LÝ THẦN TÔNG – DƯƠNG HOÁN VUA NHÀ LÝ GỐC HỌ DƯƠNG

LÝ THẦN TÔNG – DƯƠNG HOÁN VUA NHÀ LÝ GỐC HỌ DƯƠNG

 

Mở đầu

 

Sách sử Việt Nam cổ kim khi nói đến triều đại nhà Lý đều cho biết: Vua tên húy Dương Hoán, được vua Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi từ nhỏ, được mang họ Vua và kế vị làm vua Lý Thần Tông (1128-1138).

 

Có thể nêu một số sách:

 

  1/ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, hoàn thành năm 1272 thời Trần

 

  2/ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, hoàn thành năm 1479, 15 tập dâng vua Lê Thánh Tông

 

  3/ Đại Việt sử ký toàn thư của nhóm Lê Huy, hoàn thành năm Chính Hòa 18 (1697) … (Sử quan triều Lê viết tiếp)

 

  4/ Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim, NXB Văn học, H. 2008

 

  5/ Những điều thú vị về các vua triều Lý. Lê Thái Dũng, NXB Văn học, H. 2011

 

  6/ Nhà Lý trong văn hóa Việt Nam. Nguyễn Bích Ngọc, NXB Thanh niên, H. 2009)

 

  7/ Các triều đại Việt Nam. Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh niên, H. 2006)

 

  8/ Các vị vua và hoàng tộc nhà Lý (Phạm Trường Khang, NXB Hồng Đức, H. 2012 …

 

  Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm này, tôi xin nêu một số nội dung về vấn đề chúng ta quan tâm trong vài nguồn tư liệu sau:

 

I. ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (toàn tập)

 

  Người dịch Cao Huy Giu, hiệu đính Đào Duy Anh, NXB Văn học, H. 2009

 

* Vua Lý Nhân Tông tìm người kế vị  

 

  [Trang 208]: Bấy giờ, vua tuổi đã nhiều mà chưa có con trai, xuống chiếu chọn người con tôn thất để lập con nối. Em vua là Sùng Hiền hầu (không rõ tên) cũng chưa có con trai, vừa gặp lúc sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, Sùng Hiền hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải cho tôi biết trước”. Đạo Hạnh cầu hộ với sơn thần. Ba năm sau, phu nhân có thai, sinh con trai là Dương Hoán”.

 

Đền Đô – Bắc Ninh

 

  [Trang 209]: Bính Thân năm thứ 7 (1116) Tống Chính Hòa năm thứ VI, mùa thu tháng 6, nhà sư Từ Đạo Hạnh hóa thân, trút xác ở chùa núi Thạch Thất … Phu nhân của Sùng Hiền hầu là Đỗ Thị sinh con trai tức là Dương Hoán.

 

  [Trang 210]: Tìm con trai họ Tôn Thất để nuôi ở trong cung, xuống chiếu rằng: “Trẫm trị muôn dân mà đến già vẫn không có con nối, ngôi báu của thiên hạ truyền cho ai được? nên nuôi con trai của các hầu: Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thiều Chiêu, Thành Hưng chọn người nào giỏi thì lập thành Thái tử. Bấy giờ, con Sùng Hiền hầu là Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu bèn lập làm Hoàng Thái tử.

 

* Vua truyền ngôi cho Dương Hoán

 

  [Trang 216-217]: Đinh Mùi, Thiên Phù Khánh Thọ năm thứ nhất (1127).

 

  Tháng 12. Vua không khỏe. Gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận chiếu rằng: “Trẫm nghe phàm giống sinh vật không giống nào là không chết, chết là số lớn của trời đất, lẽ của vật đều thế … Trẫm xót phận tuổi còn nhỏ đã nối ngôi báu, ở trên các vương hầu lúc nào cùng nghiêm kính, sợ hãi, đến nay đã 56 năm rồi.

