Hồi ức về Anh hùng Dương Thị Xuân – một trong mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc
- 03/01/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 1335
Chiến tranh đã lùi xa 35 năm, nhưng trong ký ức của ông Dương Hảo Cầu, bố của Anh hùng Dương Thị Xuân – một trong mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh về người con gái quả cảm, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, xương máu cho quê hương đất nước.
Tình cờ biết được thông tin thân nhân của Anh hùng Dương Thị Xuân, tôi vội tìm đến thăm. Trong căn nhà nhỏ ở thôn 10, thị trấn M’Drak tôi đã được gặp cụ Dương Hảo Cầu. Trong trí nhớ của người cha 93 tuổi có nhiều chuyện đã bị lãng quên nhưng ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm về người con gái anh hùng của mình. Nhắc đến chị Xuân, về 10 nữ thanh niên xung phong ở Tiểu đội A4-C552-P18 khuôn mặt, ánh mắt ông rạng lên niềm tự hào, xúc động. Chị Dương Thị Xuân sinh năm 1947 tại Đức Tân, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Là con cả trong gia đình có 6 anh chị em, Xuân sớm ý thức được trách nhiệm của mình, vừa chăm học lại phụ giúp bố mẹ trông em và làm việc nhà. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con nên học hết lớp 7, Xuân quyết định xin nghỉ học và đi làm ở Nhà máy đường Sông Lam. Làm việc ở nhà máy, Xuân rất chịu khó học hỏi lại siêng năng, chăm chỉ nên được khen thưởng nhiều lần. Mỗi lần lên thăm, thấy con khỏe mạnh, chăm làm lại được thưởng cả áo lụa, gia đình yên tâm lắm. Biết Xuân ao ước có một chiếc đồng hồ đeo tay, tôi đã dành dụm tiền khi còn làm công nhân đóng thuyền để mua tặng con gái.
Nhưng chỉ sau một thời gian, Nhà máy đường Sông Lam bị giặc Mỹ tàn phá, công nhân phải chuyển công tác khác, Xuân đăng ký đi thanh niên xung phong. “Trước khi lên đường, Xuân có ghé về thăm nhà và báo cho gia đình biết ý định của mình. Tuy gia đình cũng hơi bất ngờ và thương nó sẽ chịu khổ, vất vả nhưng biết tính Xuân đã định làm việc gì thì quyết làm cho bằng được nên tôi đã động viên con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Không ngờ nó ra đi, đi mãi mà không bao giờ trở về, bỏ lại bao dự định, ước mơ còn dang dở khi mới 19 tuổi”, ông Cầu nghẹn ngào.
Ông Dương Hảo Cầu đang nhớ lại những kỷ niệm về con gái Dương Thị Xuân – một trong mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc.
Lau vội giọt nước mắt ở khóe mắt, ông Cầu kể tiếp. Khi tham gia thanh niên xung phong, Xuân được phân công về Tiểu đội A4-C552-P18 làm nhiệm vụ san lấp hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn để nhanh chóng thông đường cho xe qua tại giao điểm Ngã ba Đồng Lộc. Đây là một trong những nút giao thông quan trọng trong chiến tranh, nên quân đội Mỹ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của đồng bào và nhân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Tiểu đội của Xuân gồm 10 cô gái trẻ do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Tham gia vào đội cảm tử nên sau khi đi thanh niên xung phong một thời gian, Xuân xin về thăm nhà và gửi lại chiếc đồng hồ bố cho, chiếc nhẫn mẹ tặng – những kỷ vật Xuân nâng niu nhất.
Lúc đó, tôi đang bận tham gia đóng thuyền để vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam nên không về để gặp Xuân được, hai bố con đành hẹn nhau lần tới cùng về. Tôi còn nhớ rất rõ ngày 24-7-1968 – một ngày trước khi hai bố con cùng xin nghỉ phép về thăm nhà và gặp mặt, trò chuyện với nhau sau một năm xa cách. Và cũng chính trong ngày đó, tôi nghe tin Xuân và cả tiểu đội A4 đều hy sinh vì bị máy bay Mỹ thả bom trong khi làm nhiệm vụ. Anh hùng Dương Thị Xuân cùng các đồng đội của mình đã được chôn cất ngay tại Ngã ba Đồng Lộc – nơi các chị đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Như nhà văn Nghiêm Văn Tân, người đầu tiên tìm hiểu và viết về cuộc đời của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc: “…Từ hôm nay đây sẽ là nơi yên nghỉ, nơi giữ gìn 10 cuộc đời đã hy sinh ở tuổi 20… Dưới mỗi nấm mồ là một con người, một cuộc đời, là những khổ đau, là hạnh phúc, là ước mơ và chờ đợi… Các cô đã hy sinh vì sự sống của con đường chiến lược qua Ngã ba Đồng Lộc này… Mảnh đất này sẽ mãi mãi là nơi viếng thăm của những người biết ơn Đồng Lộc, tự hào về Ngã ba Đồng Lộc…”./.
Dương Ngọc Bích sưu tầm baodaklak.vn