Nhạc sĩ Dương Minh Ninh: Gần một đời gắn bó với âm nhạc
- 30/12/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 1140
Nhắc đến nhạc sĩ Dương Minh Ninh (phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa), nhiều người yêu nhạc (những năm 50, 60 của thế kỷ XX) đến nhạc sĩ của “Bài ca tự túc” (lời thơ: Lưu Trùng Dương). Bạn bè và người thân của ông thường thấy ở ông hình ảnh của một người thầy giáo hiền lành, chỉn chu nhiều hơn là một nghệ sĩ.
Năm nay, nhạc sĩ Dương Minh Ninh tròn 97 tuổi. Đây cũng là năm tuổi của người nhạc sĩ già. Gần một đời gắn bó với âm nhạc, ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ, khơi nguồn cảm hứng cho không biết bao nhạc phẩm ra đời.
Nhạc sĩ của quần chúng…
Nhạc sĩ Dương Minh Ninh (trái) cùng nhạc sĩ Trần Viết Bính
Ở tuổi 97, mặc dù không còn minh mẫn, đi lại khó khăn nhưng khi nghe có khách đến thăm và muốn “thưởng thức” tiếng đàn, ánh mắt nhạc sĩ Dương Minh Ninh sáng hẳn lên. Cứ tưởng đôi bàn tay “run run”, nhăn nheo của người nhạc sĩ già sẽ làm giảm khả năng đánh đàn, nhưng không. Dường như khi bàn tay ấy chạm vào cây đàn, các phím đàn được tiếp thêm sức mạnh. Những thanh âm trong trẻo, ấm áp cứ thế vang lên, hòa tan vào tiếng mưa chiều tí tách bên khung cửa khiến cho lòng người nghe trở nên thư thái, nhẹ nhõm lạ thường.
Nhạc sĩ Dương Minh Ninh sinh năm 1922 tại Quảng Nam. Trong nhóm Tân nhạc Hội An, bên cạnh La Hối là Dương Minh Ninh với vị trí nhạc công guitar trong ban nhạc. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác tại Ban Văn nghệ Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu V. Sau Hiệp định Geneve 1954, ông về Huế sống. Từ năm 1956 đến năm 1959, ông dạy học ở Trường Bồ Đề (Huế). Cũng trong giai đoạn này, ông học nhạc hàm thụ Trường Universelle Paris về sáng tác và phối khí. Năm 1960, nhạc sĩ Dương Minh Ninh về Quy Nhơn, dạy học ở Trường Sư phạm và Trường Cường Đễ.
Ca khúc của nhạc sĩ Dương Minh Ninh giản dị, lời ca giàu hình tượng văn học, dễ thuộc, dễ hát nên được phổ biến rộng rãi cho bộ đội ở Liên khu V. Những tác phẩm nóng hổi hơi thở kháng chiến, thúc giục lòng quân tiến lên lần lượt ra đời, được hát phục vụ nhiều nơi, nhiều lần, đã góp phần thổi bùng ngọn lửa yêu nước, lòng căm thù giặc, thôi thúc ý chí quyết tâm chiến đấu giành độc lập dân tộc. Tiêu biểu như: “Bài ca tự túc” (đoạt giải thưởng Âm nhạc Cửu Long năm 1952); “Việt Nam hành quân ca”, “Trai đất Việt”, “Vọng sơn hà”, “Lửa chiến đấu”… Ngoài ra, nhạc sĩ còn sáng tác các đề tài về thiếu nhi và quê hương như: “Chim Sơn ca”, “Trường làng tôi”; “Trăng trên sông Hoài”, “Chiều phố buồn”…
Tác phẩm của nhạc sĩ Dương Minh Ninh chủ yếu được đăng trong tuyển tập Liên khu V yêu dấu; Văn nghệ sĩ Liên khu V – Lý tưởng nhân cách sáng tạo… Như lời nhận xét của cố GS.TS. Lâm Tô Lộc: “Nhạc sĩ Dương Minh Ninh – một tài năng âm nhạc hoạt động trải đều trên các mặt: biểu diễn, sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy. Sớm nổi danh ở Liên khu V, với những cống hiến nghệ thuật âm nhạc, ông được coi là gương mặt tiêu biểu của giới nhạc sĩ quân đội thời kháng chiến chống Pháp”.
Từ năm 1976, nhạc sĩ Dương Minh Ninh cùng gia đình vào định cư ở huyện Tân Phú (Đồng Nai). Ông vừa lao động sản xuất vừa sáng tác và mở lớp dạy đàn, dạy lý thuyết âm nhạc tại nhà, phục vụ nhu cầu văn nghệ quần chúng trong các tầng lớp nhân dân. Người nhạc sĩ quê xứ Quảng từ lòng dân ra đi, sáng tác và biểu diễn trong khói lửa chiến tranh cách mạng giờ đã bước qua tuổi cửu tuần. Mắt đã mờ, chân đã mỏi nhưng những “đứa con” tinh thần của ông vẫn sống mãi với công chúng yêu nhạc, với quê hương đất nước.
Niềm vui của người nhạc sĩ già
Nhạc sĩ Trần Viết Bính cho biết, một lần tình cờ nói chuyện với già làng người Mạ ở ấp Bon Gõ (huyện Tân Phú) ông mới biết, ở Đồng Nai có một người nhạc sĩ thuộc hàng tiền bối, sống mấy chục năm mà anh em văn nghệ sĩ không hề hay biết. “Đầu tháng 3/2017, tôi cùng Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp đến thăm người nhạc sĩ già (có lẽ già nhất trong hàng ngũ nhạc sĩ Việt Nam hiện nay). Lúc bấy giờ, nhạc sĩ Dương Minh Ninh sống trong căn nhà nhỏ của người con rể ở thị trấn Tân Phú. Gia cảnh hết sức khó khăn. Tất cả nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào tiền công may vá của cô con gái và khoản phụ cấp xã hội của hai ông bà già…”, nhạc sĩ Trần Viết Bính kể.
Nhạc sĩ Dương Minh Ninh có đông con (12 người) nhưng đã có gia đình riêng, không ai khá giả và đều ở xa nên cũng không giúp đỡ được gì cho cha mẹ. Vợ nhạc sĩ bị tai biến, nằm một chỗ đã hơn 10 năm. Vì kinh tế khó khăn, ngôi nhà của người con rể phải đề giấy bán. Tuy nhiên, mới đây, người con trai thứ của ông xây được ngôi nhà cấp bốn ở phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) nên đã đón vợ chồng nhạc sĩ Dương Minh Ninh lên phố để tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng.
Mặc dù đôi bàn tay run run nhưng nhạc sĩ Dương Minh Ninh vẫn cố gắng cầm bút, viết những dòng cảm xúc khi có bạn bè đến thăm. Ông bảo rằng, ông rất vui. Năm mới đến ông không có ước vọng gì hơn là được cùng con cháu tụ họp đông đủ đón Tết cổ truyền. Nhạc sĩ cũng không quên gửi lời chúc đến với mọi người, mọi nhà bước sang năm mới có nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc.
Dương Thủy theo báo Lao động thủ đô