Kiên định, sáng tạo là “điều kiện cần” cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam năm 2022 được tổ chức sáng 9/10 tại TPHCM có sự tham dự của các diễn giả là nhà khoa học, doanh nhân nổi tiếng và hơn 600 doanh nhân trong nước về dự. Các diễn giả đã trao đổi nhiều vấn đề mang tính thời sự, thiết thực đối với doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tình hình kinh tế, xã hội có nhiều biến động.

Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Kiên định – Sáng tạo – Phát triển bền vững” là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Doanh nghiệp Doanh nhân Họ Dương Việt Nam 2022. Dù là một sự kiện do Hội đồng Họ Dương tổ chức nhưng những nội dung nêu ra lại là những vấn đề chung, mang tính thời sự nóng bỏng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH xã hội Ánh Dương

Đề dẫn cho diễn đàn, bà Phạm Thị Thu Hằng – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH xã hội Ánh Dương (ShiningSun) nhận định: Doanh nghiệp – Doanh nhân Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát, nguy cơ suy thoái, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng…

“Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam có thể sẽ phải đối phó 3 cú sốc kinh tế trong năm 2022, đó là xung đột tại Ukraine, suy thoái tại Trung Quốc và Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất”, bà Hằng chia sẻ và nhấn mạnh Việt Nam là nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và nếu các thị trường nhập khẩu rơi vào suy thoái sẽ là một thách thức rất lớn với các doanh nghiệp Việt.

Theo bà Hằng, các “cú sốc” đang kiểm tra “sức chịu đựng” của nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Những khó khăn đã bắt đầu “ngấm” nhưng dự báo, những tháng cuối năm 2022, doanh nghiệp mới thực sự “ngấm” và cảm nhận hết những khó khăn do tác động của kinh tế thế giới.

Các diễn giả tại chương trình

“Trong bối cảnh đó, điều gì sẽ giúp cho các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta, phải chăng chỉ có sự kiên định, sáng tạo mới là “chìa khóa” để các doanh nghiệp “vượt bão”, phát triển bền vững” bà Hằng đặt vấn đề với các chuyên gia, doanh nhân gạo cội cùng cộng đồng hơn 600 doanh nhân tham gia sự kiện.

Kiên định trong mục tiêu, sáng tạo trong hành động

Xuất hiện trên diễn đàn bằng phong thái của một nhà diễn thuyết chuyên nghiệp, doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nêu vấn đề: Tình hình kinh tế – chính trị thế giới hiện nay đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, bất định, thậm chí có thể gọi là “hỗn loạn”. Trong bối cảnh như thế này, ông Bình tiết lộ “bí kíp” để Tập đoàn FPT vượt qua chính là học từ nghệ thuật “Chiến tranh nhân dân” của ông cha ta, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng – thống nhất đất nước.

“Chiến tranh nhân dân” bản thân tên gọi đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa, đó là cuộc chiến tranh mà tất cả nhân dân đều tham gia, kiên định cho một mục tiêu cuối cùng là chiến thắng.

“Để mang về 1 tỷ USD ngoại tệ mỗi năm cho đất nước như hiện nay, trong quá trình phát triển của mình, Tập đoàn FPT đã phải nhiều lần kích hoạt “trạng thái chiến tranh”, huy động sức mạnh để vượt qua khủng hoảng”, ông Bình nhấn mạnh và cho biết 2 lần điển hình: Một là những năm đầu khi FPT vươn ra toàn cầu để xuất khẩu phần mềm nhưng thất bại nặng nề tại thị trường Mỹ và Ấn Độ và lần thứ hai là chống chọi với đại dịch Covid-19.

“Khi ấy, những nhà lãnh đạo, quản trị biến thành người chỉ huy, người lao động biến thành những chiến binh, tất cả đồng lòng, kiên định cho một mục tiêu duy nhất là FPT phải vượt qua được khó khăn, khủng hoảng”, ông Bình chia sẻ và cho rằng: Để “chiến tranh nhân dân” thành công, vai trò làm gương của những người chỉ huy rất quan trọng. Có những thời điểm ban lãnh đạo FPT tự bàn với nhau cắt giảm lương của mình nhưng vẫn giữ đầy đủ quyền lợi cho cán bộ nhân viên để giữ vững tinh thần ổn định cho đội ngũ.

