Hoa khôi Wushu Dương Thuý Vi: Thanh xuân của tôi gắn liền với phòng tập
- 25/10/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 702
Việc cô gái vàng của làng Wushu Việt Nam Dương Thúy Vi sở hữu bộ sưu tập đồ sộ ở các giải VĐQG, SEA Games, ASIAD, các giải vô địch thế giới… đã không còn là điều xa lạ với mọi người. Thế nhưng, ít ai biết rằng, cô gái sinh năm 1993 này lại bén duyên với Wushu một cách hết sức tình cờ.
Sở hữu bảng thành tích đáng mơ ước với bất cứ vận động viên nào, không biết Dương Thuý Vi đã bén duyên với Wushu ra sao?
– Tôi bén duyên với Wushu khá sớm và cũng rất tình cờ. Hồi đó tôi mới khoảng 7 tuổi, rất ham chơi và bướng bỉnh. Thấy anh họ mình được bố đưa đi xin học võ để giảm cân, tôi cũng nằng nặc đòi theo. Thế là tôi… yêu luôn Wushu từ đó. Thầy giáo đầu tiên cũng là bạn thân của bố tôi, đã yêu cầu tôi thử bật xa trong lần đầu thử sức. Ngay lập tức, tôi đã tạo ra sức bật vô cùng ấn tượng với sải chân dài. Tôi cũng khá “còi” ở thời điểm đó.
SEA Games 31 sắp tới sẽ diễn ra tại Việt Nam, Thúy Vi đã chuẩn bị như thế nào?
– Là một vận động viên, điều quan trọng nhất đối với bản thân tôi hiện tại đó là phải ổn định tâm lý. Những chấn thương cũ của tôi vẫn chưa hoàn toàn bình phục, chính vì thế bây giờ tôi phải vừa tập vừa điều trị. Có khá nhiều vận động viên cũng đang chấn thương và để đợi chấn thương khỏi hẳn mới thi đấu thì không biết đến bao giờ. Tôi luôn tâm niệm dù bản thân có giành những vị trí cao nhất thì vẫn phải cố gắng mỗi ngày và quan trọng nhất là phải vượt qua được nỗi sợ chấn thương.
Mục tiêu của Thuý Vi ở SEA Games 31 là gì?
– Vi muốn giành được HCV. Khi lên sàn đấu ai chẳng muốn thắng, nhưng với tôi, chiến thắng quan trọng nhất là thắng chính mình. Để có kết quả tốt nhất, tôi luôn phải đảm bảo được việc không chấn thương, không để lỗi bài nào. Việc tôi không để lỗi bài nào là đã chiến thắng chính mình. Riêng với môn Wushu, mặc dù tôi có làm độ khó hay kĩỹ thuật cao hơn mọi người thật, nhưng chỉ cần có điểm trừ thôi đã là coi như không tranh chấp giải được với các nước khác. Bộ môn này yêu cầu độ chính xác cao nên rất dễ bị mắc lỗi và mất điểm. Vậy nên mục tiêu cao nhất của tôi là sẽ cố gắng để bản thân không có điểm trừ. Khi bản thân Vi quá áp lực về việc phải giành HCV thì rất dễ quên bài. Lúc lên thi đấu, tôi luôn sợ cảm giác bị tác động từ ngoại cảnh như việc khán giả cổ vũ, điều này khiến tôi dễ bị hưng phấn, hay bị dùng quá lực, không kiềm chế được tốc độ thành ra bài rất dễ bị dính lỗi.
Tham gia rất nhiều giải đấu, chắc hẳn bên cạnh những chiếc huy chương, Thúy Vi cũng có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chị có thể chia sẻ với bạn đọc của Báo Dân Việt một kỷ niệm đáng nhớ trong các kỳ SEA Games trước đây?
