Lương Y Đào Kim Long – Gìn giữ, tôn vinh văn hóa chữa bệnh bằng nam y và nam dược

 

Y học dân tộc Việt Nam hay dễ hiểu hơn là sử dụng nam y và nam dược trong công tác chữa bệnh, theo quan điểm của Đại danh y Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị Nam nhân”, “Thuốc Nam Việt trị người Nam Việt” được giải thích rằng: “Sống ở đâu, ở đó có thuốc chữa, không gì bằng thuốc nam chữa cho người Việt, con người sinh ra ở đây cây thuốc lớn lên ở đây, nếu biết kết hợp hòa hợp thì rất tốt với cơ thể con người, không loại thuốc nào có thể so sánh được”, tuy nhiên việc bào chế như thế nào để có được phương thuốc tốt thì cần những người thầy thuốc nghiên cứu chuyên sâu, phải ý thức được dùng thuốc nào cho đúng người đúng bệnh. Và quả thật từ xa xưa, ông cha ta đã nghiên cứu sáng tạo ra rất nhiều bài thuốc quý, lưu truyền đến hiện nay để thế hệ sau có được những bài thuốc quốc truyền, gia truyền quý giá.

 

 

Trải qua bao sóng gió của lịch sử, nam y, nam dược và văn hóa chữa bệnh bằng nam y và nam dược vẫn được lưu truyền, phát triển từ đời này sang đời khác. Có thể thấy được nam y và nam dược chính là căn bản, là tinh túy của nền y học dân tộc Việt Nam. Dù cho xu hướng của xã hội hiện nay đang quá đề cao vai trò của Tây y, nhưng văn hóa chữa bệnh bằng Nam y – Nam dược vẫn tồn tại và khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng mọi người.

Thực tế hàng năm nhà nước ta tài trợ cho y tế hơn 40.000 tỷ, nhưng chỉ một phần nhỏ người bệnh sử dụng, còn lại phần lớn người bệnh vẫn tìm đến nam y để chữa bệnh với quan điểm lấy nam y làm gốc. Có thể thấy chữa bệnh bằng nam y, nam dược là một nét văn hóa chữa bệnh của người Việt Nam, không thể thay thế. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề, không nên chỉ nhìn phiến diện mà cấm đoán sự phát triển của nam y. Có cấm đoán thì cũng chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền y học nước nhà mà thôi.

Thiết nghĩ, luật pháp luôn có lý, nhưng áp dụng luật pháp cũng nên nghiên cứu kỹ về văn hóa của dân tộc, để thay đổi rồi mới áp dụng sao cho hợp lý, không nên quá cứng nhắc trong việc mang những luật pháp về y học của phương tây áp dụng vào Việt Nam. Sai lầm ấy cũng đã có nhiều nước trên thế giới mắc phải, ví dụ như luật của Nhật Bản. Năm 1895 đất nước này cấm hành nghề y dược đông y để duy tân đất nước mà không hiểu điều đó nguy hiểm đến thế nào. Tuy nhiên chính Nhật sau đó lại chính là nước xuất khẩu dược liệu nhiều nhất thế giới và phải bỏ lệnh cấm này. Trung Quốc cũng cấm đoán vào thời Tưởng Giới Thạch nhưng cũng không thể cấm được. Đến khi Mao Trạch Đông lên thay thì đã phải đưa ra lời kêu gọi: “Kết hợp Trung Tây y”. Ở Việt Nam, chính chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng được một nam y cứu chữa ở Định Hóa, bằng mấy bát cháo thuốc. Để sau này, khi tập kết miền Nam, miền Bắc tại một hội nghị Bác đã nói: “Các chú phải đoàn kết miền Nam Bắc, Tây Đông để xây dựng cho đất nước ta một nền y khoa , khoa học, dân tộc và đại chúng”, điều đó đã khẳng định vai trò to lớn của nền y học dân tộc đối với đất nước. Đất nước ta, một đất nước độc lập, có hàng nghìn năm phát triển, tất nhiên phải có những điều luật phù hợp với văn hóa, với bản sắc của dân tộc.

Tìm hiều về vai trò của nam y, nam dược đối với nền y học Việt Nam chúng tôi đã tìm gặp đạo trưởng Nam y đạo pháp lương y Đào Kim Long, người đã có nhiều nghiên cứu, đóng góp cống hiến trong nhiều năm công tác. Từ công lao tìm ra cây thuốc quý “Nhân sâm Ngọc Linh”, đến việc lưu giữ phương pháp luyện chế Linh đan Thiềm Ô Châu, phương thức sản xuất thuốc Lô-xa-in và nhiều phương thuốc cổ truyền, quốc truyền quý báu khác.

