Kỷ lục thế giới về siêu trí nhớ Dương Anh Vũ: “Tôi từng học rất dốt”
- 08/02/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 10586
Một người đã từng là một học sinh kém từ lớp 1 đến lớp 9, thậm chí đã từng bị ở lại lớp năm lớp 3 nhưng hiện Dương Anh Vũ được 3 tổ chức kỷ lục thế giới có trụ sở tại Mỹ, Ấn Độ và Hồng Kông gồm: Quỹ Nghiên cứu Hỗ trợ Kỷ lục Thế giới, Sách Kỷ lục Thế giới High Range và Sách Kỷ lục ngày 6.11 công nhận 4 kỷ lục về trí nhớ học thuật.
6 năm cấp 1, cấp 2 học bán công, cấp 3 học bổ túc vì quá kém, nhưng Dương Anh Vũ đã trở thành học sinh giỏi, xác lập nhiều kỷ lục thế giới.
Dương Anh Vũ sinh ra và lớn lên trong gia đình có 5 người anh em tại Ninh Thuận, cha mẹ anh đều là nông dân và chưa học hết lớp 3. Từ lúc nhỏ, anh em Vũ đã được cha gieo vào đầu suy nghĩ học để thoát nghèo.
“Nhiệm vụ của tụi con là học và của cha mẹ là đi làm kiếm tiền nuôi các con…
Ðứa nào học được, cha sẽ cho học tới nơi tới chốn, kể cả bán nhà để sau này lấy cái chữ mà nuôi thân. Còn đứa nào học không được thì cha cho đi học nghề…”, Vũ kể.
6 năm để học hết cấp 1
Thế nhưng, trái ngược với các anh chị em khác trong gia đình, Vũ là thành phần được liệt vào cá biệt của trường vì lực học quá kém.
Vũ bắt đầu là học sinh yếu và thi lại từ năm học lớp 2, lớp 3 thì ở lại lớp, lớp 4 và 5 cũng thi lại. Do học quá yếu, cấp 2, Vũ phải học trường bán công trong khi bạn bè học ở trường công lập.
Tình cảnh yếu kém tiếp tục diễn ra ở cấp 2 khi các lớp 7, 8, 9 đều là học sinh yếu và phải thi lại ít nhất 2 môn mỗi năm. Trong đó, năm lớp 8 kết quả thi là… ở lại lớp, nhưng may mắn có cô giáo chủ nhiệm giúp phúc khảo nên qua.
Kết quả càng tệ hại hơn trong kỳ thi chuyển cấp, Vũ chỉ đạt được 28 điểm, mức điểm này không có bất cứ trường nào nhận, vì trường bán công tệ nhất khi đã xét tuyển đợt 2 điểm số của nó vẫn lấy 28,5 điểm.
Lòng tự trọng trỗi dậy
Theo truyền thống gia đình, sau khi biết kết quả học cả năm, đứa nào học lực yếu, thi lại hay ở lại lớp sẽ bị cha “mời” vào phòng khách để cho ăn đòn…
Trong suốt thời kỳ học tập của 5 anh em, chỉ có một mình Vũ là năm nào cũng bị ăn đòn… Và lần này, đinh ninh sẽ bị ăn nhiều đòn, Vũ mặc chiếc quần bò thật dày, độn vào trong đó vài tờ bìa cứng để đỡ bị đau khi cha đánh.
Thế nhưng, trái ngược những lần trước, ông không đánh mà bảo Vũ ngồi đối diện rồi nói: “Người ta học 9 năm còn con đã học 10 năm (+1 năm ở lại lớp), nhưng kết quả học tập của con mỗi ngày mỗi đi xuống. Thôi cha nghĩ con nên đi học nghề”.
Lúc đó mình hiểu được rằng: “Thà bị đòn còn hơn là được đãi ngộ theo kiểu này… Cha và gia đình đã mất hoàn toàn niềm tin vào mình”.
Mình cúi mặt khóc. Tai mình ù lên nghe rõ những câu chê bai của bạn bè, của hàng xóm… Và lòng tự trọng bỗng dưng trỗi dậy, mình ngước mặt lên nhìn bố và nói: “Cha ơi con muốn đi học”.
Thế nhưng đã quá muộn, cha không đồng ý và yêu cầu phải đi học nghề.
Tuy nhiên, vì khát khao đi học và muốn chứng minh đã thay đổi, Vũ quyết định tuyệt thực và không tắm trong một tuần để đấu tranh với cha. Trước thằng con bất trị, cha Vũ đành chiều ý con một lần nữa.
Vũ bắt đầu kế hoạch đi học trở lại. Gần nhà Vũ có trường bổ túc, nhưng anh không dám học vì sợ hàng xóm mà biết sẽ làm bố mẹ xấu hổ nên Vũ phải xuống tận thành phố, cách nhà 12 km để học.
Sáng anh đạp xe đi học, trưa anh về nhà ăn cơm, chiều đi học thêm đến hơn 9 giờ tối mới về… Trong 3 năm, mỗi ngày, anh đạp 48 km để đi tìm lại con chữ. Dù rất cố gắng, kết thúc lớp 10, Vũ lại xém bị xếp loại học sinh yếu.
