Hội đồng Họ Dương tỉnh Hà Tĩnh tập huấn trồng và chăm sóc cây mắc ca

Chiều ngày 20/7/2022, tại hội trường Trường Tiểu học thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt phối hợp với Chi hội Mắc ca Nghệ An đã tổ chức buổi tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca. Đến dự buổi tập huấn có ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, ông Ngô Văn Hoàn – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Hương Khê. Đại diện Chi hội Mắc ca Nghệ An có ông Dương Tiến Thành – Chủ tịch Chi hội và một số nhân viên tham gia cùng đoàn. Hội đồng họ Dương Hà Tĩnh có ông Dương Kim Hoàng – Ủy viên Hội đồng Họ Dương Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Hà Tĩnh, ông Dương Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội đồng – Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp – Doanh nhân Họ Dương tỉnh Hà Tĩnh. Về phía hộ dân, chủ các trang trại hai huyện Vũ Quang và Hương Khê gồm có ông Phan Văn Quý – nguyên Chủ tịch UBND huyện Hương Khê – nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cùng với hơn 20 hộ dân người Họ Dương và một số ít bà con khác họ.

Ông Dương Kim Hoàng – Ủy viên Hội đồng Họ Dương Việt Nan – Chủ tịch Hội đồng Họ Dương tỉnh Hà Tĩnh khai mạc buổi tập huấn.

Sau lời khai mạc và giới thiệu đại biểu của ông Dương Kim Hoàng, ông Nguyễn Kế Tiếp – Chi hội Mắc ca Nghệ An đã trình bày kỹ thuật trồng, chăm sóc và hiệu quả của việc đầu tư vào cây mắc ca. Các hộ dân đều phấn khởi và tham gia nhiều ý kiến tranh luận. Ông Nguyễn Mạnh Bá – Đức Hương, Vũ Quang là một gia đình đạt vườn mẫu đặc biệt của tỉnh Hà Tĩnh trong phong trào nông thôn mới. Hiện nay, trong vườn ông còn lưu lại một số loại cây ăn quả, đặc biệt là cam, chanh nhưng ông đã mạnh dạn trồng thử 300 cây mắc ca, đến nay đã gần 1 năm tuổi. Ông nói rằng: “Tôi là cựu chiến binh đã mấy chục năm sau khi trở về quê hương liền khao khát nghĩ đến cách xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Với sự nỗ lực của bản thân và sự chịu khó tìm tòi học hỏi, tôi đã trồng các loại cây ăn quả kết hợp với các kỹ thuật mới làm cho năng suất tăng lên. Chính vì vậy, thu nhập của gia đình tôi ngày càng cao. Nhưng qua các luồng thông tin, tôi được biết cây mắc ca là cây dễ trồng, nếu chăm sóc tốt sẽ cho ta lợi nhuận rất cao. Từ kinh nghiện trồng vườn lâu năm, tôi thấy rằng ở Hương Khê, cây ăn quả chủ đạo là cam, chanh, bưởi, thế nhưng các loại giống chỉ thu hoạch được một thời gian đầu lại bị tàn dần và phải thay giống mới. Giá cả các loại quả này rất bấp bênh, bèo bọt và khi thu hoạch không thể bảo quản được lâu dài. Tôi thấy cây mắc ca này có ngân hàng hỗ trợ vốn cho vay, có nơi cung cấp giống, có bảo hành. Cây giống chỉ trồng một lần chăm bón đúng kỹ thuật theo sự hướng dẫn sẽ cho ta thu hoạch cả đời, không cần thay giống mới mà hiệu quả kinh tế cao, lại được hiệp hội mắc ca Việt Nam bao tiêu sản phẩm. Vì vậy mong bà con trong buổi tập huấn hôm nay mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, hoặc trồng xen canh trong các loại cây khác chắc chắn sẽ thành công”.

: Ông Nguyễn Kế Tiếp – NV chi hội mắc ca Nghệ An đang trình bày kỷ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca\

Ông Phan Văn Quý là người có nhiều năm làm chủ tịch UBND huyện và chủ tịch hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh, qua kinh nghiệm lâu năm về cơ cấu cây trồng tại huyện nhà ông đã nói rằng: “Phát huy lợi thế về địa hình, nhiều xã miền núi tại Hà Tĩnh trong đó có huyện Hương Khê và Vũ Quang đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, phong trào trồng rừng mở ra hướng phát triển mới cho bà con nơi đây, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Nhưng chúng ta không nên dừng lại vấn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi ta thay loại cây mới có lợi hơn. Giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả mọi người đã phân tích nên tôi ko nói lại nữa. Tôi chỉ so sánh loại cây hiện nay đang trồng phổ biến tại các nương rẫy của các huyện miền núi đó là cây keo lai lấy gỗ. Loại cây này từ khi trồng và đến lúc thu hoạch cũng là 5 năm. Mỗi hécta khi thu hoạch đã trừ các chi phí còn lại 25 triệu/hécta/ 5 năm, thu hoạch xong phải trồng lại cây mới. Còn cây mắc ca, ta chỉ trồng một lần và chăm sóc đúng kỹ thuật, thời gian 5 năm đầu, ta đạt giá trị kinh tế 90 triệu/hécta/5 năm. Nếu thời gian về sau được chăm sóc đầy đủ sẽ cho ta lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước”.

Ông Nguyễn Mạnh Bá xã Đức Hương, huyện Vũ Quang đang trao đổi kinh nghiệm trồng vườn

Trước khi bế mạc buổi tập huấn ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt giải đáp thêm một số câu hỏi mà một số hộ đề cập, đồng thời nói rõ về nguồn vốn cho vay để trồng cây mắc ca cũng như giá cả và việc bao tiêu sản phẩm khi dân đã thu hoạch xong.

Ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đang giải trình một số câu hỏi của các hộ dân

Theo tư liệu, huyện Hương Khê, đất rừng sản xuất có trên 53.000ha, 14.000ha đất nông nghiệp đang đầu tư sản xuất cây ăn quả. Trong khi đó, huyện Vũ Quang hiện có 49.958ha đất lâm nghiệp, trong đó, rừng sản xuất 14.401ha. Hai địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đang tìm kiếm, thí điểm các loại cây mới đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Bà con nhân dân các huyện đang đặt nhiều kỳ vọng nếu dự án trồng cây mắc ca được triển khai thì đây thực sự là một tin vui đối với người dân miền núi, mở ra một cơ hội cho người dân phát triển kinh tế vốn dĩ đã có thế mạnh về rừng như huyện Hương Khê và Vũ Quang.

Ông Huỳnh Ngọc Huy chụp ảnh chung cùng cán bộ tập huấn với một số hộ dân tiêu biểu

Dương Thanh Bình

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com