PGS.TS Trương Gia Bình tại Diễn đàn

Theo vị doanh nhân giàu có bậc nhất Việt Nam, nghệ thuật “chiến tranh nhân dân” còn có một “tinh hoa” mà nếu áp dụng sẽ giúp doanh nghiệp vươn lên một cách mạnh mẽ, đó là “đánh theo cách của mình”, tùy vào điều kiện của mỗi thời điểm. “Trạng thái bất định giống như một cơn bão, không biết đi hướng nào để không bị quật ngã. Vậy nên, chúng ta phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các điều kiện của mình để thực thi một cách phù hợp, hiệu quả, không doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào cả”, ông Bình chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm về sự kiên định trong mục tiêu, sáng tạo trong hành động, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank nhắn nhủ với các doanh nhân trẻ điều mà ông tâm đắc, cũng là “kim chỉ nam” cho thành công trong kinh doanh của mình đó là “thượng tôn pháp luật” và “chia sẻ lợi ích”. Làm gì thì làm phải theo quy định của pháp luật, khi đã có lợi nhuận rồi thì chia sẻ với người lao động, với cộng đồng.

“Khi nhận nhiệm vụ tái cơ cấu Ngân hàng Sacombank, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải làm sao đưa Sacombank có lợi nhuận và trở lại vị thế hàng đầu ngành ngân hàng. Từ mục tiêu đó, tôi chỉ chọn và làm việc với “người cộng sự duy nhất” là chị Thạch Diễm, hiện nay là Tổng GĐ Sacombank để đưa ra những quyết sách giúp Sacombank tái cơ cấu thành công.

Ông Dương Công Minh (bên phải)

Ông Minh lấy ví dụ, một trong những quyết định thể hiện sự sáng tạo, đột phá trong quá trình tái cơ cấu Sacombank chính là việc bán khai thác bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam, thu về khoản tiền 800 tỉ đồng, giúp lợi nhuận năm 2017 của Sacombank vọt lên 1.400 tỉ đồng, trong khi năm 2016 chỉ vỏn vẹn 16 tỉ đồng.

Vị doanh nhân dày dạn kinh nghiệm cũng nhắn nhủ với các bạn doanh nhân trẻ: Muốn thành công, giàu có phải có hoài bão, ước mơ và phải có đột phá, chứ cứ bình bình thì doanh nghiệp không thể nào lớn nổi.

Văn hóa doanh nghiệp sẽ là nền tảng

Ở một góc nhìn khác, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), khẳng định: “Văn hóa doanh nghiệp chính là nền tảng giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bền vững”.

Minh chứng cho điều này chính là sự phát triển rất bền vững của PNJ, nơi bà đã dày công vun đắp văn hóa doanh nghiệp ngay từ những ngày thành lập.

“Qua thời gian có những thứ sẽ mất đi, nhưng văn hóa chính là thứ còn lại mãi. Tại PNJ, với nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc, chúng tôi đã cùng đoàn kết, sáng tạo để vượt qua khủng hoảng một cách mạnh mẽ nhất”, bà Dung chia sẻ.

Bà Cao Thị Ngọc Dung trao đổi tại diễn đàn

Theo vị nữ doanh nhân, để xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, người đứng đầu có vai trò cực kỳ quan trọng và là tấm gương dẫn dắt đội ngũ cùng xây dựng văn hóa, phát triển doanh nghiệp.

Từ thực tiễn nhiều năm, bà dẫn câu nói của doanh nhân Giản Tư Trung ví von: Văn hóa chính là “chân ga” giúp ta vượt qua bao đèo cao và văn hóa cũng là “chân thắng” giúp ngăn ta rơi xuống vực sâu.

“Trong bối cảnh phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn thì văn hóa sẽ được thể hiện khi những quyết định ấy mang tính nhân văn” bà Dung tâm đắc chia sẻ và cho biết: Cách thức mà các doanh nhân chúng ta xử lý khó khăn, thách thức khi đại dịch Covid-19 xảy ra cho thấy rất rõ điều này.

“Tại PNJ, chúng tôi có niềm tin nếu các thành viên cùng nhau đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo và trách nhiệm trong mọi hành động thì có thể vượt qua mọi khủng hoảng”, bà Dung nhấn mạnh.

Cũng là “phát triển bền vững” nhưng được hiểu ở khía cạnh phát triển kinh tế xanh, sản phẩm xanh, không gây ô nhiễm môi trường, ông Trần Vũ Hoài, Giám đốc đối ngoại Fiesland Campina nhấn mạnh: Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà là yêu cầu bức thiết, không chỉ đến từ các quy định của Chính phủ và còn đến từ yêu cầu của người tiêu dùng.

Hiện nay, gánh nặng chí phí tăng lên khi thực hiện các giải pháp xử lý rác thải, phát triển sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách né tránh nhưng theo ông Hoài, người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn các sản phẩm xanh và sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm này thì đó không còn là thách thức mà chính là cơ hội của các doanh nghiệp khi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng

Xuất hiện trên diễn đàn và được giới thiệu với rất nhiều vai trò, chức vụ nhưng GS.TS Nguyễn Lân Hùng chỉ nhận mình là “bạn của nhà nông”. Năm nay đã 77 tuổi và ông gần như dành toàn bộ thời gian của mình để giúp bà con nông dân Việt Nam đổi đời từ nông nghiệp. Theo GS.Nguyễn Lân Hùng, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức nhưng “trong nguy ắt sẽ có cơ” và ông khẳng định: Cơ hội làm giàu hiện nay rất nhiều.

