỳ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mà không chọn về Sài Gòn để có cuộc sống đầy đủ, an nhàn hơn. Ông được Bộ Y tế phân công về công tác tại Viện Chống lao Trung ương và được cử làm Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật phổi của Viện. Cùng thời gian này, ông cũng đã giúp GS. Tôn Thất Tùng trong việc xây dựng Khoa Phẫu thuật lồng ngực ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội…
GS.VS. Dương Quang Trung (1928-2013)
Từ đầu năm 1965, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ tiếp tục đổ quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã triển khai kế hoạch đưa các cán bộ y tế có trình độ về miền Nam, đáp ứng yêu cầu cấp bách của chiến trường. TS. Dương Quang Trung đã tình nguyện trở về Nam, góp công sức cùng đồng bào và chiến sĩ chống Mỹ cứu nước, giải phóng quê hương. Người bạn đời đảm đang và chung thủy của ông, trong suốt gần 20 năm trời ở lại miền Bắc, tần tảo nuôi dạy các con nhỏ trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại phải đi sơ tán trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn của đất nước.
Tháng 3/1965, TS. Dương Quang Trung tạm biệt vợ con lên đường vào chiến trường miền Nam đang vào thời kỳ ác liệt nhất. Sau 3 tháng hành quân vất vả, trèo đèo lội suối, vượt Trường Sơn, ông tới được vùng giải phóng, tham gia xây dựng và làm việc tại Bệnhviện Hoàng Lệ Kha, bệnh viện phục vụ sức khỏe cho cán bộ thuộc Ban Dân y, Trung ương Cục miền Nam.
Theo yêu cầu của cuộc kháng chiến với chiến lược chiến tranh toàn diện: hai chân (quân sự – chính trị) và ba mũi (quân sự – chính trị – binh vận), ngoài nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho cán bộ lãnh đạo, ông còn được điều động về hoạt động bí mật trong nội thành khu Sài Gòn – Gia Định, công tác ở Ban Trí vận – Mặt trận. Trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, ông cùng đồng đội tổ chức đưa các nhân sĩ trí thức yêu nước như luật sư Trịnh Đình Thảo, GS. Nguyễn Văn Kiết, BS. Dương Quỳnh Hoa, kỹ sư Nguyễn Văn Bổn và các vị khác ra chiến khu tham gia chuẩn bị thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Tháng 5/1975, sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ông về tiếp quản Sở Y tế trực thuộc Ủy ban Quân quản khu Sài Gòn – Gia Định và đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở. Sau này, từ năm 1981 – 1997, ông được cử làm Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.
GS. Dương Quang Trung (phải) và GS. Alain Carpentier, Pháp (người đồng sáng lập Viện Tim TP.HCM)
Những năm đầu sau giải phóng, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đứng trước những khó khăn, thách thức với bộn bề công việc, lo toan. Với lòng yêu nước của người trí thức và nhiệt tình của một người trí thức cách mạng, TS. Dương Quang Trung đã tham gia chỉ đạo sát sao và quyết liệt công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và khống chế các bệnh xã hội do chế độ cũ để lại. Với tình đồng nghiệp chân thành, ông thăm hỏi, tâm sự với các trí thức là nhân viên cao cấp của chính quyền cũ, vận động nhiều bác sĩ tại chỗ ở lại cùng chung tay xây dựng đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của ông, ngành y tế thành phố đã nhanh chóng được phục hồi và phát triển không ngừng. Ngày 4/10/1988, có một sự kiện y học lớn đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh: ca mổ lịch sử tách đôi cặp song sinh dính liền Việt – Đức. Ca mổ đã quy tụ gần 70 chuyên gia y tế đầu ngành, kéo dài hơn 15 tiếng đồng hồ đã được thực hiện thành công dưới sự tổ chức và chỉ đạo tài tình của TS. Dương Quang Trung.
Tiếp theo đó, nhằm giải quyết các bệnh tim mạch ngày càng có xu hướng gia tăng, ông đã có quan hệ và hợp tác tốt đẹp với GS. Alain Carpentier, Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Pháp, bắt tay xây dựng một Viện Tim tại TP. Hồ Chí Minh, với nhiều trang thiết bị và phòng mổ hiện đại. Viện Tim được khởi công xây dựng vào cuối tháng 4/1990 và hoạt động từ ngày 1/1/1992 theo quy chế tự quản, tự hạch toán, không nhằm mục đích lợi nhuận, tiếp nhận những bệnh nhân có khả năng tài chính và giúp đỡ, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo khó. Với thành tích điều trị và phẫu thuật thành công nhiều bệnh tim hiểm nghèo và chuyển giao kỹ thuật mổ tim cho nhiều bệnh viện khác, năm 2006, Viện Tim TP. Hồ Chí Minh đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ngoài việc tổ chức, lãnh đạo và quản lý ngành y tế của một thành phố lớn và đông dân nhất cả nước, TS. Dương Quang Trung còn rất chú trọng tới công tác đào tạo cán bộ. Năm 1989, trên cương vị người đứng đầu ngành y tế thành phố, ông chủ trương đề nghị và chỉ đạo xây dựng Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế của thành phố, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh và được sự đồng thuận của các cơ quan Trung ương. Trung tâm do ông làm Hiệu trưởng đầu tiên là một mô hình đào tạo mới, nhằm đào tạo các bác sĩ đa khoa hướng về cộng đồng. Mô hình “Trường – Viện – Cộng đồng” là một chủ trương sáng tạo, đã có nhiều đóng góp hiệu quả trong việc kiện toàn mạng lưới y tế của thành phố. Sau gần 20 năm hoạt động với nhiều thành tích đáng khích lệ, ngày 7/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, trên cơ sở tổ chức và hoàn thiện lại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế trước đây.
GS. Dương Quang Trung trong ngày nhận Huân chương Quốc công (năm 2006) do nước Pháp trao tặng.
Năm 1991, với tài năng và những thành tích xuất sắc đạt được trong lĩnh vực ngoại khoa, TS. Dương Quang Trung đã được Viện Hàn lâm Phẫu thuật quốc gia Pháp bầu làm Viện sĩ. Ông là một trong số rất ít các nhà phẫu thuật Việt Nam cũng như các nước khác nhận được vinh dự này.
Cuối năm 2002, khi đã bước vào tuổi 75, ông được về nghỉ hưu, thôi đảm nhiệm các chức vụ chính quyền. Mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn hăng say các hoạt động chuyên môn và xã hội. Ông vẫn tham gia giảng dạy – đào tạo, làm Chủ nhiệm Khối bộ môn Sức khỏe cộng đồng và Phụ trách đối ngoại của Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế. Từ năm 2004, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Y học TP. Hồ Chí Minh; từ năm 2005, làm Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và nhiều chức vụ quan trọng khác. Trên những cương vị công tác này, Giáo sư Viện sĩ Dương Quang Trung đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Y học TP. Hồ Chí Minh trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp đông đảo giới thầy thuốc trong cả nước để tham gia vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Đánh giá công lao to lớn của ông trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền y học và y tế, Nhà nước và nhân dân đã trao tặng ông những huân chương và danh hiệu cao quý. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (1995), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2003) và nhiều huân, huy chương các loại. Ông xứng đáng với danh hiệu được các đồng nghiệp và học trò suy tôn là “Người Thầy thuốc Nhân dân Anh hùng”, một tấm gương sáng để các thế hệ thầy thuốc Việt Nam noi theo.
GS.TS. LÊ GIA VINH – Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam
(Theo Báo Sức khỏe và Đời sống)