– Với riêng Vi, mỗi năm đi thi đấu luôn để lại nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm Vi nhớ nhất là năm 2013. Đây cũng là lần đầu tiên Vi cảm thấy tranh tài ở đẳng cấp quốc tế mà như thi đấu bình thường. Đến bây giờ, Vi vẫn không thể tin bản thân đã giành được HCV đầu tiên tại SEA Games 27 tại Myanmar năm 2013. Bản thân Vi lúc đó chỉ chuyên tâm tập luyện với đội mà không để ý các đội khác thi đấu như thế nào. Đến ASIAD năm 2014, Vi bước lên thi đấu với tâm lý rất nhẹ nhàng, không nghĩ mình lại là người được HCV đầu tiên. Đến năm 2015, Vi không được thi trước như mọi năm, phải vào thi giữa nhưng cuối cùng người giành HCV đầu tiên cho đội vẫn là Vi. Năm 2017, đội bắn cung đi thi trước, mình cứ nghĩ rằng đội bắn cung sẽ được HCV trước, nhưng cuối cùng Vi lại vẫn là người giành HCV đầu tiên cho đội tuyển Việt Nam. Vi cảm thấy bản thân rất may mắn khi luôn là người khởi đầu giành HCV cho đoàn thể thao Việt Nam trong những năm 2014 – 2017.
Cảm xúc của Thuý Vi như thế nào khi giành được số lượng HCV nhiều như vậy?
– Tôi giành chức vô địch thế giới và vô địch SEA Games 2013 cùng một năm, vô địch thế giới trước rồi đến vô địch SEA Games 2013. Sang năm 2014 tổ chức ASIAD, tôi chưa vô địch thế giới mà chỉ đứng thứ 3 thôi. Khi dự giải thế giới, tôi không nghĩ là mình giành được HCV, cảm xúc vô cùng khó tả. Hôm giành được HCV, tôi còn không cười được vì không nghĩ HCV đến với mình nhanh như thế.
Trước hôm đi thi, tôi có đi mua vàng cho cô mình, cô bảo tôi mua 1 cái lắc vàng để đeo lấy may đi nhưng tôi không mua. Lúc ấy, cô hứa nếu tôi giành được HCV sẽ mua tặng tôi một chiếc lắc vàng. Năm tôi đi thi SEA Games, bản thân cứ nghĩ đánh đi, đánh đến đâu hay đến đấy, đời chưa bao giờ nghĩ có nhiều anh em báo chí đứng xung quanh mình nhiều đến thế. Tôi thậm chí không nghĩ mình là người nổi tiếng.
Với Vi, Wushu quan trọng như thế nào?
– Wushu là môn thể thao yêu cầu độ chính xác rất cao. Người ta có thể đánh kém hơn, nhưng không bị trừ điểm là đã thành công. Cho dù bài của mình có độ khó hơn đối thủ, chỉ cần mắc lỗi là không có khả năng tranh chấp huy chương.
Trước bất cứ giải đấu nào, tôi luôn đặt mục tiêu không để lỗi. Đó đã là một chiến thắng với bản thân. Tôi ưu tiên bảng điểm của mình không bị trừ. Nếu hoàn thành bài, kém điểm người ta thì đành chấp nhận, chứ mắc lỗi là điều khó chịu nhất.
Tôi hạn chế đánh theo bản năng, tránh để áp lực bên ngoài ảnh hưởng rồi mắc lỗi lúc nào không hay. Điều quan trọng nhất là phải làm chủ được cái thảm, làm chủ được động tác. Còn hưng phấn không giải quyết được vấn đề gì.
Thuý Vi đã từng bị chấn thương, vậy chị có thể chia sẻ khoảng thời gian đó ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào?
– Nói về chấn thương thì nhiều lắm, nhưng kỷ niệm khó quên nhất của tôi chính là ở giải trẻ thế giới 2008 tại Bali (Indonesia). Trong một động tác tiếp đất, mu bàn chân của tôi bị gập, chệch ổ khớp.
