Hội thảo phát triển và nâng cao chất lượng cây giống Mắc ca
- 06/03/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 3495
Trong các ngày 2,3,4 và 5 tháng 3 năm 2019, Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã tổ chức đoàn nghiên cứu, khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất cây giống mắc ca, các vườn trồng mắc ca tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc và Gia Lai. Trong khuôn khổ chuyến nghiên cứu này, Hiệp hội mắc ca đã tổ chức hội thảo về phát triển và nâng cao chất lượng cây giống mắc ca với gần 300 đại biểu tham dự.
Hội thảo được tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của ông Dương Công Minh, Chủ tịch, các ông Phó Chủ tịch và Ban điều hành Hiệp hội Mắc ca Việt Nam; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; lãnh đạo UBND các tỉnh Lâm Đồng, Lai Châu, Đăk Nông; các ông, bà Phó Chủ tịch Hội đồng họ Dương Việt Nam và Hội đồng Họ Dương một số địa phương, Chủ tịch Viện Sâm Ngọc Linh Việt Nam, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu cây mắc ca, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, các hộ gia đình và doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã nêu rõ: Mục tiêu của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam (HHMCVN) đề ra trong những năm sắp tới, mỗi năm Việt Nam sẽ trồng được trên 3 triệu cây mới. Với tình hình hiện tại, khi mà người nông dân ở Tây Bắc, Tây Nguyên và nhiều nơi khác đã phân vân chưa biết trồng loại cây gì, vì những cây truyền thống như cao su, cà phê, hồ tiêu…cho hiệu quả kinh tế không cao…Trước tình hình đó, lãnh đạo HHMCVN tin tưởng rằng, mục tiêu tăng thêm 3 triệu cây mới mỗi năm là có thể dễ dàng thực hiện được trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang đối diện với một vấn đề rất bất cấp bách là cây giống mắc ca có chất lượng tốt đang thiếu một cách nghiêm trọng …
Phát biểu tham luận, ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giới thiệu thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNN ngày 16/11/2018 về Danh mục loại cây trồng lâm nghiệp chính. Theo đó, trong 20 loại cây trồng lâm nghiệp chính thì cây mắc ca đứng thứ 16. Về sản xuất cây giống phải theo các quy trình: Cây trội (cây mẹ) là cây mắc ca tốt nhất được lựa chọn kỹ, có năng suất, chất lượng cao và ổn định, có khả năng chống sâu bệnh, là cây để lấy hom ghép tạo ra cây giống, cung cấp vật liệu sản xuất giống vô tính… Theo ông, trước tình trạng nhiều nơi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật – trong đó bao gồm sản xuất cây giống mắc ca không đạt tiêu chuẩn, gây thiệt hại cho người trồng mắc ca, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 16/05/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Người nào có hành vi sản xuất giống cây lâm nghiệp không từ cây đầu dòng đã được công nhận thì bị phạt tiền với mức tối đa là 50.000.000 đồng đối cá nhân, đối với tổ chức là 100.000.000 triệu đồng.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch HHMCVN, GS Hoàng Hòe và các đại biểu đã tập trung thảo luận về các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản lượng, giảm giá thành cây giống mắc ca. Các phương pháp phòng trừ sâu bệnh, tổ chức sản xuất vườn ươm giống mắc ca. Những cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Doanh nghiệp, đồng thời đưa ra biện pháp về tham gia quản lý chất lượng, dự báo sản lượng cây giống, giá bán và chủng loại giống phù hợp với từng địa bàn, từng thời điểm. Nhiều đại biểu cũng nêu những kinh nghiệm sản xuất cây giống mắc ca, các biện pháp kỹ thuật sản xuất cây giống từ tuyển hạt ươm làm gốc ghép, làm bầu, ươm cây gốc ghép, tuyển cành ghép đạt tiêu chuẩn, kỹ thuật ghép cây và chăm sóc cây ghép tại vườn ươm. Nhiều đại biểu đã đề cập những khó khăn trong sản xuất giống mắc ca tại một số vườn ươm, công tác nghiên cứu giống và công nghệ sinh học. Hiện nay với sự gia tăng nhanh chóng diện tích, nhiều cơ sở, hộ gia đình đã tự ươm giống mắc ca không tuân theo quy trình, kỹ thuật, trong đó không chú ý quan tâm cây đầu dòng khiến cho chất lượng giống không đảm bảo. Từ đó, nhiều đại biểu nêu ý kiến cảnh báo với người trồng khi mua cây giống phải đúng địa chỉ có thương hiệu, đáng tin cậy; kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có chính sách hỗ trợ sản xuất cây giống và các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn nhằm hạn chế sự lan tràn các loại cây giống mắc ca kém chất lượng hiện nay.
Ông Võ Duẩn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca đã có bài phát biểu về những kinh nghiệm, phương pháp chọn địa điểm để làm vườn ươm; xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng vườn đầu dòng…Trong đó ông đặc biệt lưu ý về vai trò quan trọng của cây đầu dòng trong việc sản xuất cây giống mắc ca ghép. Theo ông, cây đầu dòng phải là cây được định danh rõ ràng, được trồng khảo nghiệm và được công nhận phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại vùng trồng đã ra hoa đậu quả, cho năng suất ổn định ít nhất 3 năm trở lên mới được khai thác hom ghép.…
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Dương Công Minh khẳng định: Hiện nay, tình hình sản xuất mắc ca mới đáp ứng 20% nhu cầu của thế giới và dự báo đến năm 2050, cũng mới đáp ứng nhu cầu 50%. Đối với nước ta, nhu cầu về cây giống mắc ca đạt tiêu chuẩn đang là vấn đề thời sự. Để đáp ứng nhu cầu về giống, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cần chú ý phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nghiên cứu chọn các loại bộ giống mắc ca có chất lượng, năng suất cao, không sâu bệnh và phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng. Ông yêu cầu, những người tham dự hội thảo, hãy vì sự phồn vinh của người dân, của đất nước, phối hợp chặt chẽ giữa HHMCVN với các cơ quan, tổ chức, nghiên cứu, sản xuất đủ giống đạt tiêu chuẩn cho bà con trồng cây mắc ca. Góp phần xây dựng ngành công nghiệp Mắc ca Việt Nam ngày càng phát triển bền vững
Dương Hoàng