Lương y Đào Kim Long cũng là người góp phần xây dựng và phát triển Nam y Đạo Pháp với quan điểm nam y – nam dược là tinh hoa, là căn bản của nền y học dân tộc, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”  còn Nam Y Đạo Pháp là con đường phát triển để nền y học dân tộc vươn tầm thế giới. Với những đóng góp của lương y Đào Kim Long, Nam Y Đạo Pháp ngày càng phát triển và thu hút được một số lượng lớn học viên: không chỉ những người Việt Nam mà còn có rất nhiều học viên từ các khu vực khác nhau trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Ucraina, Đài Loan, Israel… Sự tham gia đông đảo của học viên khắp thế giới đã khẳng định vị trí tồn tại vững chắc của nam y trong y học.

 

 

Vai trò của nam y – nam dược đối với nền y khoa Việt Nam được thể hiện qua chính những con người đang ngày đêm gìn giữ và phát huy vai trò của nó. Có thể thấy bằng chứng hiệu quả của nam y nam dược đối với con người qua chính cuộc đời của lương y Đào Kim Long, Ông hiện nay dù tuổi cao nhưng  vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và tham gia học tập nghiên cứu, ông đã sáng lập ra phương pháp kỳ môn y pháp – tinh hoa cuả các phương pháp dùng thuốc trong  nam y. Đây là phương pháp kê đơn phát huy thế mạnh của các tổ hợp thuốc nhằm giải độc nội môi vì nam y quan điểm chữa bệnh là chữa người bệnh, dùng thuốc phải đúng bệnh đúng người bởi mỗi cơ thể người có một cơ địa khác nhau, nên dùng thuốc phải có phối phương tỷ lệ sao cho phù hợp với từng người, còn tây y chỉ chữa theo triệu chứng biểu hiện của bệnh chữa đại trà nên có nhiều trương hợp bị dị ứng với thành phần của thuốc hoặc có tác dụng phụ, đây là sự khác nhau giữa tây y – nam y, cũng cho thấy sự ưu việt của nam y và phương pháp kỳ môn y pháp trong bốc thuốc chữa bệnh.

Với  tâm huyết của một người dân Việt đam mê với cây thuốc Việt và y học dân tộc, lương y Đào Kim Long đã tìm ra nhân sâm Ngọc Linh ông được đề xuất trao giải thưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, năm 2013, với những đóng góp của mình cho y học dân tộc, ông được chứng nhận là “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” do ban Tuyên giáo Trung ương Vụ trưởng vụ Văn hóa Văn nghệ ghi nhận. Ông đã cho ra đời cuốn sách “Nam y chữa bệnh ung thư” được giới khoa học và nhân dân đón nhận và đánh giá cao. Ông cho biết: Bản thân ông lúc nào cũng muốn đóng góp cho xã hội, ông mong muốn đóng góp một phần sức lực của bản thân mình trong công cuộc phát triển y khoa Việt Nam, đưa ra thế giới.

Lương y Đào Kim Long chia sẻ: Nếu muốn phát triển nền y học nước nhà, vươn tầm ra thế giới cần dựa vào thế mạnh là nam y và nam dược, nên có một bộ luật riêng hoàn chỉnh dành cho các lương y hành nghề nam y nam dược, nên tạo điều kiện cấp phép cho các thầy thuốc nam y và các bài thuốc gia truyền quốc truyền một cách hợp lý để chữa bệnh cho mọi người và lưu truyền cho đời sau những bài thuốc quý, chứ không nên quá áp đặt các luật pháp của nước ngoài vào Việt Nam, nên có các công ty vào cuộc, phối hợp cùng các thầy thuốc Nam Y để phát triển các bài thuốc gia truyền quốc truyền, những công ty ấy sẽ chịu tránh nhiệm về tính khoa học và tính chữa bệnh của bài thuốc, cũng như đảm bảo cho những người cống hiến những bài thuốc quý có được thu nhập ổn định và lâu dài. Nhà nước, nhân dân và những thầy thuốc nên cùng nhau hợp tác để đưa ra được một bộ luật khoa học, thống nhất giúp cho những thầy thuốc tâm huyết nghiên cứu về y học dân tộc và bản sắc văn hóa chữa bệnh bằng nam y và nam dược có cơ hội phát triển hơn nữa, cũng mong bộ luật sẽ được Quốc hội thông qua để đảm bảo tính thống nhất.

Rất hi vọng những ước muốn và góp ý của một người thầy thuốc tâm huyết như lương y Đào Kim Long sẽ được trở thành hiện thực. Cũng chúc ông nhiều sức khỏe để có thể cống hiến thêm một phần sức lực cho xã hội.

                                                                          Sưu tầm – Hội y học cổ truyền Việt Nam

 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com