Vô cùng đau đớn nhưng tôi cố gắng đi hết bài dù biết không thể giành huy chương. Vừa kết thúc, mọi người ùa vào bế tôi ra ngoài. Đá chưa kịp mang tới và mọi người dí thẳng chân của tôi vào một bể cá rất to để được làm lạnh. Ngày ấy tôi còn trẻ, mới 15 tuổi, rất sốc với chấn thương đó và đã muốn nghỉ.
Khi tham dự SEA Games 2017, tôi bị ốm. Cả đêm đó không ngủ được, 3 giờ sáng trước ngày thi đấu vẫn còn sụt sịt. Lúc đó tức lắm, tự trách mình thi đấu bao nhiêu năm còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Năm đó cũng đi Nga lạnh như thế còn chẳng sao, mà sang Malaysia để bị ốm.
Sáng hôm sau, lúc khởi động tôi vẫn còn nước mắt, nước mũi lòng thòng. Tôi mệt lắm, nhưng không dám uống thuốc vì sợ ảnh hưởng. Thế mà khi thi đấu tôi tỉnh táo lại ngay, còn giành HCV Thương thuật.
Tôi cảm thấy bị bất lực, bị ức chế kinh khủng mỗi khi dính chấn thương và phải nhìn người khác tập luyện. Đầu gối của tôi thỉnh thoảng vẫn bị mất lực, bị viêm, chảy dịch, rách sụn chêm trong. Bác sĩ bảo không tránh được, muốn khỏi chỉ có giải nghệ. Lúc đó cảm giác như bị điểm huyệt, bị phế võ công như phim chưởng.
Tôi không đặt mục tiêu gì trước SEA Games 31 hay những giải đấu lớn, chỉ cần giữ sức khoẻ và tránh chấn thương đến mức tối đa. Tôi đã lớn tuổi rồi, khả năng bình phục cũng chậm hơn so với hồi xưa.
Tôi sợ rằng mình mà khóc mỗi khi chấn thương hay trong bất kỳ trường hợp nào đó sẽ làm cha mẹ thêm lo lắng. Họ đã muốn tôi dừng lại rồi, và tôi không muốn có thêm lý do để cha mẹ bắt tôi từ bỏ wushu. Quả thực, tôi không thể tìm ra tôi có một năng khiếu gì ngoài wushu cả. Những sở thích của con gái như shopping, trang điểm… tôi đều không quen. Giả dụ như bây giờ mà tôi mặc váy về nhà thì bố mẹ tôi sẽ ngạc nhiên vô cùng, đồng thời mừng lắm. Ngay cả hát tôi cũng không hát nổi. Hồi nhỏ tôi cũng hay vẽ nhưng chỉ vẽ được… ngôi nhà thôi. Chứ động tới cái gì nghệ thuật một chút như vẽ đặc tả đôi mắt là chịu!
Vậy Vi đã có dự định gì cho mình sau khi giã từ sàn đấu?
– Tôi nghĩ, chắc cả đời mình sẽ gắn bó với Wushu. Tôi tâm niệm nhờ Wushu mà có được như ngày hôm nay, được mọi người biết tới nên tôi sẽ chẳng rời xa đâu!
Tôi đã tốt nghiệp Đại học TDTT và cũng đã được vào biên chế của Sở VHTT Hà Nội. Vậy nên sau này không thi đấu nữa sẽ làm công tác huấn luyện. Có thời gian, tôi sẽ cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn của mình sâu hơn để sau này góp phần đào tạo nên những thế hệ vận động viên mới cho thể thao Việt Nam.
Nhìn lại cả một hành trình, tôi vẫn thấy mình là người may mắn khi có được HLV, chuyên gia Trung Quốc rất tâm lý. Tôi biết họ rất áp lực thành tích nhưng không bao giờ nói với tôi: “Em phải giành HCV” hay “Em không được mắc lỗi”. Tất cả những gì họ làm là giúp tôi học được tính kiên nhẫn, kiên trì thay vì quá vội vàng dẫn tới những thất bại đáng tiếc.
