Mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao
- 27/11/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 667
Ở Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), lâu nay, tôm thẻ chân trắng chủ yếu nuôi trên đìa hoặc lót bạt nhưng môi trường nuôi ngày càng kém, rủi ro cao khiến nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ, rơi vào nợ nần. Cái khó ló cái khôn, nhiều người đã chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm.
Hơn 7 giờ sáng, trên vùng tôm thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), nắng đã chói chang. Qua những con đường quanh co, chúng tôi ghé trại tôm của ông Dương Đình Hiệp.
Vừa tất bật từ hồ này sang hồ khác để kiểm tra oxy, bơm thêm nước, cho tôm ăn, ông Hiệp vừa phấn khởi kể: “Trong hơn 15 năm nuôi tôm thẻ chân trắng, từ năm 2019 đến nay là tôi thắng lợi lớn nhất, liên tiếp trúng tôm thu về gần chục tỷ đồng. Kết quả đó là nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nghề nuôi tôm”.
Trước đây, ông Hiệp nuôi tôm trên hồ đất. Nhưng môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh khiến nhiều lần trắng tay. Không bỏ nghề, ông vay vốn đầu tư làm hồ lót bạt trên ao đất, nhưng vụ được, vụ mất. Năm 2019, ông có dịp vào Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu tìm hiểu mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Trở về, ông vay thêm vốn đầu tư máy bơm oxy, trang thiết bị làm 4 hồ xử lý nước và 6 hồ nuôi tôm theo quy trình khép kín ứng dụng công nghệ cao. Các hồ nuôi được thiết kế hình tròn khung sắt, lót bạt HDPE (một loại nhựa dẻo đặc) có diện tích hơn 400m2/hồ.
Nguồn nước lấy từ biển vào được xử lý sạch trước khi đưa vào hồ nuôi. “Mỗi năm tôi thả nuôi 4 vụ, mỗi vụ nuôi 2,5 tháng, sản lượng đạt 4 tấn/hồ; tôm đạt kích cỡ từ 30 đến 35 con/kg”, ông Hiệp khoe.
So với cách nuôi truyền thống, nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả hơn hẳn. Thực chất, đây là sự kết hợp giữa kiểm soát tốt môi trường và bảo đảm chất lượng giống để tôm sinh trưởng nhanh.
Nguồn: Báo Khánh Hòa