Khoa bảng Họ Dương Việt Nam
- 17/08/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 7704
Thời xưa, các nhà nước phong kiến coi trọng giáo dục Nho học, tổ chức những kỳ thi nghiêm ngặt nhằm chọn ra hiền tài phục vụ đất nước. Từ Triều Lý (1009 – 1225) đến Triều Nguyễn (1802 – 1945), có 187 khoa thi văn được tổ chức, lấy đỗ 2894 Tiến sĩ văn, trong đó có 50 Tiến sĩ Họ Dương, và 26 khoa thi võ, lấy đỗ 319 Tiến sĩ võ trong đó có 7 người Họ Dương. Kể từ khoa thi đầu tiên (1075, Triều Lý) đến khoa thi cuối cùng (1919, Triều Nguyễn), lịch sử khoa cử Việt Nam đã có chiều dài 844 năm. Họ Dương đứng hàng thứ 12 trong số 86 dòng họ lớn trong cả nước có nhiều khoa bảng, gọi là các Dòng họ khoa bảng. Kể cả văn, võ, Họ Dương có 57 người đỗ đại khoa, gồm 2 Trạng nguyên, 15 Hoàng giáp, 5 Phó bảng, và 35 Tiến sĩ xuất thân và đồng xuất thân.
Một số chi Họ Dương có truyền thống học tập, đỗ đạt cao, như các chi Họ Dương ở Lạc Đạo – Hưng Yên; Lạc Thổ – Thuận Thành – Bắc Ninh; Cổ Lễ – Nam Định; Vân Đình – Hà Nội; Yên Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh; Quỳnh Đôi – Quỳnh Lưu – Nghệ An; Vĩnh Mỗ – Yên Lạc – Vĩnh Phúc .v.v…
Nhiều Tiến sĩ Họ Dương có tài, đi sứ hay làm quan đến chức Thượng Thư (Bộ Trưởng), như: Dương Duy Nhất, khoa Mậu Tuất (1538), trú quán Dị Sử, Lang Tài – Bắc Ninh; Dương Trí Dũng, khoa Ất Sửu (1565), người Bát Trạc – Can Lộc – Hà Tĩnh; Dương Thuần, khoa Mậu Thìn (1628), người Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên; Dương Văn An, khoa Đinh Mùi (1547), người xã Phúc Tuy – Lệ Thủy – Quảng Bình; Dương Khuê, khoa Mậu Thìn (1868), thời Tự Đức – 21, người Vân Đình – Hà Đông. v.v…
Nói chung, đại khoa của các triều đại, đều được sử sách lưu danh, hay được khắc tên trên bia đá ở các Văn Miếu, như Văn Miếu Hà Nội; Bắc Ninh; Hải Dương (Văn Miếu Mao Điền); Hưng Yên (Văn Miếu Xích Đằng); Văn Miếu Thành Huế …
* Người Họ Dương trên Bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội
Hiện nay, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội có 82 Bia đá ghi họ tên, quê quán của 1304 Tiến sĩ của 82 khoa thi được tổ chức từ năm 1442 đến năm 1779, trong đó có 21 Tiến sĩ Văn Họ Dương. Cụ thể như sau:
– Dương Chấp Trung: Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Mậu Thìn (1448); quan Hữu thị lang Bộ Hình; Quê: Xã Sài Xuyên – Kỳ Hoa – Hà Tĩnh.
– Dương Đức Nhan: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi (1463), Hữu thị lang Bộ Hình; Quê: Xã Hà Dương, huyện Vĩnh Lại – Hải Dương nay là thôn Hà Dương, xã Cộng Hiền – Vĩnh Bảo – Hải Phòng.
– Dương Văn Đán: Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Quý Mùi (1463); đi sứ nhà Minh, quan Thừa chính sứ; Quê: Xã Hà Lỗ – Đông Ngàn – Kinh Bắc, nay là thôn Hà Lỗ, huyện Đông Anh – Hà Nội.
