Một cuộc đời, một tâm huyết của Cô Dương Thị Lý

Ca dao xưa có câu “Ơn thầy soi lối mở đường/ Cho con vững bước dặm trường tương lai” chính là ca ngợi công lao của người thầy trong hành trình “đưa chữ sang sông”. Có những gương sáng thầy cô, mặc dù đã về hưu nhưng cô vẫn đau đáu và tận tụy về nghề “đưa đò”. Với họ, bằng cách này hay cách khác đều muốn góp sức mình cho ngành Giáo dục Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại. Một trong những “gương sáng” đó chính là cô Dương Thị Lý – Giám đốc dự án Công ty CP DVTM Việt Nam Trực tuyến.

Cô Dương Thị Lý trình bày đề án với ông Nguyễn Thiện Nhân – nguyên Ủy viên BCT – Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Không phải ngẫu nhiên chúng tôi lại ví cô Dương Thị Lý là “gương sáng” của ngành Giáo dục Việt Nam, bởi vì mặc dù đã về hưu, đang ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, được hưởng thành quả lao động của thời niên thiếu thì cô Lý lại tất bật với những dự án đầy nhân văn – chính là dự án phần mềm: “Quản lý nguồn thu và thu học phí không sử dụng tiền mặt”. Hiện cô Lý đang là Giám đốc phát triển dự án phần mềm thiết thực này.

Dự án phần mềm: “Quản lý nguồn thu và thu học phí không sử dụng tiền mặt” là gì? Đây là dự án thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, và được đánh giá là “Tiện đủ đường”. Cũng là dự án mang ý nghĩa lớn đối với cả Ngành Giáo dục Việt Nam, giúp minh bạch hóa các khoản thu trong trường học, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Vậy, điều gì đã giúp cô Lý, từ giáo viên tiểu học – ngành nghề gần như không liên quan đến dự án trên, lại tâm huyết với nó đến vậy? Cô Lý trả lời mà không đắn đo “Là tâm huyết và tình yêu. Tôi là giáo viên tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Đà Nẵng tôi dạy học tại miền núi 5 năm. Trong 32 năm trong nghề cũng đã 27 năm tôi công tác tại quê nhà là vùng đất địa linh nhân kiệt – nơi được mệnh danh là Gò Nổi đất học, đến ngày 1/3/2018 tôi nghỉ hưu. Mặc dù đã về hưu nhưng nghề nghiệp vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức và lúc nào tôi cũng trăn trở là bằng cách nào góp sức cho ngành Giáo dục nước nhà được hiện đại, văn minh, phù hợp với xu hướng hội nhập. Nghĩ là làm, tôi đã khăn gói lên đường vào TPHCM đảm nhận vai trò phát triển dự án Thư viện số. Thời điểm đó việc thu học phí ở TPHCM còn gặp nhiều bất cập, nên tôi đã chấp nhận phụ trách mảng đề án “Phần mềm quản lý các nguồn thu và thu học phí không sử dụng tiền mặt”.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị 22 của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 26/5/2020, nên cô đã xác định bước đi đầu tiên chính là tiến hành thực hiện kết nối và triển khai. Cụ thể, từ giữa tháng 8/2020 đến 31/12/2020, đề án đã hoàn thành triển khai cho 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM và đã tổ chức tổng kết tại Sở Giáo dục và Đào tạo vào ngày 29/01/2021. Đặc biệt vào tháng 11/2020, cô đã tham gia ngày hội Doanh nghiệp về công nghệ thông tin tại Thủ Đức và đã trình bày đề án của mình cho nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM – Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Thiện Nhân và đã được ông khuyến khích động viên, nhưng sau đó vì tình hình Covid kéo dài nên chưa thể tiến hành triển khai ở các tỉnh thành. Sau ngày 15/10/2021, khi tình hình giãn cách đã ngưng nên cô đã về quê hương Quảng Nam để xin chủ trương và đã tập huấn tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, đồng thời tiếp xúc và xin được chỉ thị của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Đà Nẵng.

