Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng của anh nông dân Họ Dương

Với mong muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, anh Dương Văn Trường mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình ngày càng được nhiều người dân trong địa phương biết đến và nhân rộng.

Năm 2018, anh Dương Văn Trường (ở phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) đầu tư 1,6 tỷ đồng xây dựng 22 bể xi măng để thử nghiệm nuôi tôm trên diện tích 1.200m². Để tôm có điều kiện phát triển tốt nhất, anh lắp đặt máy sục khí, có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt.

Chưa dừng lại ở đó, để điều tiết nhiệt độ, tránh tình trạng sốc nhiệt khi thời tiết chuyển mùa đột ngột, anh đầu tư mái che bằng lưới trên các bể nuôi. Có sự đầu tư về điều kiện nuôi trồng tốt cùng với sự chăm sóc kỹ càng, tỉ mỉ của bản thân anh Trường nên tôm nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Đến thời điểm hiện tại, năng suất nuôi tôm của anh Trường đạt 4 tạ/100m²/vụ, doanh thu cho tới 60 – 70 triệu đồng/100m²/vụ.

Theo chia sẻ của anh Trường, từ thành công ban đầu, gia đình anh tiếp tục đầu tư nuôi thêm tôm thẻ chân trắng với hy vọng mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

Tôm nuôi trong bể có mật độ khá dày, khoảng 400 con/m², gấp 5 – 6 lần so với mật độ ở ao nuôi. Khi thu hoạch, người nuôi thường áp dụng cách “thu tỉa” để vừa đảm bảo kích cỡ, năng suất của tôm và không bị áp lực tiêu thụ với số lượng lớn. Áp dụng cách nuôi này, tôm được sinh trưởng tốt, thị trường tiêu thụ ổn định và có hiệu quả kinh tế cao.

Nói về những ưu điểm của mô hình nuôi tôm này, anh Trường cho hay, nguồn nước và dịch bệnh là điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi. Việc nuôi tôm trong bể xi măng được xây dựng theo từng ô riêng biệt cùng với hệ thống lọc nước giúp người nuôi kiểm soát được nguồn nước đưa vào bể, không chịu tác động bên ngoài nên có thể hạn chế được dịch bệnh.

“Trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh, vì các bể nuôi được xây dựng theo từng ô riêng biệt, nên người nuôi cũng dễ dàng xử lý và khoanh vùng, do đó khắc phục được tình trạng tôm chết hàng loạt, giúp người nuôi giảm tối đa tổn thất so với việc nuôi ngoài ao, đầm”, anh Trường chia sẻ.

Việc nuôi tôm theo phương thức quảng canh hoặc nuôi công nghiệp trong ao, đầm phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Chính vì vậy khi nuôi tôm trong bể xi măng, anh Trường có thể chủ động được điều kiện và thời vụ nuôi để tôm đạt năng suất, có hiệu quả kinh tế cao.

Một ưu điểm vượt trội khi nuôi tôm trong bể xi măng nữa là khi thu hoạch chỉ cần mở van để tháo cạn nước rồi đặt túi lưới là có thể thu hoạch toàn bộ số tôm. Điều này giúp tiết kiệm công lao động và không bị thất thoát tôm khi thu hoạch. Mô hình nuôi tôm này không cần phải có diện tích lớn nên có thể nhân rộng và phát triển theo từng hộ gia đình.

Có thể nói rằng, việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng của anh Dương Văn Trường là một trong những mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, mô hình này còn được UBND phường khuyến khích đầu tư triển khai và nhân rộng.

Huyền Dương

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com