– Dương Như Châu: Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất (1466); quan Tri Chế Cáo; Quê: Xã Lạc Thổ, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Lạc Thổ – T.T Hồ – huyện Thuận Thành – Bắc Ninh.
– Dương Tĩnh: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân kho Mậu Tuất (1478); chức quan Công Bộ Tả Thị Lang; Quê: Xã Vĩnh Mỗ – Yên Lạc – Vĩnh Phúc, nay là xã Minh Tân – huyện Vĩnh Lạc – tỉnh Vĩnh Phúc.
– Dương Bính: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất (1478); quan Thừa Chính sứ; Quê: Xã Hà Lỗ – Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà – Đông Anh – Hà Nội.
– Dương Khải: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi (1511); quan Thừa chính sứ; Quê: huyện Vũ Ninh, nay là huyện Quế Võ – Bắc Ninh.
– Dương Trí Dũng: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1565); quan Hữu Thị Lang Bộ Hộ, Thượng Thư Bộ Binh; Quê: Xã Nhân Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh.
– Dương Trí Trạch: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi (1619); đi sứ nhà Minh; quan Thượng Thư Bộ Lễ; Quê: Xã Nhân Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh.
– Dương Thuần: Đệ Tam giáp dồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1628); quan Thượng Thư Bộ Hình; Quê: Xã Lạc Đạo – huyện Văn Lâm – Hưng Yên.
– Dương Cảo: Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Mậu Thân (1628); quan Tế Tửu Quốc Tử Giám; Quê: Xã Hà Lỗ – Đông Ngàn – Kinh Bắc, nay là thôn Hà Lỗ, Liên Hà – Đông Anh – Hà Nội.
– Dương Hoàng: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu (1637); quan Tả Thị lang Bộ Công, Thượng Thư; Quê: Xã Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên.
– Dương Hạo: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn (1640); quan Đại Đô Ngự sử; đi sứ nhà Minh; Quê: Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên.
– Dương Công Độ: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Hợi (1683); quan Quyền Tham chính; Quê: Xã Nhị Khuê, huyện Thương Phúc, nay là xã Nhị Khê – Thường Tín – Hà Nội.
– Dương Lệ: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1712); quan Tả Thị lang Bộ Công; Thượng Thư; Quê: Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên.
– Dương Bật Trạc: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, Vĩnh Thịnh 11, đời Lê Dụ Tông (1715); quan Hiến Sát sứ xứ Lạng Sơn; Quê: Xã Cổ Lễ – huyện Nam Chân, nay thuộc thị trấn Cổ Lễ – Nam Ninh – Nam Định.
– Dương Quán: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất (1718); quan chức Giám Sát; Quê: Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên.
– Dương Công Thụ (hay Chú): Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi (1731); quan Tả Thị Lang Bộ Lại; Quê: Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên.
– Dương Trọng Khiêm: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Tuất (1754); chức Thiêm Đô Ngự sử; Quê: Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên.
– Dương Sử: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Tuất (1754); chức Đại Lý Tự Khanh; hàm Đông Các Đại học sĩ; Quê: Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên.
– Dương Nguyên Huống: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1772); chức Hàn Lâm Hiệu Thảo; Quê: Xã Ỷ La, nay là thôn Ỷ La – xã Dương Nội – huyện Hoài Đức – Hà Nội.
Đáng lưu ý là, trong số 21 Tiến sĩ Họ Dương có 8 người quê ở xã Lạc Đạo, trước kia thuộc tổng Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, Phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, nay là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, đều là hậu duệ của Trạng nguyên Dương Phúc Tư (1547), Thủy Tổ của Họ Dương Lạc Đạo. Trong vòng 207 năm, Họ này thi đỗ 1 Trạng nguyên và 8 Tiến sĩ. Sau Trạng nguyên Dương Phúc Tư là các Tiến sĩ: Dương Thuần (1628), Dương Hoàng (1637) là 2 cháu nội của Dương Phúc Tư; Dương Hạo (1640) là con của Dương Thuần; Dương Lệ (1712) – cháu nội của Dương Hạo; Dương Quán (1718) – em họ của Dương Lệ. cháu Tằng Tôn của Dương Thuần; Dương Công Thụ (1731), hậu duệ của Dương Phúc Tư, Dương Thuần; Dương Trọng Khiêm (1754), hậu duệ của Dương Hạo; Dương Sử (1754) là anh của Dương Trọng Khiêm. Di tích lịch sử – văn hóa Họ Dương ở Lạc Đạo, gồm Nhà thờ, Lăng mộ… gần đây đã được trùng tu, tôn tạo lớn, thu hút sự chú ý của bà con Dòng tộc các nơi về hương khói và du khách tới thăm.