Cô Dương Thị Lý phát biểu trong buổi hội nghị tập huấn tại Phòng Giáo dục và Đào tạo Duy Xuyên, Quảng Nam

Riêng tại Quảng Nam, cô đã tập huấn cho 18 trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cùng 18 kế toán trên địa bàn tại Sở Giáo dục và Đào tạo vào ngày 10/11/2021, ngày 12/11/2021 đã tập huấn cho Hiệu trưởng và kế toán của 65 trường THPT theo Chỉ thị số 2378 ban hành ngày 08/11/2021. “Được chỉ thị nên tôi rất phấn khởi và đã quyết tâm đưa phần mềm miễn phí về cho Giáo dục. Nhưng vì tình hình khách quan, khi dịch Covid kéo dài nên giáo viên gặp khó khăn vì phần phải dạy trực tuyến, phần phải chỉ dẫn cho học sinh về việc học trực tuyến. Và dĩ nhiên trong hoàn cảnh này, khi triển khai phần mềm về các nguồn thu cũng đang gặp khó khăn. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn có một trăn trở là các cấp lãnh đạo sẽ hỗ trợ hết mình để giáo dục được thực hiện số hóa theo tiến độ của thời đại 4.0. Điều này sẽ góp phần trực tiếp giảm thiểu bớt công năng của kế toán, để không phải ôm giữ một khối tiền rồi mang đi nộp vào ngân hàng, kho bạc…”. Đặc biệt, việc chuyển đổi phương thức thanh toán học phí từ thủ công truyền thống sang không dùng tiền mặt đã tạo sự linh hoạt cho phụ huynh học sinh. Dù sử dụng bất kỳ tài khoản ngân hàng nào, cư ngụ tại bất cứ địa bàn nào đều đóng được học phí bằng các hình thức phù hợp do phụ huynh lựa chọn, hạn chế tối đa các sai sót trong việc đối soát dữ liệu thu phí, học phí. Với hình thức này, phụ huynh đã không còn phải xếp hàng, chờ đợi khi đóng học phí. Đối với sinh viên, học sinh, thông qua các giải pháp ứng dụng trên internet, mobile và thực hiện trả tiền qua các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng (thanh toán qua thiết bị di động, thanh toán qua internet, ví điện tử, dịch vụ thanh toán hóa đơn…) đã giúp từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong việc tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng và hình thành thói quen không dùng tiền mặt trong các giao dịch, thanh toán. Đặc biệt như cô Lý chia sẻ, phần mềm này sẽ tạo cho mỗi học sinh một mã số cụ thể, vừa công khai minh bạch giúp ngành đỡ vất vả, vừa quản lý được nguồn thu hàng ngày trên hệ thống!

Trong thời đại công nghệ số 4.0 thì việc cải cách theo chiều hướng tiên tiến, bỏ những thủ tục rườm rà, hướng đến những tiện ích là điều cấp thiết chứng minh sự văn minh, là xu hướng tất yếu để theo kịp nhân loại. Những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt với các cơ quan quản lý, phụ huynh, học sinh… là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc triển khai rộng khắp còn gặp phải rất nhiều khó khăn như thói quen sử dụng tiền mặt, sự không đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các trường học, giữa các địa bàn…; và việc đang sử dụng quen tiền mặt phải thay đổi sang dùng phần mềm, thao tác… là một khó khăn với đội ngũ kế toán, thủ quỹ của các trường. Đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa thì việc tiếp cận ứng dụng này cũng không mấy dễ dàng. Đây chính là một vài bất cập khi thực hiện dự án cô Lý vẫn luôn trăn trở.

Cô Lý cũng như những nhân viên thực hiện dự án đang từng ngày dồn hết tâm huyết của mình vào Ngành Giáo dục nước nhà với khát vọng về một nền văn hóa đầy văn minh, hiện đại. Vì vậy, đi liền với sự phát triển của nền công nghệ hiện đại, để có thể đáp ứng tốt được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc giáo dục cũng phải có bước chuyển mình để có thể phù hợp với xu hướng hiện tại. Đóng góp từ Dự án phần mềm: “Quản lý nguồn thu và thu học phí không sử dụng tiền mặt” là một cuộc cách mạng quan trọng, sẽ là bước đệm cần thiết để tạo nên dấu son lớn cho Ngành Giáo dục Việt Nam. Đây là phương án lâu dài, chứ không phải mang tính thời điểm, chính vì tình yêu và tâm huyết sẽ là động lực để cô Lý cùng những nhân viên dự án tiếp tục nỗ lực là những nhân tố tạo nên liên kết chặt chẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia khởi nghiệp vào năm 2025. Hình ảnh cô Lý – một cuộc đời, một tâm huyết với ngành Giáo dục Việt Nam, sẽ là minh chứng cho “tượng đài tiêu biểu của người thầy”, để các thế hệ sau thêm tri ân và trân quý người “lái đò” mẫu mực và giàu tình yêu thương như đúng với câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”.

Nguồn: Báo điện tử Việt Nam Hội nhập

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com