 

  Trẫm từ khi đi xem gặt lúa đến giờ bỗng nhiên bị ốm, bệnh đã kéo dài, sợ không kịp nói đến việc nối ngôi mà Thái tử Dương Hoán nay đã đủ 12 tuổi, có nhiều đại độ, thông minh, thành thực, trung nghiêm kính cẩn, có thể theo điển cũ của trẫm mà lên ngôi Hoàng đế, để cho kẻ thơ ấu chịu mệnh trời mà nối mình truyền nghiệp của ta, làm rộng lớn thêm công nghiệp trước. Nhưng cũng nhờ ở quan dân, các ngươi một lòng giúp đỡ mới được.

 

  [Trang 218]: Ngày Đinh Mão, vua băng ở điện Vinh Quang, Hoàng Thái tử lên ngôi ở trước linh cữu, sai Bá Ngọc truyền bảo các vương hầu và các quan văn võ rằng: “Không may Tiên Đế từ bỏ bầy tôi, ngôi trời không thể bỏ lâu được, ta còn ít tuổi, cố gượng nối ngôi, các khanh nên bền vững một lòng giúp đỡ nhà vua, không những là không phụ lòng Tiên Đế chú ý trông mong và cũng để con cháu các khanh đời hưởng lộc vị. Các quan đều lạy mừng và thương khóc.

 

  Ngày Ất Dậu, vua bắt đầu ngự điện Thiên An, coi chầu

 

* Thần Tôn Hoàng Đế

 

  [Trang 219]: Vua húy là Dương Hoán, cháu gọi Thánh Tôn bằng ông, cháu gọi Nhân Tôn bằng bác, con Sùng Hiền hầu, phu nhân Đỗ Thị sinh ra. Khi mới lên 2 tuổi được nuôi ở trong cung, lập làm Hoàng Thái tử. Nhân Tôn băng, lên ngôi báu ở ngôi 11 năm, thọ 23 tuổi, băng ở điện Vinh Quang. Vua năm mới lên ngôi, còn trẻ người non dạ, đến khi lớn lên, tư chất thông tuệ, độ lượng rộng rãi, sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thủy chung đều chính, nhiệm nhặt khúc nhôi, không gì sai lệch.

 

  Mậu Thân,Thiên Thuận năm thứ nhất (1128), mùa xuân, tháng Giêng, ngày mùng 1 Bính Tuất đổi niên hiệu, đại xá. Tôn mẹ nuôi là Thần Anh phu nhân làm Hoàng Thái hậu.

 

  Cho sáu quân thay phiên nhau về làm ruộng, theo chế độ xưa. Ngày Mậu Tý, tôn thụy hiệu cho Đại Hành Hoàng Đế là Hiếu Từ Thánh thần văn vũ hoàng đế, niên hiệu là Nhân Tôn.

 

  [Trang 220]: Ngày Nhâm Dần, sai Thái phó Lưu Ba và Gián Nghị đại phu Mâu Du Đô đem lễ vật của Nhân Tôn ban cho Sùng Hiền hầu đến tận nhà.

 

  [Trang 221]: Sai gián nghị đại phu Mâu Du Đô đến phủ Thiên Đức chọn đất tốt để xây sơn lăng của Nhân Tôn.

 

  [Trang 222]: Ngày Giáp Ngọ, tôn thân sinh là Sùng Hiền hầu làm Thái Thượng Hoàng và mẹ thân sinh là Đỗ Thị làm Hoàng Thái hậu ở cung Động Nhân.

 

  [Trang 225]: Theo Tống sử quyển 488 thì Càn Đức tức Lý Nhân Tôn chết năm Thiệu Hưng thứ II (1132), con là Dương Hoán tức Thần Tôn nối ngôi, nhà Tống cho làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ đặc tiến kiểm hiệu Thái úy, phong Giao Chỉ quận vương.

 

  Kỷ nhà Lý từ Thần Tôn hoàng đế (trang 219) đến Chiêu Hoàng (trang 261) cho biết: Các vua nhà Lý sau Thần Tôn, tức Anh Tôn, Cao Tôn, Huệ Tôn, Chiêu Hoàng đều là hậu duệ trực hệ kế tiếp nhau của Lý Thần Tôn Dương Hoán.

