Hình ảnh người phụ nữ trong thơ Dương Khâu Luông
- 26/05/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 993
Từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong cuộc sống và cũng là hình ảnh tạo niềm cảm hứng sáng tạo bất tận cho các văn nghệ sĩ. Đối với văn học Bắc Kạn, người phụ nữ vùng cao đã phần nào tỏa sáng qua những tác phẩm của nhà thơ Dương Khâu Luông.
“Tôi sinh ra bên bếp lửa nhà sàn
Tiếng khóc đầu tiên tôi cất lên bên bếp lửa…”
Những câu thơ trong tác phẩm “Lửa ấm Bản Hon” là lời giới thiệu chân tình của tác giả Dương Khâu Luông về mình. Ông tên thật là Dương Văn Phong, là người con của dân tộc Tày ở Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể. Với những người yêu văn học, nhà thơ Dương Khâu Luông đã trở nên quen thuộc thông qua các tác phẩm đặc sắc và nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam… Ông được biết đến qua những bài thơ thiếu nhi và nhiều tác phẩm song ngữ Tày – Việt mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Sinh ra và lớn lớn ở vùng quê nghèo, từ nhỏ nhà thơ Dương Khâu Luông đã cùng bà, cùng mẹ lên nương rẫy. Cuộc sống khó khăn, hình ảnh người phụ nữ vất vả, không quản mưa nắng theo ông lớn lên trong tâm thức. Chính vì vậy, không lạ khi đây cũng là nguồn cảm hứng trong nhiều sáng tác của tác giả Dương Khâu Luông.
Trên khắp làng quê Việt Nam, không khó để bắt gặp những cụ già lưng còng, tóc bạc, đó là những người bà, người mẹ đã đi vào rất nhiều tác phẩm văn học. Riêng với nhà thơ Dương Khâu Luông, nhắc đến bà là nhớ về:
“Cái áo của bà
Hai vai bạc phếch
Một bên nắng táp
Một bên mưa sa.”
(Chiếc áo của bà)
Những năm tháng gian khổ, bất cứ ai trong gia đình cũng nỗ lực lao động, lo toan cuộc sống. Với những người bà, tuy tuổi cao nhưng vì thương con, thương cháu vẫn cố gắng phụ giúp gia đình. Người bà trong thơ của tác giả Dương Khâu Luông cũng vậy, bà mặc chiếc áo cũ, hai vai áo “bạc phếch” bởi thời gian, bởi những gánh củi, gánh lúa… giữa “nắng táp”; “mưa sa”. Từng câu, từng chữ có phần ngây ngô nhưng lại chứa chan tình yêu thương: “Nhìn vai áo bạc/Cháu thương bà hơn”.
Theo thời gian, mỗi người đều phải rời xa gia đình, bước vào nhịp sống bận rộn. Nhà thơ Dương Khâu Luông cũng vậy, giữa không gian ồn ào của phố thị, ông không khi nào ngừng nhớ quê hương. Trong những sáng tác của ông, bài thơ “Tiếng quay sa của mẹ” đã phần nào nói lên được tâm sự của người con xa nhà. Đặc biệt hơn, trong nỗi niềm da diết đó, hình ảnh người mẹ lại mang đến cho người đọc sự đồng cảm sâu sắc. Người mẹ giản dị thân thương, ngày ngày dầm mưa, dãi nắng, đêm về mải miết quay sa, để rồi tiếng quay sa ấy cùng tác giả lớn khôn, đi vào tận tâm thức, mà đôi khi chỉ có thể nghe lại được trong giấc mơ. Thông qua bài thơ này, bạn đọc đã thấy được hình ảnh người phụ nữ vùng cao chăm chỉ, khéo léo và luôn là chỗ dựa tinh thần cho những đứa con thân yêu.
Không chỉ trong những sáng tác về gia đình, nhà thơ Dương Khâu Luông còn góp phần mang hình ảnh người phụ nữ dân tộc Tày đến gần hơn với bạn đọc thông qua bài thơ “Người đẹp núi Hoa”. Cô gái Tày trong thơ như bước ra từ bức tranh hữu tình với nước da trắng ngần, giọng nói ngọt ngào và ánh mắt biết nói. Tác giả còn khéo léo dùng lời thơ khẳng định: Chính nước nguồn của núi Hoa đã nuôi dưỡng nên những “bông hoa” đẹp xinh của Phja Bjoóc. Bài thơ đã được nhạc sĩ Nông Văn Nhủng phổ nhạc và được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải A năm 2012.
Có thể thấy, nhà thơ Dương Khâu Luông luôn dành những tình cảm đặc biệt sâu sắc khi viết về phụ nữ. Thông qua những sáng tác của ông, hình ảnh người phụ nữ luôn được trân trọng và ghi nhận. Họ là những người kiên cường, thủy chung, hết lòng ủng hộ cách mạng trong những năm tháng chiến tranh. Họ là những cô gái đẹp được núi rừng nuôi dưỡng. Nhưng hơn hết, họ là bà, là mẹ, là vợ, là người giữ ngọn lửa gia đình. Dù thời gian có trôi đi, nhưng tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình sẽ không bao giờ thay đổi:
“Em đến…
Niềm vui chứa đầy nhà
Ăm ắp
Bếp lửa cũng reo lên
Hạnh phúc!”
(Cơn mưa ở xa em)
Khi nhắc đến những tác phẩm viết về phụ nữ, nhà thơ Dương Khâu Luông chia sẻ: Các sáng tác về người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng cao luôn cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Tôi luôn thấy được ở họ sự duyên dáng và đức hi sinh. Người phụ nữ nào cũng có vẻ đẹp riêng, không quản ngại vất vả, một lòng lo cho gia đình, luôn ấm áp, sẻ chia và là chỗ dựa tinh thần cho những người thân yêu. Thông qua các sáng tác của mình, tôi hi vọng mọi người sẽ thêm yêu thương và trân trọng những người phụ nữ bên cạnh mình. Hãy chăm sóc và trao cho họ tình cảm chân thành, vì họ chính là những bông hoa khiến cuộc đời trở nên rực rỡ.
Nguồn: Báo Bắc Kạn