* Người Họ Dương trên Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh
Văn Miếu Bắc Ninh hiện nay nằm trên núi Phúc Sơn, thuộc làng Phúc Sơn, xã Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Trên 11 tấm bia đá tại đây, với tiêu đề Kim bảng lưu phương (bảng vàng lưu danh thơm), ghi họ tên, quê quán, chức quan của 657 Tiến sĩ xứ Kinh Bắc xưa, trong số đó có 20 người Họ Dương. Có 11 người Họ Dương được ghi danh trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội cũng có tên trên bia Văn Miếu Bắc Ninh. Đó là: Dương Văn Đán, Dương Như Châu, Dương Bính, Dương Khải (hay Giai), Dương Cảo, Dương Thuần, Dương Hoàng, Dương Lệ, Dương Quán, Dương Trọng Khiêm, Dương Sử. Sau đây là 9 người còn lại chỉ có tên trên bia Văn Miếu Bắc Ninh:
– Đào Sư Tích (gốc Họ Dương): Đỗ Trạng Nguyên khoa Giáp Dần (1374); quan nhập nội Hành khiển; Quê: Xã Song Khê – Yên Dũng – Bắc Giang, sau chuyển đến ở Cổ Lễ – Nam Định.
– Dương Tông Hải: Đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Dậu (1453); đi sứ nhà Minh; chức Thái Bảo Tự Khanh; Trú quán: Xã Ninh Giang – huyện Đông Ngàn – Bắc Ninh.
– Dương Tử Do: Tiến sĩ khoa Mậu Dần (1458); Hữu Thị Lang Bộ Công; Quê: Xã Trang Liệt – Đông Ngàn – Kinh Bắc, nay là thôn Trang Liệt – xã Đồng Quang – Từ Sơn – Bắc Ninh.
– Dương Nghĩa Phương: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1481); Hữu thị lang Bộ lễ; Quê: Cẩm Giang – Đồng Quang – Từ Sơn – Bắc Ninh.
– Dương Mậu: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi (1535); Tả Thị Lang Bộ Lại; Quê: Xã Lạc Thổ – huyện Siêu Loại, nay là thôn Lạc Thổ – T.T Hồ – huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh.
– Dương Phúc Tư: Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh Trạng nguyên, khoa Đinh Mùi (1547); chức Tham Chính; Quê: Xã Lạc Đạo – Gia Lâm, Bắc Ninh, nay là xã Lạc Đạo – huyện Văn Lâm – Hưng Yên.
– Dương Thận Huy: Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất (1550); chức thừa Chính sứ; Quê: Xã Lan Giới – huyện Yên Thế, nay là thôn Lan Giới – xã Tiến Thắng – Yên Thế – Bắc Giang.
– Dương Danh Lập: Đỗ Phó Bảng khoa Ất Sửu (1865); quan Tuần phủ, hàm Quang Lộc Tự Khanh; Quê: Xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. – Đào Toàn Mân (cha của Trạng Nguyên Đào Sư Tích): Tiến sĩ Triều Trần không rõ khoa (Bia phụ ký Văn Miếu Bắc Ninh); Quản Tri Phiên Hình Viện; Quê: Song Khê – Yên Dũng – Bắc Giang, về ở Cổ Lễ – Nam Ninh – Nam Định.
Dương Văn Đảm – PCT HĐHDVN