Trước đây khi còn trẻ, tôi thường nôn nóng, làm 1 động tác 3 lần không được là tôi tự biên động tác khác để đi tìm sự hoàn hảo nhanh nhất cho bài biểu diễn của mình. Nhưng HLV, chuyên gia đã “ép” tôi. Đúng là có thời gian tôi cảm thấy cái tôi của tôi bị “ép” xuống, vô cùng khó chịu. Nhưng nghĩ lại, nhờ đó mà tôi trưởng thành hơn. Khi “sâu” hơn trong suy nghĩ, phong cách biểu diễn của tôi cũng ổn định hơn! Những kinh nghiệm, bài học ấy là tài sản vô giá.
Tại sao đến giờ Vi vẫn chưa lập gia đình?
– Tính đến lúc này, bao năm tôi chỉ biết ăn, tập và thi đấu. Tôi chưa chơi được gì, thậm chí nhiều khi phải kìm nén những sở thích đơn giản nhất của bản thân thì làm sao tôi có thể nghĩ tới hôn nhân lúc này.
Nếu tôi cởi bỏ bộ quần áo tập để khoác lên mình những bộ váy như những cô gái ngoài kia, gia đình tôi sẽ là những người hạnh phúc nhất.
Bố mẹ khuyên nên nghỉ vì sợ tôi tập luyện vất vả. Mẹ tôi nói những câu đau lòng như: “Đừng để mẹ đẻ con lành nuôi con què”. Tôi phân tâm lắm chứ, nhưng cũng không muốn nghĩ nữa.
Đôi khi tôi chỉ muốn được như người bình thường, như bạn bè mình, được học, được chơi. Có những đợt tôi không thể lên cân, không phải do tập luyện mà do áp lực thi đấu, áp lực gia đình, áp lực học tập. Đôi khi còn cảm giác như mình bị bỏ rơi.
Trong khoảng thời gian chục năm đó, hàng ngày, hàng giờ, tôi luyện đi luyện lại một bài kiếm, bài thương hay bài quyền… Các môn khác có sự hưng phấn, có sự cạnh tranh cao. Còn nội dung của tôi là chiến đấu với chính mình. Một động tác đá, có khi phải đá tới hàng chục nghìn lần, nhiều khi cảm thấy rất chán!
Với thể thao, để chơi phòng trào thì không sao nhưng nếu theo chuyên nghiệp thì vấn đề sức khỏe, chấn thương… là điều mà mọi VĐV đều phải đối mặt.
Chúng tôi thường phải vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể mình và đương nhiên xương khớp gặp vấn đề. Đàn ông lấy vợ xong vẫn tập luyện, thi đấu trở lại được còn với tôi có lẽ sau khi lập gia đình xong sẽ nghỉ thôi!
Tôi là người cầu toàn, muốn hướng tới một mối quan hệ bền chặt, gắn bó khi cả 2 đều đủ trưởng thành, suy nghĩ chín chắn. Tôi nghĩ sau khi lập gia đình tôi phải có nhiều trách nhiệm hơn chứ không muốn sinh con xong để đó cho bố mẹ và chồng phải lo. Vậy nên dù gia đình đề cập tới chuyện cưới xin nhưng tôi chỉ ậm ừ cho qua. Tôi chưa sẵn sàng! Tôi vẫn đang muốn được tập luyện, được thi đấu. Tôi mong muốn truyền lại tất cả cho lứa “đàn em” hiện tại và học trò sau này!
Những ngày lễ 20/10 hay 8/3, Thuý Vi có hay dành cho mình ngày nghỉ để đi chơi với bạn bè?
– Ngoài võ thuật, tôi đặc biệt thích du lịch. Đời VĐV được đi nước ngoài nhiều nhưng để hiểu về văn hóa, con người nơi đến thì chưa. Chúng tôi chỉ tới đất khách, tập luyện, đi thi đấu rồi về.
