Hoạt động Nghiên cứu Lịch sử năm 2020 thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận

Cùng với các hoạt động của Hội đồng Họ Dương Việt Nam (HĐHDVN) trong năm 2020 Ban Nghiên cứu Lịch sử với mục tiêu: Từng bước nghiên cứu làm sáng tỏ Lịch sử HDVN – Một dòng họ hình thành sớm gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của Lịch sử dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Bản tin Họ Dương đã có trao đổi với ông Dương Văn Đảm – Phó Chủ tịch HĐHDVN -Trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử HĐHDVN về những việc đã làm trong năm 2020.

Ông Dương Văn Đảm – Phó Chủ tịch HĐHDVN – Trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử HĐHDVN

Bản tin Họ Dương: Thưa ông cùng với các hoạt động của Dòng tộc, năm 2020 Ban Nghiên cứu Lịch sử đã đẩy mạnh công tác sưu tầm sử liệu và sự kiện lịch sử như thế nào?

Ông Dương Văn Đảm: Năm 2020, Ban Nghiên cứu Lịch sử đã cung cấp nhiều tư liệu, tài liệu và sự kiện lịch sử (gia phả, hệ phả cổ, lý lịch di tích và những nhân vật lịch sử Họ Dương tiêu biểu) phục vụ tích cực cho việc Biên soạn hai tập “Họ Dương Việt Nam – Biên niên sử liệu và sự kiện” và Biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam”. Đồng thời, đưa ra những bằng chứng, tư liệu chân thực, xác đáng để xác định gốc Họ Dương cho những người mang họ Đào, Phạm, Nguyễn, Bùi… ở các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Hà Giang và thành phố Hải Phòng tự nguyện muốn tham gia sinh hoạt Họ Dương để Thường trực HĐHDVN ra quyết định tiếp nhận (theo công văn số 389 năm 2019 của Thường trực HĐHDVN). Ban Nghiên cứu Lịch sử đã nghiên cứu các tài liệu làm sáng tỏ một số “góc khuất”, “tồn nghi” hoặc nhầm lẫn của một số tài liệu, tư liệu lịch sử và nhân vật lịch sử tiêu biểu (về Dương tộc kỷ sử, về Dương Tự Minh, Dương Tam Kha, Dương Không Lộ …) cung cấp cho Ban Biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” để chỉnh sửa và bổ sung cho “Họ Dương Việt Nam – Biên niên sử liệu và sự kiện”.

Ban Nghiên cứu Lịch sử đã xây dựng, hoàn thiện về nội dung, phương pháp lập gia phả, hệ phả để phổ biến, hướng dẫn các chi họ, dòng họ ở các địa phương cách viết gia phả, lập hệ phả mới cho chi họ, dòng họ, cho HĐHD, Ban Quản lý Di tích lịch sử, nhà thờ các địa phương. Nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu, tài liệu lịch sử cổ chân thực để trả lời, giải đáp những thắc mắc, yêu cầu của một số địa phương và Thường trực HĐHDVN. Xây dựng hệ thống và bổ sung những tư liệu, hình ảnh để đổi mới “Không gian Lịch sử Văn hóa” trưng bày phục vụ các sự kiện: Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam, Ngày hội DN – DN Họ Dương, Trại hè Thanh niên Họ Dương hàng năm và những sự kiện đột xuất khác được phân công (Khánh thành Đền Dương Tướng Công …). Cùng với đó là: Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, hội thảo và phối hợp với các nhà khoa học của Viện Hán Nôm, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nghiên cứu xác định sự đúng đắn và khoa học về nội dung, hình thức trong việc biên tập bộ “Dương tộc kỷ sử” do cụ Dương Đình Tiến khởi soạn năm 1058 và được viết tiếp qua nhiều đời sau, nhằm tiến tới công bố bộ “Dương tộc kỷ sử” – Bộ sử cổ nhất của Họ Dương Việt Nam. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thành công Tọa đàm khoa học đánh giá tập 1 Bản thảo “Họ Dương Việt Nam – Biên niên sự kiện và sử liệu” của Ban biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” do Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm làm chủ biên.

Bản tin Họ Dương: Thưa ông, được biết Ban Nghiên cứu Lịch sử đã tổ chức các chuyến điền dã để tìm hiểu và làm sáng tỏ mốt số vấn đề về lịch sử HDVN?

Ông Dương Văn Đảm: Ngay từ đầu năm 2020, Ban Nghiên cứu Lịch sử đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện điền dã nghiên cứu thực tế ở các địa phương như: Điền dã nghiên cứu thực tế di tích lịch sử “Động Hoàng Xá” tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội liên quan đến khởi nghĩa Man Hoàng Động và khởi nghĩa Dương Thanh chống xâm lược nhà Đường, giết Lý Tượng Cổ mở đầu cho sự nghiệp đấu tranh giành quyền tự chủ của dân tộc.

Điền dã nghiên cứu thực tế về những nơi thờ cúng Dương Tự Minh – Tướng quân trấn giữ miền biên ải dưới triều Lý, sưu tầm các văn bia, sắc phong của các triều đại cho Dương Tự Minh và các tài liệu cổ liên quan đến Dương Tự Minh ở hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang.

Điền dã nghiên cứu thực tế về Họ Dương đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi giúp đỡ HĐHD tỉnh Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn lập gia phả họ Dương Lý Sơn và sưu tâm các tài liệu cổ về Họ Dương Lý Sơn và các tư liệu lịch sử (gia phả, sắc phong, lệnh điều của các triều đại cử người đi giữ đảo Hoàng Sa).

