HỘI THẢO ĐẦU VƯỜN & TƯ VẤN VAY VỐN TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MẮC CA
- 04/10/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 1039
Ngày 04/10/2018 tại Thanh Hóa, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Hội đồng Họ Dương tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo đầu vườn và tư vấn vay vốn trồng và chăm sóc cây mắc ca.
Dự Hội thảo có ông Huỳnh Ngọc Huy – Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca việt Nam, ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Chi nhánh Thanh Hóa. Về phía Hội đồng Họ Dương Việt Nam có bà Dương Hoài Liên – Tổng thư ký Câu lạc bộ Doanh nhân Họ Dương Việt Nam, ông Dương Văn Loan – Chủ tịch Hội đồng Họ Dương tỉnh Thanh Hóa và gần 100 bà con Họ Dương của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An.
Hội thảo đầu vườn và tư vấn vay vốn trồng và chăm sóc cây mắc ca tại xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa
Mắc ca là cây lâm nghiệp được du nhập vào Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây. Là loại cây có quả, hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng tốt, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn. Năm 2011, cây Mắc ca bắt đầu được trồng tại vườn của một số hộ trên địa bàn của huyện Thạch Thành với quy mô nhỏ. Năm 2012, 2013, các hộ tiếp tục trồng mới thêm diệm tích cây mắc ca theo các chương trình nghiên cứu và trồng thử nghiệm, chủ yếu tập trung tại huyện Thạch Thành, đến nay diện tích trồng Mắc ca của Thanh Hóa đã lên tới trên 40ha.
Các đại biểu tham quan mô hình trông mắc ca tại huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa
Qua đánh giá, đa số diện tích cây mắc ca đều sinh trưởng và phát triển tốt. Với năng suất và sản lượng như thời điểm năm 2017 là gần 1,5 tấn / ha. Doanh thu gần 200 triệu đồng.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và đầu ra cho sản phẩm cây Mắc ca.
Đại diện LienVietPostBank giới thiệu về gói sản phẩm cho vay ưu đãi để đầu tư phát triển cây Mắc ca dành cho cá nhân và doanh nghiệp. Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giải đáp nhiều thắc mắc của nông dân về quá trình chọn giống, trồng, chăm sóc Mắc ca… sao cho hiệu quả.
Dương Mão