Lúc này, anh mới phát hiện kiến thức nền tảng của mình bị hỏng quá nghiêm trọng cho nên dù có siêng năng đến đâu cũng không kéo lên được. Ðể lấy lại kiến thức, Vũ quyết định một buổi học chính khóa ở trường, một buổi xin vào học thêm các lớp 6, 7, 8, 9.
“Thực sự chưa bao giờ Vũ thấy mình tệ hại đến vậy. Ðây chính là câu chuyện đau thương, tủi hờn nhất cuộc đời mà mình mãi nhớ cho đến ngày hôm nay!”, Vũ kể.
Năm lớp 11, kết quả học tập của Vũ tăng tiến vượt bậc khiến ai cũng bất ngờ. Ðến năm 12, khi đăng ký cho Vũ thi học sinh giỏi thì các thầy cô mới phát hiện quy chế của Bộ GD&ÐT không cho học sinh bổ túc tham gia thi học sinh giỏi.
Thầy cô gọi lên Sở GD&ÐT tỉnh Ninh Thuận để trình bày nhưng vô vọng. Vũ rơi vào trầm cảm, anh như mất niềm tin vào cuộc sống. Ðể lấy lại sự công bằng, anh quyết tâm tập trung cho việc học, vì anh muốn người ta không được coi thường anh và gia đình anh hay bất cứ học sinh bổ túc nào.
Kết quả, năm đó Vũ đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp với số điểm ấn tượng cho 3 môn: Văn 9.5, Sử 10 và Ðịa 10. Tiếp tục thi đỗ vào Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh ngành Kinh tế Phát triển vùng. Năm sau, anh được nhận vào Ðại học RMIT và học song song hai chương trình.
Sau 4 năm, Vũ tiếp tục nhận học bổng MBA tại New Zealand. Và hiện anh nghiên cứu sinh tiến sĩ tại đại học Leeds của Anh, đồng thời là cố vấn về các vấn đề kinh tế và xã hội cho một chương trình tại khu vực Nam Á, là Ðại sứ truyền thông kiêm đại diện của Quỹ nghiên cứu hỗ trợ kỷ lục Thế giới tại khu vực Ðông Nam Á.
Tại buổi khen thưởng cho Vũ tại UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức ngày 19/11/2016, anh đã nói hết những uất ức phải chịu đựng trong suốt 10 năm qua cho lãnh đạo tỉnh và Sở GD&ÐT nghe. Ngày 29/11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ra quyết định cho phép học viên bổ túc được tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.
4 kỷ lục thế giới về trí nhớ
Nói về những kỷ lục trí nhớ của mình, Vũ cho rằng đó là cái duyên trong quá trình anh quyết tâm học để thay đổi cuộc đời. Năm học lớp 11, mình dùng Sơ đồ tư duy của Tony Buzan, để tổng hợp và hệ thống lại kiến thức đã mất.
Sau đó, anh sử dụng phương pháp tư duy hình nhện để liên kết các kiến thức mới. Ðây là phương pháp do Vũ phát triển ra từ Sơ đồ tư duy, nhưng mãi đến năm 2 đại học anh mới thực sự luyện trí nhớ.
Lúc đầu rất khó khăn vì bộ não chưa thích ứng với những áp lực nên đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ.
Sau 3 tháng thì não của Vũ bắt được nhịp, và chỉ trong 1 năm anh đã sở hữu một khối lượng kiến thức khoa học lớn chứa trên 500.000 trang giấy A4. Chính điều đó giúp anh thực hiện nghiên cứu khoa học rất thuận tiện và lần lượt chinh phục các kỷ lục thế giới.
Năm 2017 – 2018, Vũ đã thực hiện hơn 200 chương trình thuyết giảng phi lợi nhuận tại các trường đại học và trung học phổ thông trên cả nước. Chủ đề “Life – Nothing is impossible” (Cuộc sống – Không gì là không thể) xuyên suốt chuỗi thuyết giảng.
Chia sẻ về hành trình gặp gỡ hơn 100.000 học sinh, sinh viên suốt 2 năm qua, Vũ nói: “Khi đến với các em, mình luôn tâm niệm bản thân không phải là thầy, mà là người anh đi trước, kể những câu chuyện để các em tự rút ra bài học riêng”. Bên cạnh kỹ năng mềm, Vũ chỉ cho các em một vài kỹ năng học thuật để nhớ số và sự kiện lịch sử Việt Nam.
Đặc biệt, tại Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam năm 2019 tại Vĩnh Phúc, Dương Anh Vũ sẽ có 30 phút chia sẻ và truyền cảm hứng cho Thanh niên Họ Dương Việt Nam. Để từ đó Thanh niên Họ Dương Việt Nam có thể tận dụng tài năng và sức trẻ của mình trong việc xây dựng bản thân và quê hương trong tương lai. Hãy cùng chờ đón điều đặc biệt sắp tới nhé.
Dương Xuân Giang (T/h)