Tôi cũng rất thích ngồi cafe, trà chanh la cà đường phố với bạn bè. Đó có thể là người mới quen hay cả những đồng đội đã tập luyện cùng tôi 10-20 năm qua. Điều quan trọng là thay đổi không gian giúp tôi cảm thấy thư giãn, thoải mái.
Ngày 20/10 hay 8/3, tôi muốn giành thời gian cho gia đình nhiều hơn, thời gian tôi đi thi đấu, tập luyện nên ít khi được về nhà, nên tôi cũng muốn gần mẹ, phụ giúp bố mẹ việc nhà, cùng mẹ vào bếp, đi chợ… (cười).
Về ẩm thực, tôi đặc biệt thích ăn giá xào thịt bò và cũng thích vào bếp làm món này cho mọi người thưởng thức. Tôi cũng thích làm thịt kho nhưng để làm ngon cần nhiều thời gian trong khi tôi lại đi tập huấn, thi đấu suốt nên ít có dịp “rèn luyện”.
Toàn bộ tuổi thanh xuân của tôi gắn liền với phòng tập, với mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi đã đánh đổi tuổi trẻ, thanh xuân, thời gian cho gia đình để dành hết cho ngày hôm nay. Đằng sau những tấm huy chương là một câu chuyện rất dài.
Tôi đã trải qua những giai đoạn vất vả, chán nản tưởng chừng không thể vượt qua được. Tôi đã có thể nghỉ từ năm 2014, khi giành tất cả huy chương cao quý trong tay, để ra làm những thứ khác. Nhưng bản thân tôi cảm thấy mình chưa học đủ trong Wushu.
Ai hỏi, tôi chỉ nói là thi đấu một vài năm nữa. Tôi không hứa hẹn với bất kỳ ai, tôi muốn kéo dài sự nghiệp đến chừng nào có thể.
Thuý Vi có hay thể hiện tình cảm với mẹ nhân những ngày lễ đặc biệt không?
– Tôi là người khá mạnh mẽ, ít khi thể hiện được cảm xúc nói thương mẹ, nhưng ngày lễ như 20/10, tôi hay mua hoa hoặc quà tặng mẹ, có thể mua hoa về cắm trong nhà để thêm phần trang trọng. Bình thường không thích nấu ăn lắm, nhưng ngày lễ tôi vẫn vào bếp phụ mẹ nấu ăn, làm những món bố, mẹ thích để hâm nóng tình cảm gia đình.
Phong cách thời trang ưa thích của Vi là gì?
– Tôi chỉ thích giày thể thao, áo phông và… quần đùi. Nó cho tôi cảm giác thoải mái, tự tin.
Cảm ơn Thuý Vi về cuộc trò chuyện!
Dương Thuý Vi sinh ngày 11/5/1993, là nữ VĐV gốc Hà Nội. Cô được xem như thần tài của đoàn TTVN, khi thường xuyên mở hàng HCV trong những kỳ đại hội lớn.
Thuý Vi đã giành 4 HCV SEA Games trong 3 kỳ đại hội từ 2013 – 2017, trong đó vô địch nội dung Kiếm thuật cả 3 kỳ. Năm 2019, Vi không dự SEA Games 30 vì nước chủ nhà Philippines cắt bỏ nội dung. Tại Á vận hội lần thứ 17 tổ chức ở Incheon, Hàn Quốc, Thuý Vi là VĐV duy nhất của đoàn TTVN giành HCV ở nội dung Thương thuật, Kiếm thuật kết hợp.
Thuý Vi 2 lần vô địch Giải Wushu Thế giới vào năm 2013 và 2017, đều ở nội dung Thương thuật. Trong đó năm 2017, cô giành HCV với điểm số 9,64, hơn VĐV về nhì người Hàn Quốc 0,01 điểm.