Họa sỹ Dương Viên: Người con Họ Dương yêu hội họa
- 06/11/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 1555
Họa sỹ Dương Viên tên thật là Dương Ngọc Viên, sinh năm 1931 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu. Ông rất tự hào vì sinh ra là một người con Họ Dương trong một vùng đất có truyền thống khoa bảng, hiếu học với các nhân vật nổi tiếng như Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Xuân Dũng, Phan Cự Tiến, Hồ Đức Việt, Văn Như Cương, Hoàng Văn Lân, Hoàng Trung Thông, Lam Giang…
Ngoài ra, làng Quỳnh Đôi còn có truyền thống cách mạng lâu đời, góp phần vào những cuộc kháng chiến chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Bản thân họa sĩ Dương Viên sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Bà nội của ông là Mẹ Việt Nam Anh hùng, có 3 con là liệt sỹ, trong đó có cha ông – liệt sỹ Dương Ngọc Liễn, một cán bộ lãnh đạo cuộc biểu tình trong phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh huyện Quỳnh Lưu. Khi cha bị giặc Pháp bắn, ông vẫn còn nằm trong bụng mẹ.
Họa sĩ Dương Viên
Mọi người kể lại rằng ngày bị dẫn ra pháp trường, cha ông vừa đi vừa ngẩng cao đầu quát mắng bọn thực dân cướp nước. Sau này dân Quỳnh Đôi vẫn nhắc về ông bằng câu ca: “Chết như thế mới nên cái chết/ Chết vẻ vang để ngàn thu còn nhớ mãi”. Có lẽ chính tinh thần yêu nước, một lòng phục vụ Tổ quốc thừa hưởng từ gia đình và quê hương ấy đã ngấm sâu vào trong hồn Dương Viên từ thời thơ bé, để sau này, trong các tác phẩm nghệ thuật của mình, người họa sỹ đã tựa vào nó để sáng tạo và nâng niu.
Từ nhỏ đã thích vẽ, hơn 10 tuổi Dương Viên lên Thành phố Vinh học, gặp ông thầy dạy vẽ – họa sỹ Lê Yên- người đã tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hiện giảng dạy ở Quốc học Vinh và ngay lập tức bị cuốn hút bởi những bức vẽ đẹp mắt của người thầy này. Ông Lê Yên thấy vậy, liền nói: “Cậu cứ đi theo tôi, tôi sẽ bày cho!”. Vậy là từ đó, Dương Viên có những buổi học vẽ với thầy mà sau này nhớ lại, ông cho rằng đó là những bài học vô cùng quý giá.
Trong các năm học cấp II, Dương Viên được biết đến như một học sinh có năng khiếu vẽ vịnh theo thơ các thầy cô đọc trên lớp. Trong lúc các thầy đọc thơ cho cả lớp nghe, cậu bé Dương Viên được đứng trên bục giảng, cầm phấn trắng vẽ lên tấm bảng đen, thể hiện sinh động các hình ảnh trong thơ. Bạn bè phía dưới luôn nhìn ông với ánh mắt ngưỡng mộ và quay sang nhau trầm trồ khen ngợi. Trong một cuộc thi vẽ của thanh niên tỉnh, bức tranh của Dương Viên đã giành giải Nhất. “Đó là bức vẽ Anh hùng Lê Văn Tám tẩm xăng trên mình, lao vào kho xăng giặc tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in bức vẽ ấy, và với riêng tôi, đó là tác phẩm đầu tiên trong quá trình học tập và lao động nghệ thuật của mình”, họa sỹ Dương Viên trầm ngâm nói.