 

II. DƯƠNG TỘC KỶ SỬ TOÀN QUỐC

 

  Đây là tập tài liệu về lịch sử Họ Dương Việt Nam do cụ Dương Văn San (Nam Định) “biên soạn, sao lục” trên cơ cở tài liệu Dương tộc kỷ sử (Sử ký Họ Dương) được Thừa tướng Quốc công Dương Đình Tiến khởi soạn năm Mậu Tuất 1058, dưới triều vua Lý Thánh Tông và cụ Dương Hữu Tự Do sưu tầm, chép lại vào thế kỷ XVI (1592). Tài liệu viết tay, đánh số trang từ 1 đến 81.

 

  Tôi xin tóm lược một số phần theo chủ đề bài viết đã đặt ra:

 

* Trước công nguyên (TCN). Thủy tổ Họ Dương

 

  [Trang 4-7]: Cụ Thượng Thượng tổ Dương Minh Tiết, sinh trú quán tại Phong Châu, Bạch Hạc, Vĩnh Tường, Phú Thọ. Đời Hùng Vương thứ nhất, Cụ làm Thái sư Quốc công. Cụ cải nước Nam Giao làm nước Văn Lang, chia Văn Lang thành 15 bộ: Phong Châu, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phú Lộc, Việt Thường, Minh Hải, Dương Tuyền, Lang Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Trấn Hưng, Bình Văn, Cửu Đức.

 

  Cụ Thượng thượng Tổ Dương Minh Thắng, con cháu dòng dõi lâu đời cụ Tổ Dương Minh Tiết, sinh trú quán tại bộ Phong Châu, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Phú Thọ. Cụ ra đời từ họ Hồng Bàng, vào đời Hùng Vương thứ VI. Vua Hùng Vương cử cụ làm quan Lạc tướng, sai đem quân sang bộ Vũ Ninh dẹp giặc Ân. Giặc yên, vua Hùng truyền lệnh Cụ ở lại lập doanh trại, đóng chốt ở bộ Vũ Ninh, bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc lâu dài. Cụ định cư lập tân ấp trên đất Long Vĩ, nay thuộc xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Xưa đây là rừng núi hoang vu, ít người.

 

  Nghìn năm sau, con cháu đông đúc, chia nhau đi mở mang làm ăn, sinh sống thành vùng rộng lớn của người Họ Dương.

 

  Ngày nay, chúng ta phải hiểu rằng: Đã là người Họ Dương, dù bất cứ ở đâu trên đất nước này, cũng đều là con cháu nòi giống cụ Thượng Tổ Dương Minh Thắng, quê Long Vĩ, Bắc Ninh.

 

* Nguồn gốc Dương Hoán

 

  Dương Công Tiến – Ông nội Dương Hoán

 

  [Trang 34]: Tổ Dương Đình Tiến là con trai trưởng cụ Tổ Dương Đình Tín, sinh quán tại Châu Cổ Pháp, Long Vĩ, Kinh Bắc xứ, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Đình Bảng).

 

  Tổ làm quan Thừa tướng triều vua Lý Thánh Tông, Tổ có người con gái mỹ nữ tuyệt đẹp, gả cho Hoàng tử Càn Đức (con trai vua Lý Thánh Tông).

 

  Thái tử Càn Đức lên ngôi là vua Lý Nhân Tông hoàng đế. Vua không có con trai để nối nghiệp, Vua ngỏ ý với bà Thái hậu Phương Hoài rằng muốn dùng con trai Họ Dương nuôi làm con để sau kế tự nối nghiệp Hoàng đế. Bà Thái hậu đắc ý, sau bà bế đứa cháu trai Dương Hoán vào cung nuôi làm con của mình.

 

  Dương Công Khanh – Cha đẻ Dương Hoán

 

  [Trang 35]: Dương Công Khanh là con trai trưởng Tổ Dương Công Tiến, sinh trú quán tại Long Vĩ, Cổ Pháp, xứ Kinh Bắc, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Đình Bảng). Xưa Tổ là Sùng Hiền hầu quận công triều vua Lý Nhân Tông.