Theo đề nghị của Ban Biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam”– Ban Nghiên cứu Lịch sử HDVN đã xây dựng kế hoạch và kết hợp với Ban Biên soạn tổ chức điền dã nghiên cứu thực tế ở các địa phương và đã thu được kết quả tích cực phục vụ cho việc sửa chữa, bổ sung cho tập “Họ Dương Việt Nam – Biên niên sử liệu và sự kiện”. Điền dã nghiên cứu thực tế Lịch sử Họ Dương Đồng Kỵ và Khu mộ cổ xứ đồng Cánh Nhạn tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Ban Nghiên cứu Lịch sử đi điền dã tại Động Hoàng Xá, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội

Điền dã nghiên cứu di tích lịch sử Động Hoàng Xá, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, tp Hà Nội góp phần làm sáng tỏ địa danh Man Hoàng Động, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Dương Thanh năm 819.

Điền dã tìm hiểu khu di tích lịch sử Bãi Sập – Thái Đường – Hoa Lâm tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội liên quan đến vụ Trần Thủ Độ âm mưu tru diệt họ Lý, Họ Dương xưa được chép trong “Dương tộc kỷ sử”.

Điền dã tìm hiểu di tích “Địa Muối trang” (tục danh là Kẻ Muối) xã Lý Hải, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây nay là làng Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – Liên quan đến việc từ xa xưa đã là nơi tránh trú, tụ họp của các cụ Tổ họ Lý, Họ Dương để thay tên đổi họ (sang họ Đào, họ Nguyễn…) và tìm đường ly tán đi nhiều nơi sang cả đảo Xương Cuồng – Triều Tiên.

Điền dã tìm hiểu Họ Dương Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn. Huyện Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn là một địa phương có nhiều người Họ Dương trong tổng số dân cư (hơn 70%) qua nghiên cứu tìm hiểu Họ Dương Bắc Sơn nói chung, Họ Dương Long Đống, Bắc Quỳnh nói riêng, là Họ Dương thuần Việt đều là người dân tộc Tày mang đầy đủ đặc trưng truyền thống của Họ Dương Việt Nam và có những nét đặc điểm riêng độc đáo.

Điền dã tìm hiểu về Họ Dương Đường Lâm, thị xã Sơn Tây và thị trấn Tây Đằng huyện Ba Vì, TP.Hà Nội. Đường Lâm – thị xã Sơn Tây và Tây Đằng – huyện Ba Vì là hai địa phương (trong số nhiều địa phương) có đông người Họ Dương sinh sống từ xa xưa thuộc tỉnh Sơn Tây cũ (nay là TP.Hà Nội) liên quan đến lịch sử di cư và định cư của người Họ Dương. Đáng chú ý nhất là xã Đường Lâm – Đất hai Vua hiện có đền thờ Bố Cái đại Vương – Phùng Hưng, lăng và đền thờ Tiền Ngô Vương – Ngô Quyền.

Điền dã tìm hiểu về Họ Dương đất Tổ – Việt Trì – Phú Thọ và những dấu tích lịch sử của Họ Dương thời Hùng Vương. Đất Tổ – Việt Trì – Phú Thọ, theo “Dương tộc kỷ sử” còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử của Họ Dương thời Hùng Vương dựng nước tại: Phường Bạch Hạc, Bến Gót, Đền Hùng và một số địa phương khác.

Điền dã tìm hiểu Họ Dương tỉnh Hà Nam và danh tướng Dương Đạo Gia người được giao chỉ huy xây dựng di tích chùa Long Đọi thời Lý.

Điền dã tìm hiểu Họ Dương – Đình Sấm phường Tân Hồng thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh – Nơi có nhiều dấu tích lịch sử của triều Lý có tấm bia cổ “Lý Gia Linh Thạch”.

Nhìn chung: Tất cả các cuộc điền dã thực tế đều thu được kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực cho việc sửa chữa, bổ sung cho bản thảo “Họ Dương Việt Nam – Biên niên sử liệu và sự kiện” đầy đủ hơn, chân thực và chính xác hơn. Đồng thời có thêm nhiều sử liệu minh chứng cho giá trị lịch sử của “Dương tộc kỷ sử” – Bộ sử cổ nhất của Họ Dương Việt Nam.

Bản tin Họ Dương: Thưa ông vậy trọng tâm phương hướng hoạt động năm 2021 của Ban Nghiên cứu Lịch sử là gì?

Ông Dương Văn Đảm: Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2021, Ban Nghiên cứu Lịch sử HDVN xác định: Tiếp tục sưu tầm, tổng hợp những tư liệu, tài liệu lịch sử cổ phục vụ cho nghiên cứu lịch sử Họ Dương và thẩm định phần “Họ Dương Việt Nam – Biên niên sử liệu và sự kiện” do Ban Biên soạn bộ sách “Lịch sử Họ Dương Việt Nam” soạn thảo.

Điền dã tìm hiểu lịch sử Họ Dương ở một số địa phương hiện có rất ít tài liệu, tư liệu lịch sử Họ Dương đặc biệt là các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Tiếp tục nghiên cứu, tập hợp tài liệu và hoàn thành những nhiệm vụ chuyên môn theo sự phân công của Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

Tất cả những phần việc trên sẽ có kế hoạch cụ thể trong kế hoạch hoạt động năm 2021 của Ban nghiên cứu Lịch sử HĐHDVN.

Bản tin Họ Dương: Xin được trân trọng cảm ơn ông.

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com