GS.TS Nguyễn Lân Hùng (người ngồi giữa)

“Tôi đi rất nhiều nơi, từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, thấy bà con ta ứng dụng công nghệ, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế rất cao. Chẳng hạn, trước đây bà con ta trồng keo, mỗi ha cho thu nhập chỉ hơn chục triệu nhưng nay chuyển đổi trồng mắc ca cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm”, GS.Nguyễn Lân Hùng cho biết và nhấn mạnh: Việt Nam là đất nước nông nghiệp, đa phần là nông dân. Vì vậy, các doanh nghiệp nên hướng về những đối tượng này để hỗ trợ họ về công nghệ, thị trường tiêu thụ thì chắc chắn người nông dân sẽ khấm khá.

“Nông dân giàu thì đất nước sẽ thay đổi nhưng muốn làm được điều này phải có sự chung tay, liên kết của các doanh nghiệp, doanh nhân”, GS.Nguyễn Lân Hùng khẳng định và lấy ví dụ nhỏ: Hiện ông cùng với các cộng sự của mình dưới sự tài trợ của ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank, đang biên soạn, in ấn bộ sách: “1001 cách làm ăn” tập hợp, giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả.

Nếu các mô hình này được anh Bình (Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT), đưa lên mạng để bà con ta trên khắp cả nước học hỏi, làm theo thì tuyệt vời”, GS.Nguyễn Lân Hùng nói trong sự vỗ tay hào hứng của hơn 600 doanh nhân.

Đối với ngành du lịch, một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn TMG đã nhìn thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ thời gian qua và ông tin rằng: Ngành du lịch sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới nhờ xu hướng “du lịch trả thù” của các du khách sau thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh.

“Chỉ một thời gian ngắn sau khi kiểm soát được dịch bệnh, du lịch nội địa đã trở lại đà tăng trưởng như mức trước đại dịch. Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế của Việt Nam trong năm nay khó đạt được nhưng khi các nước mở cửa hoàn toàn thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng đột biến”, ông Kiên cho biết và đề xuất, ngành du lịch cần có những chuẩn bị để sẵn sàng nắm bắt cơ hội.

“Chính phủ cần cải thiện hơn nữa chính sách thị thực nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu quốc gia, có chính sách hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp tái cơ cấu sản phẩm, dịch vụ sau thời gian thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Nếu làm tốt những việc này, tôi tin rằng ngành du lịch sẽ phát triển rất mạnh mẽ, đạt mục tiêu doanh thu từ 120 – 150 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP vào năm 2030”, ông Kiên khẳng định.

“Nông dân giàu thì đất nước sẽ thay đổi nhưng muốn làm được điều này phải có sự chung tay, liên kết của các doanh nghiệp, doanh nhân”, GS.Nguyễn Lân Hùng khẳng định và lấy ví dụ nhỏ: Hiện ông cùng với các cộng sự của mình dưới sự tài trợ của ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank, đang biên soạn, in ấn bộ sách: “1001 cách làm ăn” tập hợp, giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả.

“Nếu các mô hình này được anh Bình (Ông Trương Gia Bình – aChủ tịch Tập đoàn FPT) đưa lên mạng để bà con ta trên khắp cả nước học hỏi, làm theo thì tuyệt vời”, GS.Nguyễn Lân Hùng nói trong sự vỗ tay hào hứng của hơn 600 doanh nhân.

Đối với ngành du lịch, một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn TMG đã nhìn thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ thời gian qua và ông tin rằng: Ngành du lịch sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới nhờ xu hướng “du lịch trả thù” của các du khách sau thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh.

“Chỉ một thời gian ngắn sau khi kiểm soát được dịch bệnh, du lịch nội địa đã trở lại đà tăng trưởng như mức trước đại dịch. Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế của Việt Nam trong năm nay khó đạt được nhưng khi các nước mở cửa hoàn toàn thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng đột biến”, ông Kiên cho biết và đề xuất, ngành du lịch cần có những chuẩn bị để sẵn sàng nắm bắt cơ hội.

“Chính phủ cần cải thiện hơn nữa chính sách thị thực nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu quốc gia, có chính sách hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp tái cơ cấu sản phẩm, dịch vụ sau thời gian thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Nếu làm tốt những việc này, tôi tin rằng ngành du lịch sẽ phát triển rất mạnh mẽ, đạt mục tiêu doanh thu từ 120 – 150 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP vào năm 2030”, ông Kiên khẳng định.

Nguồn: Thương gia và Thị trường

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com