 

  Tổ là em bà Thái hậu Phương Hoài. Xưa vua Lý Nhân Tông không có con trai, Vua thân hành đến nhà Sùng Hiền hầu nói rằng: Tôi không có con trai để nối nghiệp hoàng đế. Lúc ấy bà phu nhân vợ Dương Công Khanh còn đang mang thai nghén.

 

  Nghe tin sư cụ Từ Đạo Hạnh quê ở núi Sài Sơn, tu ở chùa Tích Sơn thân hành đền nhà Sùng Hiền hầu quận công Dương Công Khanh báo tin, nói rằng: Khi nào bà phu nhân trở dạ, cấp báo ngay cho tôi biết.

 

  Khi bà phu nhân trở dạ, ông Dương Công Khanh cử người đến báo cho sư cụ Từ Đạo Hạnh. Nhận được tin báo, sư cụ vào trong hang đá núi Sài Sơn hóa thân (chết); Thần hồn vào đầu thai làm con nhà Sùng Hiền hầu quận công. Cụ Tổ Dương Công Khanh và bà phu nhân sinh con trai diện mạo phương phi.

 

  Cùng lúc, bà Thái hậu sinh con gái, bà đem tráo đổi, bế đứa cháu trai húy Dương Hoán, con của em trai mình là Dương Công Khanh đem vào cung nuôi làm con của mình. Vua Nhân Tông mừng rỡ, rất yêu quý đứa trẻ và nhận làm Thái tử, đỡ đầu họ Lý.

 

  Vì vậy, họ ta mang họ Lý từ đây.

 

   Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Mùi, vua Nhân Tông mất, Vua có di chiếu lập Dương Hoán vi tự, thừa kế nghiệp nhà Lý.

 

  Vua truyền ngôi cho Hoàng tử Dương Hoán nối ngôi Hoàng đế. Vua mất được 3 ngày, cụ Tổ Dương Hoán lên ngôi là vua Lý Thần Tông, niên hiệu Thiên Thuận.

 

Vua Lý Thần Tông tại Đền Đô – Bắc Ninh

 

  Lý Thần Tông – Dương Hoán

 

  [Trang 38]: Vua Lý Thần Tông Hoàng đế Ngọc bệ hạ là con trai trưởng cụ Tổ Dương Công Khanh; Vua vào triều làm con đỡ đầu vua Lý Nhân Tông.

 

  Vua Lý Nhân Tông rất yêu quý, vua mất có di chiếu lập Hoàng tử Dương Hoán vi thừa kế tự Hoàng đế.

 

  Vua mất được 3 ngày, Tổ Dương Hoán tức vị lên ngôi Hoàng đế. Năm Canh Tuất (1130) nước Chiêm Thành đem 2 vạn quân sang xâm lược nước ta, Vua cử tướng Lý Công Bình đem 5 vạn quân đánh bại nước Chiêm Thành …

 

  Từ đó, nước ta được yên ổn. Vua tại vị 11 năm, truyền ngôi cho Lý Thiên Tộ đi tu ở chùa Pháp Vân; mất năm Mậu Ngọ, thọ 23 tuổi.

 

III. GIA PHẢ HỌ LÝ – HỌ DƯƠNG

 

  Đây là tên gia phả do cụ Dương Hữu Tự Do soạn vào triều Lê năm Canh Dần (1590) và do cụ Dương Văn San (Nam Định) sao lại năm 1970.

 

  Chúng tôi dựa vào bản dịch của Hội đồng Họ Dương Việt Nam (HĐHDVN) do ông Dương Văn Đảm dịch năm 2015 để trích dẫn một số nội dung cần thiết.