Năm 1948 Dương Viên được tuyển vào Trường Thiếu sinh quân, rồi đến năm 1950 được cử đi học quân sự ở Trung Quốc, chuyên ngành Bộ binh. Sau đó ông ở lại trường, làm công việc trình bày mỹ thuật tại Báo Học tập thuộc trường quân sự của Việt Nam ở Vân Nam. Đến năm 1954 ông về nước, công tác tại Trường Sỹ quan Lục quân với công việc là giảng dạy tại Khoa Hóa học. Ở đây, một trong những công việc mà ông yêu thích là vẽ đồ quân dụng, vũ khí, các động tác quân sự… làm giáo cụ trực quan cho giảng dạy. Đến cuối năm 1958, Dương Viên được điều về Báo Quân đội nhân dân và từ đó ông vừa làm vừa học mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (sau này là Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Tác phẩm Niềm tin (sơn mài)
Một thời gian sau, ông về công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội thuộc Tổng cục chính trị, được phân công huấn luyện về hội họa cho các đơn vị. Đây cũng là thời gian sáng tác sôi nổi nhất của họa sỹ Dương Viên trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ. Nhiều bức vẽ của ông đã đạt đến trình độ điêu luyện khi thể hiện các mảng đề tài cách mạng, chiến đấu như Xuất kích (khắc gỗ, 1970), Thư nhà (sơn mài, 1972), Trận địa trên cao (sơn mài, 1973), Gặp gỡ (sơn mài, 1974), Niềm tin (sơn mài, 1980)…
Một dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời ông, ấy là năm 1973, ông nhận nhiệm vụ vẽ tem trong thời điểm hết sức nhạy cảm: Mỹ – Ngụy đang thất bại nặng nề (nhất là sau Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không), tuy nhiên chúng còn rất ngoan cố, ngang nhiên vi phạm Hiệp định Paris… Trên con tem nhỏ xíu, làm sao để thể hiện được ý chí, tinh thần của quân đội ta, trong khi đó phải đảm bảo sự đơn giản, sử dụng ít màu để phù hợp với kỹ thuật in ấn bấy giờ.
Sau nhiều lo lắng và trăn trở, ông đã chọn chủ đề “Đánh nhanh, diệt gọn” để thể hiện bộ tem với hình vẽ trên tem là hình tượng người chiến sỹ giải phóng quân miền Nam, với mũ tai bèo, quân phục được ngụy trang, tay cầm tiểu liên, tư thế đang lao về phía trước cùng cỗ xe tăng lớn xông lên phía địch. Phía sau người chiến sỹ ấy là các nòng pháo vươn cao cùng các khẩu hiệu: Đánh mạnh, Diệt gọn, Phát triển nhanh. Bộ tem được phát hành đúng ngày Kỷ niệm Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, kịp phân phối cho bộ đội đón và gửi thư, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội ta chiến đấu.
Tác phẩm Gặp gỡ (sơn mài) của họa sỹ Dương Viên
Đi sâu vào mảng đề tài cách mạng, tranh của Dương Viên không bị nội dung lấn át, làm khô và lu mờ hình thức nghệ thuật mà ngược lại, ông tìm được những góc trữ tình, lãng mạn để thể hiện, với những màu sắc phong phú, đa dạng, khi nhẹ nhàng ấm áp, lúc hùng tráng, cao sang. Bức Gặp gỡ được ông vẽ sau một dịp đi thực tế ở đường 9 sang Lào. Niềm vui và sự cảm thông, chia sẻ của đoàn quân Thanh niên xung phong và bộ đội trên đường hành quân đã gợi cảm hứng cho ông vẽ nên bức tranh này.
Bức Niềm tin lại ca ngợi tinh thần đấu tranh và thể hiện niềm tin tất thắng của lực lượng không quân. Những người lính không quân bên chiếc máy bay chiến đấu được Dương Viên vẽ trên cái nền bàng bạc lãng mạn của sơn mài, khiến cho bức tranh trở nên hết sức trữ tình. Cái khốc liệt của cuộc chiến đấu đã nhường chỗ cho một dự cảm đẹp đẽ về những con người làm nên chiến thắng. Thể hiện về đề tài chiến tranh và cách mạng, Dương Viên luôn biết chọn những “khoảnh khắc” rất khác biệt mà các nhà phê bình mỹ thuật thường nhận xét là rất “giàu chất tâm tình nhưng không kém phần hùng tráng”.
Trong cuộc đời hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Dương Viên, có những mốc quan trọng mà ông không thể nào quên. Ông lần giở những bằng khen, giấy chứng nhận cho chúng tôi xem với một thái độ hết sức nâng niu, trân trọng. Nào là các huân, huy chương, nào là bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam năm 1971, nào là giấy chứng nhận trúng cử đại biểu Quốc hội khi đang làm Đảng ủy viên Khối Văn hóa tư tưởng, Tổng Thư ký Hội Nghệ thuật Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam, nào là giấy chứng nhận Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX…
Với các thành tích xuất sắc trong quá trình lao động văn hóa, nghệ thuật của mình, họa sỹ Dương Viên đã nhận được những giải thưởng cao quý. Năm 1980, ông đoạt Giải A trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc với tác phẩm Niềm tin và đến năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm Thư nhà và Gặp gỡ.
Dương Trang sưu tầm
Theo Báo Nghệ An