 

[Trang 56] Phả hệ Họ Lý (1)

 

1. Phạm Thị Phương hiệu Minh Đức – Lý Khánh Văn (cha nuôi)

 

         1.1 Lý Công Uẩn

 

2. Lý Công Uẩn – Nguyễn Minh Lục, hiệu Hoa Tiên. Vua Lý Thái Tổ

 

          2.1 Lý Phật Mã

 

3. Lý Phật Mã – Kim Liên Hoa (Tên hiệu). Vua Lý Thái Tông

 

          3.1 Lý Nhật Tôn

 

4. Lý Nhật Tôn – Dương Ỷ Lan, hiệu Từ Hương. Vua Lý Thánh Tông

 

          4.1 Lý Càn Đức

 

5. Lý Càn Đức – Dương Thị Phương Hoài. Vua Lý Nhân Tông

 

 5.1 Lý Dương Hoán (con nuôi) (2)

 

Chú thích:

 

(1): Hàng con mỗi đời chỉ ghi tên người con kế vị

 

(2): Vua Lý gốc Họ Dương được viết trong phần Gia phả Họ Dương

 

  [Trang 42] Ông Cao Cao tổ Dương Công Khanh, tên tự Trung Hiền, là con trai cụ Dương Công Tiến sinh 8/3 năm Canh Tý (1060); Sinh trú quán tại Long Vĩ – Kinh Bắc, huyện Đông Ngàn; Là Sùng Hiền hầu quận công triều đình vua Lý Nhân Tông.

 

  Tổ sinh hai con trai, một con gái: Dương Hoán, Dương Tự Minh, Dương Thị Huệ. Mất ngày 10/3 năm Quý Mão, thọ 64 tuổi. Mộ táng ở Long Vĩ. [Trang 43] Ông Cao Cao tổ húy Dương Hoán – Lý Thần Tông Hoàng đế Ngọc bệ hạ sinh 5/11 năm Bính Thân (1116), là con trai trưởng cụ Dương Công Khanh. Do Lý Nhân Tông không có con kế tự nhận Tổ làm con nuôi mang họ Lý.

 

  Tổ kế nghiệp nhà Lý, sinh ra Thái Tử Thiên Tộ. Ở ngôi 11 năm, truyền ngôi cho Thái Tử Thiên Tộ; Qua đời năm Mậu Ngọ (1138) thọ 23 tuổi. Mộ táng tại Lăng cấm địa núi rừng Châu Cổ Pháp.

 

  [Trang 44] Ông Cao Cao tổ húy Thiên Tộ – Lý Anh Tông Hoàng đế Ngọc bệ hạ, là con trai Vua Lý Thần Tông Dương Hoán, sinh 9/4 năm Bính Thìn (1136).

 

IV. TRUYỀN THỐNG THỜ CÚNG CÁC VUA NHÀ LÝ Ở ĐỀN ĐÔ, TỪ SƠN,

BẮC NINH

 

  Hậu cung Đền Đô tức Cổ Pháp điện gồm 7 gian là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị Vua nhà Lý. Gian giữa thờ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông; 3 gian bên phải lần lượt thờ Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông – Dương Hoán; 3 gian bên trái thờ lần lượt Lý Anh Tông, Lý Huệ Tông và Lý Cao Tông. Lý Chiêu Hoàng được thờ ở Đền Rồng (Long Vĩ).

 

  Có bản Giới thiệu 8 ông vua Lý. Với Lý Thần Tông ghi: Vua Lý Thần Tông, húy Dương Hoán, 1116-1128-1138, cho biết Dương Hoán sinh năm 1116, lên ngôi 1128 và mất năm 1138.

 

  Bia Cổ Pháp điện tạo bi dựng năm Giáp Thìn, mùa xuân Hậu Lê – Hoằng Định năm thứ V (1604); Văn bia do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn, phần vua Lý Thần Tông, ghi: Lý Thần Tông Hoàng đế (húy Dương Hoán) là cháu vua Lý Thánh Tông, là con Sùng Hiền hầu, lên ngôi năm Mậu Thân, đổi niên hiệu Thiên Thuận, làm vua 10 năm, thọ 23 tuổi, ngày giỗ 26-9, ruộng phụng sự để 4 mẫu tại đồng Bài Son.

 

                                 Dương Văn Đảm – Phó Chủ tịch HĐHDVN Soạn!

 

 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com